Kỳ vọng (aspiration level) và thái độ thỏa mãn (satisficing behaviour) của người đại diện (agent) ra quyết định

Động lực cho một hoạt động nào đó của doanh nghiệp nhằm đạt được một mục tiêu nào đó thương bắt nguồn từ các kỳ vọng, nhu cầu, áp lực đối với người đại diện ra quyết định. Hoạt đông trên ngừng ngay khi những yếu tố tạo nên động lực đó được thỏa mãn. Điều kiện thỏa mãn chúng có thể được thể hiện rõ qua khái niệm mức kỳ vọng khi ra quyết định (Simon, 1979).

Mức kỳ vọng tạo nên giới hạn ngăn cách giữa những người được coi là thỏa mãn và những người không thỏa mãn. Người đại diện xác định mức kỳ vọng của mình phải ra quyết định trong doanh nghiệp, ở một thời điểm nào đó, theo các yếu tố sau:

  • Mức kỳ vọng xác định trong quá khứ hay trong những khoảng thời gian trước của người đại diện;
  • Mức kỳ vọng của những người đại diện khác trong hoàn cảnh tương tự so sánh;
  • Các dự đoán của người đại diện về môi trường và kết quả đạt được từ các quyết định của anh ta;
  • Tính hiệu quả của các quyết định ra bởi anh ta trong quá khứ.

Mức kỳ vọng đề ra xác định chỉ tiêu quyết định của người đại diện. Để chọn một giải pháp, anh ta phải trải qua một quá trình nghiên cứu các lựa chọn và hậu/kết quả nếu chọn chúng. Nếu người đại diện có thể dự kiến so sánh các giải pháp cái này sau cái trước, anh ta sẽ dừng các nỗ lực của mình ở giải pháp đảm bảo lợi ích lớn hơn hoặc bằng lợi ích tương ứng mức kỳ vọng của anh ta. Người đại diện sẽ lấy giải pháp này và coi đó là giải pháp thỏa mãn cho quyết định của mình.

Nếu người đại diện phải chọn các giải pháp liên tục theo các nhóm, anh ta sẽ dừng lại ở nhóm đầu tiên có giải pháp thỏa mãn so với mức kỳ vọng đã đề ra và chọn nhóm này. Nếu nhóm có nhiều giải pháp thỏa mãn, anh ta sẽ chọn cái có lợi nhất đối với mình. Nhưng nếu có nhiều giải pháp mang lại cùng lợi ích, rất khó biết được giải pháp nào sẽ được người đại diện ưu tiên chọn.

Trong thực tế, không thể hay rất khó có thể đạt được lợi nhuận tối đa; các tác nhân kinh tế thường chấp nhất lợi nhuận ở mức thỏa mãn. Theo cách tiếp cận động, quy trình lựa chọn một giải pháp thỏa mãn trong các giai đoạn độc lập nhau. Do vậy, hệ quả của việc không thể tìm được một giải pháp thỏa mãn trong một giai đoạn nào đó dẫn tới hai hướng hành động của một tác nhân kinh tế:

  • Anh ta có thể cố găng tăng cường đầu tư vào nghiên cứu nhằm đạt được những lựa chọn chấp nhận được. Ví dụ, các nhà đầu tư mở rộng phạm vi tìm kiếm không chỉ trong nước, mà ở cả nước ngoài; nhờ đó, khả năng tìm được giải pháp thỏa mãn tăng;
  • Anh ta có thể giảm dần một cách đáng kể mức kỳ vọng của mình khi nhận thấy mức độ khó khăn gặp phải nếu muốn đạt tới mức độ kỳ vọng đó. Cuối cùng, anh ta sẽ chọn giải pháp hy vọng ít rủi ro hay ảnh hưởng nhất.

Hai cơ chế chuyển biến hòa nhập này cho phép tăng khả năng đạt các giải pháp thỏa mãn của các tác nhân kinh tế trong doanh nghiệp.

Nếu các quyết định dựa trên những giải pháp này mang lại kết quả hy vọng, chúng sẽ được lập lại trong các hoàn cảnh tương tự. Quá trình học hỏi này cho phép người đại diện tiết kiệm chi phí nghiên cứu, tìm kiếm thông tin. Ngược lại, nếu kết quả không như hy vọng, người đại diện phải thay đổi mức kỳ vọng hay thúc đẩy anh ta nghiên cứu, tìm kiếm hơn nữa (Kœnig, 1998).

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 247-248.