Quan điểm thể chế hiện đại (New or neo-institutional theory) trong quản lý doanh nghiệp

Quan điểm thể chế hiện đại (New or neo-institutional theory or new institutionalisme) được xây dựng dựa trên ba nghiên cứu chính, bao gồm: John Meyer và Brian Rowan (1977), DiMaggio và Powell (1982); và của Zucker (1977). Tuy nhiên, giữa 3 quan điểm này tồn tại một số mâu thuẫn nhất định. Trong khi hai nghiên cứu đầu tiên coi môi trường của một tổ chức là nguồn cho các thể chế, thì Zucker coi chính thể chế là một nguồn thúc đẩy sự phát triển của tổ chức.

Bên cạnh đó, quan điểm thể chế hiện đại cũng được xây dựng dựa trên thuyết “Kỹ thuật quyết định” của Veblen và trong điều kiện cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển. Tiếp sau đó, đến năm 1970, Meyer và Rowan (1977) và Zucker (1977) đưa ra cách tiếp cận mới về quan niệm này, trong đó nhấn mạnh tới vai trò của văn hoá và nhận thức trong phân tích thể chế. Meyer và Rowan (1977) chỉ ra rằng “thể chế là kết quả kết hợp hợp pháp các hoạt động của các tổ chức, góp phần bảo đảm nguồn lực, sự ổn định và nâng cao khả năng tồn tại của tổ chức” (trang 340). Tiếp sau đó, tới năm 1991, Powell và DiMaggio (1991) đưa ra các nhận định về “chủ nghĩa thể chế mới” (New institutionalism). Nghiên cứu của Powell và DiMaggio (1991) gần như bác bỏ toàn bộ các mô hình và cách diễn giải của quan điểm thể chế cổ điển. Thay vào đó, quan điểm thể chế hiện đại tập trung vào khả năng nhận thức, cũng như tác động của nhận thức cá nhân tới sự thay đổi thể chế trong tổ chức, xã hội.

Khái quát lại, lý thuyết thể chế hiện đại chỉ ra rằng các doanh nghiệp có khuynh hướng đạt được sự ổn định và đồng nhất cao sau khi áp dụng thực hiện các thể chế. Chính điều này đã cho phép các doanh nghiệp đảm bảo được sự duy trì và ổn định phát triển (Powell và DiMaggio, 1991).

Xét trên nhiều khía cạnh, quan điểm thể chế hiện đại có khá nhiều điểm tương đồng với quan điểm thể chế cũ. Theo Powell và DiMaggio (1991, trang 12), cả hai cách tiếp cận đều tập trung nghiên cứu thể chế thông qua các mô hình tổ chức, đồng thời cũng tập trung vào mối quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân với môi trường hoạt động của họ. Bên cạnh đó, 2 quan điểm cũng đã nêu ra và phân tích các khía cạnh còn hạn chế trong thể chế của các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò định hình thể chế tổ chức của yếu tố văn hóa.

Bên cạnh các điểm tương đồng, quan điểm cổ điển và quan điểm hiện đại về thể chế cũng có những điểm khác biệt được thể hiện cụ thể trong bảng dưới đây:

Sự khác nhau giữa quan điểm cổ điển và quan điểm hiện đại về thể chế

Nội dung Quan điểm cổ điển Quan điểm hiện đại
Xung đột lợi ích Trung tâm Không có nhiều tác động
Nguồn gốc thay đổi Theo sở thích Bắt buộc về tính chính xác
Cấu trúc Cấu trúc phi chính chức Cấu trúc chính thức
Tổ chức tham gia Cộng đồng địa phương Lĩnh vực, ngành hoặc xã hội
Bản chất gắn kết Hợp tác thực hiện Cùng xây dựng
Vị trí của thể chế Tổ chức Lĩnh vực hoặc xã hội
Động lực tổ chức Thay đổi Kiên trì
Cơ sở phê bình Lý thuyết nhận thức Lý thuyết hành động
Bằng chứng phê bình Không có tiêu chuẩn Có tiêu chuẩn

Nguồn: Powell và DiMaggio (1991, trang 12)

Chủ nghĩa thể chế hiện đại xem xét tính hợp pháp của thể chế là nhiệm vụ hàng đầu nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển. Trong khi theo quan điểm thể chế cũ, sự ổn định của một doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào khía cạnh chính trị, các xung đột lợi ích nhóm (Powell và DiMaggio, 1991).

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 76 – 78.