Hệ thống, tùy theo mức độ phức tạp về cấu trúc và các mối quan hệ nội bộ, được phân thành hệ thống đơn giản và hệ thống phức tạp. Để nhấn mạnh các đặc tính của một hệ thống phức tạp, Flood và Jackson (1991) so sánh các hệ thống đơn giản và hệ thống phức tạp cụ thể như sau:
- Hệ thống đơn giản (simple system) có một số đặc điểm sau:
- Có sự tham gia của ít yếu tố;
- Mức độ tương tác giữa các yếu tố hạn chế;
- Các thuộc tính của các đơn vị phần tử trong hệ thống được xác định trước;
- Tương tác giữa các yếu tố được tổ chức chặt chẽ;
- Quy định điều chỉnh hành vi rõ ràng;
- Hệ thống không phát triển theo thời gian;
- Các tiểu hệ thống không theo đuổi các mục tiêu đơn lẻ;
- Hệ thống không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hành vi;
- Hệ thống không có tác động qua lại với môi trường.
Nhìn chung, hệ thống đơn giản có đặc trưng là có sự tham gia của ít yếu tố, mối liên kết và tương tác giữa các yếu tố đó cũng ít xảy ra. Đồng thời, thuộc tính của các đơn vị phần tử trong hệ thống đơn giản có thể được xác định trước, được tổ chức liên kết rất chặt chẽ và hầu như độc lập với nhau, ít chịu tác động từ môi trường xung quanh. Chính vì vậy, hệ thống đơn giản được tổ chức tương đối chặt chẽ, các quy luật điều chỉnh hành vi hệ thống là cố định, rõ ràng giúp hoạt động của hệ thống không bị ảnh hưởng bởi các hành vi bên ngoài. Một đặc trưng nổi bật của hệ thống đơn giản chính là hệ thống không phát triển theo thời gian, phần lớn là hệ thống đóng không có tác động qua lại với môi trường (Flood và Jackson, 1991).
- Hệ thống phức tạp (complex system) có một số đặc điểm cơ bản sau:
- Có sự tham gia của nhiều yếu tố;
- Mức độ tương tác giữa các yếu tố lớn;
- Các thuộc tính của các đơn vị phần tử trong hệ thống không được xác định trước;
- Tương tác giữa các yếu tố được tổ chức lỏng lẻo;
- Quy định điều chỉnh hành vi không rõ ràng, cụ thể;
- Hệ thống phát triển theo thời gian;
- Các tiểu hệ thống có mục tiêu riêng và theo đuổi các mục tiêu đơn lẻ đó;
- Hệ thống bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hành vi;
- Hệ thống có tác động qua lại với môi trường.
Về cơ bản, hệ thống phức tạp là hệ thống được đặc trưng bởi sự tham gia của một số lượng lớn các phần tử, do vậy các mối liên kết và tương tác diễn ra trong hệ thống cũng xuất hiện nhiều hơn so với hệ thống đơn giản. Các thuộc tính của đơn vị phần tử rất khó để xác định trước và mức độ liên kết trong hệ thống diễn ra tương đối lỏng lẻo. Hệ thống phức tạp có chịu sự tác động với môi trường do chủ yếu là những hệ thống mở, thường xuyên chịu ảnh hưởng từ các hành vi của con người và môi trương xung quanh. Theo thời gian, hệ thống cũng phát triển về quy mô, cấu trúc để phù hợp với sự thay đổi của các yếu tố bên trong và bên ngoài môi trường. Hệ thống phức tạp được cấu tạo từ các hệ thống con có mục đích hoạt động riêng lẻ, liên kết với nhau thực hiện mục đích chung của hệ thống phức tạp (Flood và Jackson, 1991).
Quy mô của hệ thống càng lớn thì độ phức tạp càng tăng, do có sự tham gia của nhiều tiểu hệ thống và nhiều quá trình hoạt động đồng thời. Một hệ thống phức tạp hoạt theo phương hướng không định trước được, các mối quan hệ nguyên nhân kết quả cũng khó lường trước do các quy trình không thống nhất, không có liên kết chặt chẽ trong hệ thống. Đặc trưng của hệ thống phức tạp là được cấu tạo bởi nhiều hệ thống con khác nhau nhưng lại không đồng nhất, do vậy, tác động của môi trường lên các hệ thống con sẽ gây ra tác động đến toàn bộ hệ thống. Mức độ tác động này là cao hay thấp phụ thuộc vào vai trò của hệ thống con trong mối quan hệ với các đơn vị hệ thống khác. Chính vì vậy, trong quá trình quản lý hoạt động của hệ thống cần nghiên cứu các yếu tố đầu vào và cấu trúc của hệ thống để hạn chế những biến đổi không mong muốn.
Một hệ thống nói chung ít nhạy cảm với các ảnh hưởng cấu trúc bên ngoài so với cấu trúc nội bộ. Tuy nhiên, hệ thống phức tạp có thể không xảy ra sự thay đổi các thông số nội bộ. Do việc tăng hoặc giảm giá trị của chúng được vô hiệu hóa bởi nhiều loại phản hồi tiêu cực và những thay đổi này ít ảnh hưởng đến hành vi của hệ thống. Hệ thống phản hồi tiêu cực tuyến tính, ổn định hoặc không ổn định bất kể sử dụng tín hiệu đầu vào nào. Hệ thống phản hồi phi tuyến tính có thể ổn định đối với một số tín hiệu đầu vào nhưng không ổn định đối với các tín hiệu đầu vào khác.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 476-477.
4 Th2 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019