Một học thuyết được định nghĩa là “học thuyết doanh nghiệp – Theory of the Firm” khi nó cho phép trả lời và giải thích được các câu hỏi sau (Hubbard, 2008; Richman và Mache, 2008):
1. Sự tồn tại của doanh nghiệp
Tại sao doanh nghiệp hình thành và tồn tại? Tại sao mọi giao dịch trong nền kinh tế không thể được điều tiết bởi thị trường?
Mỗi học thuyết khi được định nghĩa là học thuyết doanh nghiệp, một cách cụ thể hoặc khái quát, rõ ràng hoặc dẫn hướng, đều khẳng định doanh nghiệp hình thành như một trong những cơ chế “giá cả – thị trường”, và tồn tại vì vận hành sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn thị trường, tức cơ chế trao đổi, giao dịch mua bán tự do hàng hóa dịch vụ giữa các tác nhân kinh tế trên thị trường.
Cụ thể, theo học thuyết về chi phí giao dịch, về nguồn nhân lực, doanh nghiệp không thể hoặc rất đắt đỏ nếu phải thuê và sa thải liên tục nhân viên theo biến động cung cầu. Nhân viên cũng không thể hoặc mất nhiều chi phí nếu luôn phải thay đổi nơi làm việc, kể cả khi có thể đạt được một số điều kiện tốt hơn doanh nghiệp hiện tại.
Vì vậy, doanh nghiệp hình thành khi ký kết các hợp đồng dài hạn tuyển dụng, và nhờ đó, trên cơ sở quản lý và sản xuất, đạt được hiệu quả tốt hơn về chi phí và đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho các bên so với thị trường theo quan hệ cung cầu (Coase, 1937; Williamson, 1979, Hart và Moore, 1990). Thuyết nguồn lực tiếp cận sự tồn tại của doanh nghiệp trên cơ sở sở hữu các nguồn lực nội tại khan hiếm và không thể sao chép, và nhờ đó đạt được và duy trì được hiệu suất vượt trội sơ với cơ chế mua bán trên thị trường (Barney, 1991; Grant, 1991; Kogut và Zander, 1992; Prahalad và Hamel, 1990; Teece, Pisano và Shuen, 1997).
2. Ranh giới phân biệt doanh nghiệp với thị trường
Tại sao doanh nghiệp và thị trường có sự phân định ranh giới cụ thể gắn liền với quy mô (size) và các sản phẩm đầu ra (output variety)? Các giao dịch nào được thực hiện trong nội bô doanh nghiệp và các giao dịch nào được thương lượng trên thị trường?
Ranh giới nhằm xác định những yếu tố, hoạt động thuộc hay không thuộc doanh nghiệp. Để nằm trong ranh giới, các phần tử thường phải mang cùng một số tính chất đặc thù hoặc được chuyển đổi theo cách thức nào đó như tuyển dụng, tuân thủ các quy tắc, văn hóa doanh nghiệp … Do đó, ranh giới doanh nghiệp thường gắn liền với số lượng nhân sự (các chủ thể tương tác của doanh nghiệp) và các hoạt động liên quan đến sản phẩm đầu ra của họ. Từ đó, ranh giới doanh nghiệp cho phép phân định hai loại giao dịch nội bộ và với bên ngoài.
Như đã trình bày trên đây, nguyên tắc cơ bản tồn tại và vận hành của doanh nghiệp gắn liền với các giao dịch nội bộ được thực hiện với chi phí thấp hơn hay hiệu suất cao hơn so với cơ chế thị trường. Ngược lại, các giao dịch hiệu quả hơn thông qua cơ chế thị trường sẽ không nên được thực hiện trong nội bô doanh nghiệp.
Vi phạm nguyên tắc này đồng nghĩa doanh nghiệp vi phạm quy luật đào thải khách quan của thị trường cũng như nguyên tắc tồn tại của chính mình, và sẽ khó có thể tồn tại được.
3. Tổ chức nội bộ và cấu trúc doanh nghiệp
Tại sao mỗi doanh nghiệp được cấu trúc theo mỗi cách khách nhau, có mức độ tập trung tổ chức và phân quyền khác nhau? Các mối quan hệ chính thức và phi chính thức tương tác với nhau như thế nào trong doanh nghiệp?
Mỗi doanh nghiệp được tổ chức theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào nguồn lực sẵn có và mục tiêu đề ra; từ đó xác định cấu trúc tổ chức gắn liền với phương thức hoạt động của doanh nghiệp. Chính sự khác nhau về nguồn lực và mục tiêu đề ra, đặc biệt là sự khác nhau về nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp, vốn gắn liền với các mối quan hệ giữa nhân viên của mỗi doanh nghiệp với nhau và giữa họ với môi trường bên ngoài, dẫn đến sự khác nhau về tổ chức, về cấu trúc giữa các doanh nghiệp.
Cơ cấu tổ chức phân chia trách nhiệm theo các chức năng và quy trình khác nhau cho các đơn vị khác nhau như chi nhánh, phòng ban, nhóm làm việc và từng cá nhân. Cơ cấu tổ chức xác định cách thức các cá nhân và các nhóm được tổ chức như thế nào và cách phân chia và phối hợp các nhiệm vụ được giao trong doanh nghiệp (Mintzberg, 1983). Những mối quan hệ và trách nhiệm được xác định chính thức theo cơ cấu tổ chức sẽ phân định với những hoạt động phi chính thức trong doanh nghiệp.
4. Tính không đồng nhất hay khác nhau về hoạt động và hiệu suất giữa các doanh nghiệp khác nhau
Tại sao các doanh nghiệp hoạt động và có hiệu suất khác nhau? Những yếu tố nào dẫn đến sự không đồng nhất về hoạt động và hiệu suất giữa các doanh nghiệp, đôi khi thậm chí có vẻ hoàn toàn giống nhau?
Nguyên nhân, thứ nhất, vì các doanh nghiệp sở hữu các nguồn lực khác nhau nên các doanh nghiệp khác nhau về hoạt động và hiệu suất (Barney, 1991). Thực tế, các nguồn lực có giá trị thường hiếm có ví dụ như các nguồn lực từ môi trường tự nhiên đặc thù như tài nguyên khoáng sản, điều kiện địa lý thuận lợi mà khó thể tìm được một loại tài nguyên tương đồng. Hoặc các nguồn lực có thể mang tính đặc thù, gắn với đặc điểm, quy trình và phương pháp doanh nghiệp sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả hơn các đối thủ cạnh tranh. Nguồn lực đặc thù là nguồn lực mà chỉ doanh nghiệp đó sở hữu, ví dụ như nguồn lực về nền tảng công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao…
Thứ hai, tính không đồng nhất giữa các doanh nghiệp liên quan đến hiệu quả sử dụng khác nhau, là cách mà doanh nghiệp kết hợp các nguồn lực với nhau để đem lại lợi nhuận cao nhất (Barney, 1991). Điều này giải thích vì sao doanh nghiệp thành công hơn các đối thủ khác, mặc dù trong một ngành có thể có nhiều doanh nghiệp cùng sở hữu các nguồn lực đặc thù. Khởi đầu, các doanh nghiệp có thể kiểm soát những nguồn lực tương đồng, nhưng theo thời gian, những doanh nghiệp sáng suốt nắm bắt được thời cơ và đi đầu trong thực thi chiến lược sẽ xây dựng được cho mình những nguồn lực khác biệt và đạt được lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ khác.
5. Minh chứng lịch sử định nghĩa học thuyết doanh nghiệp
Học thuyết đã được minh chứng lịch sử thực tế như thế nào trong những thời kỳ, giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của thế giới?
Để minh chứng vai trò và vị trí của mỗi học thuyết doanh nghiệp được trình bày trên website này, bối cảnh lịch sử hình thành và phát triển của học thuyết cũng được giới thiệu và phân tích những áp dụng thực tiễn của học thuyết trong giai đoạn lịch sử của nó cũng như khả năng ứng dụng trong bối cảnh hiện đại hiện nay.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), “Lời nói đầu”, trong sách Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 19-26.
4 Th2 2019
1 Th2 2019
17 Th12 2018
15 Th2 2016
4 Th2 2019