Kinh tế học cổ điển, do Adam Smith (1723 – 1790) khai phá, đặt nền tảng lý luận đầu tiên về thị trường, nhưng mới chỉ đề cập đến vai trò của tập thể (tổ chức, doanh nghiệp), khi vận hành có khả năng tạo ra nhiều của cải hơn so với các cá nhân làm việc độc lập. Nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nó hình thành và vận hành dưới sự điều khiển bởi một “Bàn tay vô hình” theo các quy luật tự nhiên và tất yếu.
Kinh tế học tân cổ điển, kế thừa và phát triển kinh tế học cổ điển, lấy doanh nghiệp (firm) làm đơn vị phân tích. Trong thời kỳ sơ khai cuối thế kỷ 18, doanh nghiệp được coi như “hộp đen” (black box), nơi tập trung trong một tổng thể các yếu tố cần thiết để tổ chức và triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nhà kinh tế thời kỳ này, coi doanh nghiệp như “hộp đen” vì họ hoặc không mong muốn nghiên cứu, hoặc đúng hơn vì không thể hiểu được sự vận hành phức tạp bên trong doanh nghiệp. Hộp đen doanh nghiệp chỉ được các nhà kinh tế mô tả một cách giới hạn qua các yếu tố có thể đo lường được, ngoài hộp đen (Kœnig, 1998).
Một cách khái quát, doanh nghiệp truyền thống (thường gắn liền với một chủ sở hữu cũng là người quản lý điều hành doanh nghiệp) được xem như một đơn vị mà hoạt động chủ yếu nhằm chuyển những dòng đầu vào (nguyên vật liệu, nhân lực, dịch vụ, …) thành những dòng đầu ra (thành phẩm, chất thải, …) dựa trên một mối quan hệ kỹ thuật được gọi là chức năng sản xuất. Cụ thể, chủ doanh nghiệp tiến hành thuê nhân lực và thu mua nguyên vật liệu, dịch vụ …, dựa vào quản lý phân công lao động, vận hành máy móc, thiết bị, phân bổ nguyên vật liệu, quá trình theo dõi, giám sát và điều chỉnh để tạo ra đầu ra; đó là các sản phẩm cuối cùng để cung cấp cho thị trường và các loại chất thải. Tổ chức này, tạm thời chưa đề cập đến hoạt động nội tại của nó, được quản lý bởi một cá nhân hay một nhóm người là chủ sở hữu doanh nghiệp. Đối với họ, mục tiêu duy nhất là tối đa hóa lợi nhuận (Kœnig, 1998).
Hình 1: Mô hình vận hành “hộp đen” doanh nghiệp
Các nghiên cứu trong thời kỳ chủ yếu tập trung tiếp cận doanh nghiệp từ môi trường bên ngoài. Theo đó, môi trường quyết định sự tồn tại và vận hành của doanh nghiệp; và nhiệm vụ chính của doanh nghiệp là đáp ứng và thích nghi với nhu cầu, đòi hỏi và biến động của môi trường. Quan điểm này được khái quát trong mô hình SCP (Structure – Conduct – Performance, tạm dịch Cấu trúc – Hành động – Hiệu quả), do Joe S. Brain (1959) nghiên cứu và phát triển, phân tích tổng quát hóa mối quan hệ giữa cơ cấu thị trường, hành vi thị trường và hiệu quả thị trường. Mô hình này được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản: Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể thể hiện qua sự thành công trong đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, phụ thuộc vào hành vi của cả người bán và người mua (doanh nghiệp, nhà cung ứng, khách hàng), và các yếu tố này lại phụ thuộc vào cấu trúc thị trường. Nói cách khác, mô hình SCP giả định rằng cấu trúc thị trường quyết định hành vi của các doanh nghiệp cần như thế nào; từ đó quyết định hiệu quả của doanh nghiệp; nói cách khác doanh nghiệp phải thích nghi với môi trường để tồn tại. SCP được đánh giá là cơ sở lý luận nền tảng của hệ tư tưởng tổ chức quản lý công nghiệp (IO – Industrial Organization) và gắn liền với quan điểm tiếp cận về doanh nghiệp trước những năm 1990.
Hình 2: Mô hình SCP (Cấu trúc – Hành động – Hiệu quả)
Cấu trúc gồm tập hợp các yếu tố tương đối ổn định theo thời gian và có ảnh hưởng đến hành vi của người bán và/hoặc người mua. Sự khác nhau giữa các cấu trúc thị trường thường phụ thuộc vào bốn yếu tố chủ đạo: quan hệ cung – cầu (số lượng người bán – người mua), sự khác biệt của sản phẩm, các rào cản tham gia thị trường. Bên cạnh đó, công nghệ và đặc tính của sản phẩm cũng được xem xét là yếu tố tham gia xác định cấu trúc của thị trường
Hành vi thể hiện cách mà người bán và người mua (tất cả hoặc một số) hành xử với nhau, ví dụ như doanh nghiệp có thể tự chọn về chiến lược, đầu tư nghiên cứu & phát triển, quảng cáo, thông đồng thỏa hiệp với nhau … Hành vi của doanh nghiệp thường gắn liền với giá cả. Cấu trúc thị trường cạnh tranh sẽ thiết lập sự cân bằng trong dài hạn, khi đó P = MC = LAC (P – Price: giá; MC – Marginal Cost: chi phí cận biên; LAC – Long-run Average Cost: chi phí trung bình dài hạn); doanh nghiệp sẽ thực hiện các hành vi chiến lược cần thiết để hạn chế sự gia nhập của các đối thủ mới. Ngược lại, trong thị trường cạnh tranh độc quyền, hay độc quyền nhóm, doanh nghiệp sẽ có hành vi ấn định giá cụ thể; khi đó P > MC.
Hiệu quả được đo lường thông qua so sánh kết quả giữa các doanh nghiệp trong ngành theo các tiêu chí hiệu quả (sản xuất với chi phí tiết kiệm nhất, cải tiến sản phẩm và kỹ thuật sản xuất) hoặc theo các chỉ số lợi nhuận (khả năng sinh lời). Hiệu suất tĩnh của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được tạo ra từ việc áp dụng khoa học công nghệ sẵn có của doanh nghiệp và được đưa ra thị trường với chi phí đầu vào khá thấp; kết hợp cùng hiệu suất động được thể hiện qua sự phát triển các kỹ thuật, đặc tính của sản phẩm.
Các học thuyết doanh nghiệp trong thời kỳ nàyXem tất cả
Những ý kiến ủng hộ mô hình SCP có xu hướng nhấn mạnh đến sức mạnh thị trường như một nhân tố có tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đáp ứng và thích nghi với môi trường là quan điểm chủ đạo của các học thuyết của các học thuyết được trình bày trong phần đầu của cuốn sách này, cũng là trong thời kỳ đầu của kinh tế học doanh nghiệp.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), “Phần I: Doanh nghiệp và tổ chức quản lý công nghiệp”, trong sách Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 27-29.
11 Th11 2019
11 Th11 2019
11 Th11 2019
8 Th11 2019
13 Th11 2019
11 Th11 2019