Vai trò và lợi ích gắn với quyền sở hữu

1. Vai trò của quyền sở hữu đối với doanh nghiệp

Theo lý thuyết kinh tế truyền thống, quyền sở hữu (tư nhân) có vai trò tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng một cách hiệu quả nhất các nguồn lực nhằm tối đa hóa lợi nhuận (Reeve, 1986). Quyền sở hữu thực hiện chức năng định hướng các hành động, cho phép doanh nghiệp tận dụng triệt để các yếu tố bên ngoài nhằm phục vụ cho quá trình hoạt động và phát triển. Quyền sở hữu tác động đến hành vi kinh tế trên cơ sở phân định rõ thẩm quyền ra quyết định về các nguồn lực kinh tế, hạn mức thời gian, chỉ định sử dụng tài sản, khả năng chuyển nhượng và phân chia lợi nhuận ròng. Vì quyền sở hữu xác định mức chi phí và lợi ích khi thực hiện một quyết định, chiến lược, đồng thời thiết lập cơ sở cho việc ra quyết định về sử dụng nguồn lực (Libecap, 1999, trang 229).

Mặt khác, cấu trúc quyền sở hữu có tác động đến doanh nghiệp (Alchian, 1965, 1967). Hệ thống quyền sở hữu khác nhau dẫn tới cấu trúc hoạch định và phân bổ nguồn lực khác nhau, từ đó làm thay đổi cách thức khai thác các nguồn lực và quản lý đầu vào – đầu ra trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp. Trong hoạt động của doanh nghiệp, chi phí giao dịch nhằm xác định, giám sát và tăng cường các quyền sở hữu tỷ lệ nghịch với hiệu quả doanh nghiệp, nói cách khác, chi phí giao dịch này càng cao thì hoạt động của doanh nghiệp càng kém hiệu quả. Trong chế độ sở hữu tư nhân, chủ sở hữu độc quyền ra quyết định, nên giảm thiểu chi phí giao dịch liên quan đến quyền sở hữu, đồng thời có thể chủ động hạn chế sử dụng các nguồn lực bên ngoài và tăng cường sử dụng nội lực để tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Như vậy, nếu như lý thuyết kinh tế truyền thống cho rằng quá trình trao đổi quyền sở hữu không phát sinh chi phí; do đó, trao đổi quyền sở hữu nguồn lực với các tổ chức bên ngoài là phương pháp tối ưu để đạt được nguồn lực mong muốn với chi phí thấp nhất. Ngược lại, lý thuyết kinh tế tân cổ điển khẳng định quá trình trao đổi quyền sở hữu mất một số chi phí giao dịch như chi phí đàm phán, giám sát và thực thi các hợp đồng…. Chi phí giao dịch phát sinh do sự chênh lệch giữa giá trị của các nguồn lực và mức độ nắm bắt thông tin của doanh nghiệp (North, 1990). Thực tế trong giao dịch trao đổi và thương mại, tổ chức nào nắm thông tin nhiều và chính xác hơn về chất lượng hàng hóa trao đổi sẽ có ưu thế hơn trong giao dịch. Vì bản chất hành vi của các chủ thể luôn theo đuổi tối đa hóa lợi nhuận, bên đối tác có ưu thế về thông tin có thể cung cấp thông tin không chính xác, che dấu, nói dối về chất lượng sản phẩm giao dịch trao đổi để đạt được lợi nhuận tối đa. Nếu bên còn lại không có đủ hoặc không đánh giá chính xác các thông tin và chất lượng sản phẩm sẽ gặp phải rủi ro thu về lợi ích không tương xứng. Vì thế, chi phí đánh giá và giám sát giao dịch phát sinh, và gọi chung là chi phí giao dịch để đảm bảo sự công bằng về giá trị nguồn lực giữa các bên trong giao dịch.

2. Lợi ích cá nhân và hợp tác trong lao động gắn với các quyền sở hữu

Lao động nhóm có ba đặc trưng, gồm: (i) nhiều loại nguồn lực được sử dụng; (ii) sản phẩm không phải là kết quả riêng lẻ của từng đầu vào mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố đầu vào; và (iii) tất cả các nguồn lực được sử dụng trong quá trình sản xuất nhóm không thuộc về một cá nhân nào (Alchian và Demsetz, 1972). Theo thuyết quyền sở hữu, trong lao động nhóm, sản phẩm đầu ra cuối cùng chỉ là điều kiện cần cho phép xác định mức độ đóng góp của mỗi cá nhân tham gia vào quá trình hợp tác sản xuất. Sản phẩm cuối cùng là kết quả nỗ lực của cả nhóm, là kết quả từ sức mạnh hợp tác tổng hợp dựa trên nguyên tắc lợi thế so sánh về chuyên môn giữa các thành viên nhóm, chứ không phải sự kết hợp riêng rẽ kết quả độc lập của các cá nhân (Alchian và Demsetz, 1972).

Trong doanh nghiệp tư bản, các công việc thường được phân chia cho từng nhóm lao động cụ thể, mỗi cá nhân lại đảm nhiệm thực hiện một công đoạn, nhiệm vụ nhất định. Mức độ quyền sở hữu là một trong các căn cứ cho phép các doanh nghiệp đo lường và trả công tương xứng với năng suất lao động của cá nhân. Khi được trả công phù hợp, người lao động sẽ có động lực thể đảm bảo cường độ làm việc tối đa (Alchian và Demsetz, 1972). Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của quyền sở hữu đối với lợi ích của các cá nhân và hợp tác trong lao động.

Ngoài ra, nâng cao giám sát hoạt động của cá nhân trong doanh nghiệp tư bản cũng là một trong các biện pháp đảm bảo tính hiệu quả của các quyền sở hữu. Hoạt động này được thực hiện thông qua một kiểm soát viên, còn gọi là người đại diện cho chủ sở hữu, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và đánh giá hiệu suất làm việc của các thành viên trong doanh nghiệp. Các kiểm soát viên phải thực hiện vai trò đảm bảo lợi ích cá nhân, đồng thời tăng cường hợp tác lao động nhóm trong doanh nghiệp.

Theo thuyết về quyền sở hữu, vai trò của kiểm soát viên trong nhóm tương tự vai trò của chủ sở hữu trong doanh nghiệp tư bản. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của doanh nghiệp cho thấy, kết quả đánh giá của kiểm soát viên chưa phải là cơ sở tuyệt đối để đánh giá chính xác năng suất lao động của các cá nhân. Vì vậy, bên cạnh kết quả kiểm soát, các doanh nghiệp thường sử dụng kết hợp nhiều ý kiến, kết quả đánh giá khác, ví dụ như đánh giá của quản lý lao động, nhận xét của bộ phận nhân sự, điều kiện làm việc…. Hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng sử dụng các dịch vụ kiểm soát bên ngoài (các công ty kiểm toán, tư vấn, kế toán) nhằm đánh giá chính xác và khách quan năng suất lao động của các thành viên.

Chính nhờ những đặc điểm trên, Alchian và Demsetz (1972) cho rằng doanh nghiệp tư bản, cụ thể là quyền sở hữu trong doanh nghiệp tư bản, hoạt động hiệu quả hơn so với các dạng tổ chức sản xuất khác. Ở các doanh nghiệp này có mối liên hệ khăng khít giữa việc sử dụng các quyền sở hữu và lợi nhuận cho chủ sở hữu. Do đó, không có sự lãng phí nguồn lực bởi cá nhân được khuyến khích nỗ lực thực hiện hoàn thành công việc.

Ví dụ, so sánh với loại hình doanh nghiệp nhà nước, có đặc điểm là sở hữu mang tính tập thể, không có lợi nhuận. Chính vì vậy, về mặt cá nhân, mỗi nhân viên trong doanh nghiệp nhà nước chỉ mong muốn làm việc ít nhất có thể, do đó hiệu suất làm việc của các cá nhân nói riêng và hiệu suất tổng thể của doanh nghiệp nhà nước nói chung bị giảm sút. Trong doanh nghiệp nhà nước, các quyền sở hữu không được quy định rõ ràng. Nhân viên có quyền sử dụng tài sản nhưng không ai có quyền thu lợi từ tài sản. Do đó, không thể đánh giá chính xác việc sử dụng nguồn lực trong các doanh nghiệp này. Đây là rào cản lớn đối với việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất trong các doanh nghiệp nhà nước.

Trong mô hình doanh nghiệp hợp tác hay đồng sở hữu (mỗi thành viên đều là chủ sở hữu), mỗi cá nhân đồng thời vừa là người lao động, vừa là chủ sở hữu các tài sản đóng góp cho doanh nghiệp. Vì vậy, cá nhân sẽ tìm cách tối đa hóa lợi nhuận cá nhân, thậm chí khai thác quá mức khả năng của doanh nghiệp để sản xuất thu lợi nhuận cho mình. Điều này dẫn đến tình trạng các cá nhân lạm dụng quyền sở hữu, khiến tập thể phải sử dụng nguồn lực bên ngoài do sử dụng quá mức tài sản chung. Như vậy, hoạt động quản lý quyền sở hữu trong các mô hình doanh nghiệp này đều kém hiệu quả hơn doanh nghiệp tư bản.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyên, Nguyễn Thị Hồng Nga (2019), Học thuyết doanh nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 49 – 51.