Định nghĩa, cấu trúc, phân loại quyền sở hữu (Property rights)

1. Định nghĩa và bản chất quyền sở hữu

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về quyền sở hữu. Tiếp cận theo quan điểm pháp lý, Alchian (1965) xác định quyền sở hữu dưới 2 góc độ: (i) quyền sở hữu theo nghĩa hẹp, liên quan đến các đối tượng vật lý hay hữu hình; và (ii) theo nghĩa rộng, liên quan đến cả đối tượng hữu hình và vô hình (bao gồm bằng sáng chế, bản quyền tác giả và các quyền trong hợp đồng). Cụ thể, quyền sở hữu bao gồm quyền sử dụng tài sản (usus), quyền thu lợi nhuận từ tài sản (usus fructus), quyền thay đổi hình thức và vật chất cấu thành tài sản (abusus) và quyền chuyển nhượng tất cả hoặc một số các quyền quy định trên cho người khác theo mức giá thoả thuận. Furubotn và Richter (2000) mở rộng quyền sở hữu, bổ sung thêm các quyền “không được luật pháp quy định mà được quy ước bởi các nghi thức, tập quán xã hội… hay các quyền phi luật pháp khác mang tính chất tự quy ước” (trang 76). Quyền sở hữu, theo quan điểm pháp lý, được phân thành 2 loại: (i) sở hữu tuyệt đối (absolute rights) và (ii) quyền sở hữu tương đối (relative rights). Quyền sở hữu tuyệt đối (sở hữu hữu hình và vô hình) được thực hiện đối với tất cả các đối tượng sở hữu; trong khi quyền sở hữu tương đối cho phép chủ sở hữu thực hiện quyền sở hữu chỉ với một hoặc một số đối tượng xác định.

Tuy nhiên, một số học giả khác lại cho rằng “quyền sở hữu” cần được định nghĩa rộng hơn, không chỉ dựa trên thực tiễn giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu. Heyne (2000) chỉ ra rằng “các doanh nghiệp trong thực tế có quyền xả chất thải vào không khí, điều này được thể hiện qua thực tế là họ làm điều đó một cách công khai và không bị phạt” (trang 334). Thực tế, đây là những hoạt động tự nhiên của doanh nghiệp; do đó, cần phải phân biệt quyền sở hữu với các lợi ích hợp pháp khác. Theo cách tiếp cận pháp lý, các quyền sở hữu được pháp luật quy định và bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước. Quan điểm mở rộng cho rằng các quyền sở hữu là các quyền được quy định bởi cả pháp luật, khách hàng và các quy luật hoạt động của thị trường. Quyền sở hữu được định nghĩa là “các quy định và thỏa thuận chính thức và không chính thức cho phép tiếp cận các nguồn lực và những quyền lợi mà cá nhân có được đối với nguồn lực và lợi ích sinh ra từ các nguồn lực đó” (Wiebe và Meinzen- Dick, 1998, trang 205).

Dưới góc độ kinh tế, có sự phân biệt giữa quyền kinh tế và quyền pháp lý. Quyền pháp lý là quyền quy định của nhà nước và được pháp luật công nhận; quyền kinh tế là khả năng cá nhân thực hiện các quyền của họ đối với tài sản. Khái niệm quyền kinh tế có vai trò quan trọng trong phân tích kinh tế, đảm bảo các quyền liên quan thông qua mua quyền sở hữu, ví dụ như đối với nhiều tài sản tư nhân, không hoặc chưa được pháp luật bảo vệ.

Một cách khái quát, quyền sở hữu được định nghĩa là một quyền được xã hội công nhận trong lựa chọn sử dụng một tài sản; quyền này được trao cho một cá nhân cụ thể và có thể sang nhượng được thông qua trao đổi những quyền tương tự đối với tài sản. Quyền sở hữu có thể được xác định qua ba thuộc tính: quyền sử dụng tài sản (usus); quyền thu lợi từ tài sản (fructus); và quyền chuyển nhượng cho bên thứ ba (abusus) (Demsetz, 1967).

2. Cấu trúc quyền sở hữu

Theo Coase (1960), xác định rõ ràng quyền sở hữu cho phép các doanh nghiệp giảm thiểu tối đa chi phí giao dịch (transaction costs), đồng thời góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, để có thể xác định rõ bản chất của quyền sở hữu, các doanh nghiệp cần hiểu rõ các thuộc tính cơ bản của quyền sở hữu, gồm:

Thứ nhất, quyền sở hữu mang tính độc quyền, nhưng chỉ tương đối và thay đổi theo biến động của các quy định, chính sách của doanh nghiệp và chính phủ (Barzel, 1989).

Thứ hai, tầm quan trọng của quyền sở hữu phụ thuộc vào khả năng độc lập sử dụng nguồn lực liên quan của chủ sở hữu. Quyền sở hữu mang tính tuyệt đối khi chủ sở hữu có thể toàn quyền quyết định sử dụng tài sản, nguồn lực liên quan, ví dụ quyển sử dụng đất đai trong xã hội tư bản. Ngược lại, quyền sở hữu chỉ mang tính tương đối khi chủ sở hữu không thể chủ động quyệt định sử dụng tài sản, nguồn lực của mình, ví dụ nguồn nhân lực của doanh nghiệp (Alchian và Demsetz, 1973).

Thứ ba, một tài sản có thể có nhiều chủ sở hữu và mỗi chủ sở hữu có lợi ích khác nhau đối với tài sản đó (Alchian và Demsetz, 1973). Ví dụ, một bên có quyền canh tác đất đai, một bên khác (thường là Nhà nước) sở hữu một công trình nằm trên hay ngang qua khu đất đó hoặc quyền sử dụng đất đai đó vào mục đích đặc biệt. Đặc điểm này có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, khi quyền sở hữu và sở hữu thực tế hay quyền sử dụng có thể tách rời, không gắn liền với nhau.

Thứ tư, thực hiện quyền sở hữu phụ thuộc vào quá trình ra quyết định sử dụng tài sản, nguồn lực của doanh nghiệp. Trong trường hợp có nhiều chủ sở hữu, quyết định sử dụng tài sản sẽ được thống nhất giữa các chủ sở hữu; ví dụ thông qua bỏ phiếu, và mặc dù việc bỏ phiếu mang tính chất cá nhân, nhưng quyết định sử dụng nguồn lực lại phụ thuộc vào mô hình bỏ phiếu (Alchian và Demsetz, 1973). Ví dụ đối với thị trường bất động sản, chúng ta có thể bắt gặp mô hình này dưới dạng các hợp đồng thuê nhà chung hay các dạng nhà tập thể, chung cư; quyền sở hữu đối với tài sản thuộc về tất cả các thành viên và quyết định sử dụng do các thành viên hoặc đại diện hộ gia đình thống nhất.

Thứ năm, giá trị của quyền sở hữu phụ thuộc vào cơ chế bảo đảm thực thi quyền sở hữu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyển như tòa án, cảnh sát, ngành pháp lý, khảo sát thị trường, hệ thống lưu trữ hồ sơ;… (Feder và Feeny, 1991). Trong thực tế, việc bảo đảm thực thi quyền sở hữu rất tốn kém, vì vậy các quyền sở hữu thường chỉ được các cơ quan này phân tích chi tiết khi tài sản có giá trị cao (Barzel, 1989). Do các tài sản có giá trị này được nhiều người quan tâm hơn, lợi nhuận thu được từ các giao dịch cũng cao hơn và sẽ được tối đa hóa khi giá trị quyền sở hữu được xác định chính xác. Như vậy, giá trị quyền sở hữu cũng phụ thuộc vào cấu trúc hay hệ thống các quyền sở hữu.

3. Phân loại các quyền sở hữu

Phân loại quyền sở hữu có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động quản lý của nhà nước cũng như trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức liên quan. Cụ thể, thứ nhất, hệ thống quyền sở hữu xác định đối tượng được hưởng quyền sở hữu và cho phép các chủ thể đó được hưởng các quyền lợi độc quyền đối với tài sản của mình (Brandao và Feder, 1995; Alchian và Demsetz, 1973). Để tăng cường vai trò hay giá trị của quyền sở hữu, cũng như đảm bảo sự thưc thi hay sử dung của chủ thể, quyền sở hữu cần phải được xác định, phân loại và giám sát chặt chẽ. Chi phí phát sinh từ các hoạt động này được gọi là chi phí giao dịch (transaction costs). Tùy vào mỗi doanh nghiệp, đều có đặc điểm phân bổ các quyền sở hữu khác nhau, nên mức chi phí giao dịch liên quan cũng khác nhau.

Thứ hai, trước những biến động thị trường khác nhau, các hình thức quyền sở hữu sẽ có phản ứng khác nhau. Do vậy, việc nắm được các loại hình quyền sở hữu khác nhau cho phép doanh nghiệp chủ động hơn, trong những trường hợp nhất định, trước những thay đổi từ môi trường bên ngoài.

Thứ ba, mỗi chủ sở hữu có chiến lược, lợi ích và hành động khác nhau; điều này có ảnh hưởng quan trọng tới hoạt động quản lý và sử dụng nguồn lực. Các chủ sở hữu tài sản của doanh nghiệp sẽ có chiến lược quản lý và phát triển hoạt động kinh doanh tốt hơn những người không phải là chủ sở hữu. Các chủ sở hữu có cách quản lý tài sản và phát triển hoạt động kinh doanh khác nhau dựa trên những đặc điểm cá nhân của bản thân và đặc điểm của thị trường. Vì vậy, nắm rõ các hình thức sở hữu của các chủ sở hữu khác nhau cho phép các chủ thể liên quan hiểu rõ hơn đặc điểm hành vi đối với thị trường của các chủ sở hữu nói riêng và của doanh nghiệp nói chung.

Một cách khái quát, quyền sở hữu được phân thành bốn loại cơ bản, bao gồm: (i) sở hữu mở (Open-Access Property); (ii) đồng sở hữu hay sở hữu tập thể (Common Property or Collective Property); (iii) sở hữu tư nhân (Private Property); và (iv) sở hữu nhà nước (Public Proprety) (Brandao và Feder, 1985).

  • Phân loại theo phạm vi sở hữu

Theo phạm vi sở hữu, quyền sở hữu được chia thành 2 loại, bao gồm (i) sở hữu mở và (ii) đồng sở hữu. Trong chế độ sở hữu mở, quyền sở hữu không được phân cụ thể cho bất kỳ cá nhân hoặc nhóm cá nhân nào, tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng đối với tài sản liên quan. Sự bình đẳng này có tác động trực tiếp tới cách thức quản lý và vận hành của loại hình tổ chức liên quan.

Ví dụ, để giải quyết các vấn đề phát sinh, các chủ thể trong sở hữu mở có xu hướng loại trừ khả năng nắm quyền của các chủ thể khác, nhằm cải thiện hoạt động của doanh nghiệp thông qua giảm chi phí giao dịch phát sinh từ sử dụng, bảo vệ quyền sử hữu, từ đó củng cố thêm quyền sở hữu của các chủ thể còn lại. Thực tế, trong hình thức sở hữu mở, nếu không loại trừ được quyền sở hữu bị một số chủ thể hay cá nhân thao túng, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với một số tình huống tiêu cực, kém hiệu quả; ví dụ các chủ thể thao túng quyền sơ hữu không có động lực đầu tư, phục hồi hay bảo tồn nguồn lực, tài sản liên quan.

Chế độ sở hữu mở có thể chuyển đổi thành hình thức đồng sở hữu, sở hữu tư nhân hay sở hữu công thông qua việc thay đổi chính sách áp dụng đối với tài sản. Ví dụ, Nhà nước cấp quyền sử dụng đất để hợp pháp hóa các hoạt động chuyển nhượng, mua bán của các chủ thể trước đó chưa được công nhận.

Trong chế độ đồng sở hữu, quyền sở hữu được giao cho một nhóm chủ thể xác định, trong đó, các thành viên trong nhóm có quyền kiểm soát, điều chỉnh việc sử dụng tài sản liên quan. Tương tự như chế độ sở hữu mở, chế độ đồng sở hữu cũng có thể được xóa bỏ, tuy nhiên, các chủ sở hữu trong chế độ đồng sở hữu có thể giải quyết mâu thuẫn thông qua chia sẻ lợi nhuận và tăng cường quyền sở hữu cho tất cả các thành viên.

Chế độ đồng sở hữu cũng bộc lộ một số nhược điểm trong quá trình thực hiện, phát triển và bảo tồn nguồn lực của doanh nghiệp. Một là, do quyền sở hữu được giao cho một nhóm người đã xác định cụ thể, vì vậy động lực và tinh thần trách nhiệm làm việc để tăng lợi nhuận của các cá nhân khác có thể bị suy giảm (North, 1990). Hai là, hình thức sở hữu này khá lãng phí, bởi tất cả thành viên trong nhóm chủ thể quyền sở hữu của doanh nghiệp có thể cạnh tranh nhau để nắm giữ tài sản chung (không được giao cho cá nhân nào) và không quan tâm đến việc bảo tồn hay phát huy tài sản đó. Ba là, trong chế độ đồng sở hữu, các chi phí giao dịch có thể tăng lên và khó kiểm soát khi nhóm người nắm quyền đồng sở hữu sử dụng các nguồn lực chung của doanh nghiệp để tư lợi bản thân (Alchian và Demsetz, 1973). Do đó, nhiều nhà kinh tế học cho rằng chế độ đồng sở hữu hoạt động kém hiệu quả hơn hẳn so với các chế độ sở hữu còn lại (De Alessi, 1980; Libecap, 1989).

  • Phân loại theo tính chất sở hữu

Căn cứ trên tính chất sở hữu các tài sản, nguồn lực, quyền sở hữu được phân loại thành chế độ sở hữu tư nhân và chế độ sở hữu nhà nước. Trong chế độ sở hữu tư nhân, Nhà nước trao quyền sở hữu cho các cá nhân hoặc các tổ chức pháp nhân cụ thể thông qua các quy định chính thức hoặc phi chính thức về sử dụng quyền sở hữu tư nhân. Sở hữu tư nhân cho phép các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp độc quyền sử dụng các nguồn lực do mình sử hữu, đồng thời thu lợi nhuận từ các nguồn lực đó. Trong sở hữu tư nhân, các chủ thể có khả năng chuyển giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu cho người khác (De Alessi, 1980).

Trong chế độ sở hữu nhà nước, Nhà nước (hoặc các cơ quan đại diện cho Nhà nước, ví dụ như chính quyền địa phương) là chủ thể nắm quyền sở hữu chính. Tuy nhiên, Nhà nước có thể chuyển giao tạm thời một số quyền sử dụng cho cá nhân hoặc cộng đồng, ví dụ như trường hợp của các khu bảo tồn quốc gia hay các doanh nghiệp nhà nước. Khi nhà nước từ bỏ quyền sở hữu đã được thiết lập trước đó, tài sản, nguồn lực liên quan có thể trở thành thuộc sở hữu tư nhân. Khi đó, chủ thể tư nhân xác lập các quyền của mình đối với tài sản và được công nhận chính thức qua một số hình thức như đấu giá, đấu thầu, thu mua,…

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyên, Nguyễn Thị Hồng Nga (2019), Học thuyết doanh nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 44 – 49.