Học thuyết quyền sở hữu (Property Rights Theory)

Nội dung chính của phần này trình bày về quyền sở hữu (Property Rights) và những ảnh hưởng của quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp đối với việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực theo mô hình tân cổ điển mới (Neo-classical model renewed). Trước đó, lý thuyết tân cổ điển (neo-classical theory) chỉ công nhận một cơ chế phân bổ nguồn lực hiệu quả duy nhất là cơ chế giá cả của thị trường. Học thuyết quyền sở hữu chứng minh sự tồn tại của các doanh nghiệp theo cơ chế phân bổ nguồn lực bên trong một cách hiệu quả hơn thị trường về kinh tế, đồng thời giải thích cách thức tác động của hệ thống quyền sở hữu lên hành vi của doanh nghiệp (behaviors of the firm).

Học thuyết quyền sở hữu (Property Rights Theory) được phát triển từ những năm 60 của thế kỷ 20 với các nghiên cứu của một số tác giả tiên phong như Ronald Coase (1960), Armen Alchian (1965, 1967, 1969), Harold Demsetz (1967). Mặc dù có quan điểm khác nhau (nhìn nhận dưới góc độ kinh tế học hay luật học), các nghiên cứu đa ngành của các tác giả trên đều có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển thuyết quyền sở hữu.

Học thuyết quyền sở hữu có nguồn gốc từ thuyết sản xuất và trao đổi (Theory of Production and Exchange), có nền móng đầu tiên từ những phân tích của Adam Smith (1776) về quá trình phân chia lao động. Ông cho rằng phân công lao động sẽ tăng thêm hiệu suất lao động, tăng năng suất lao động; và khẳng định nguyên nhân dẫn đến phân công lao động là trao đổi, nên mức độ phân công phụ thuộc vào quy mô thị trường.

Học thuyết quyền sở hữu mở rộng và phát triển hơn thuyết sản xuất và trao đổi ở những luận điểm quan trọng sau: Thứ nhất, thuyết sở hữu đề cao vai trò của các nhà hoạch định trong tổ chức sản xuất; tổ chức sản xuất không còn là trọng tâm trong hoạt động tìm kiếm tư lợi và tối ưu hóa tiện ích của chủ doanh nghiệp (Alchian và Kessel, 1962). Thứ hai, thực tế, có nhiều mô hình quyền sở hữu khác nhau và không phải lúc nào doanh nghiệp cũng theo đuổi tối đa hóa lợi nhuận (profit or wealth maximization) (Williamson, 1964). Thứ ba, chi phí giao dịch được thừa nhận tồn tại tạo ra những khác biệt đáng kể giữa mô hình tối đa hóa lợi nhuận của thuyết quyền sở hữu so với mô hình truyền thống của thuyết sản xuất và trao đổi. Theo đó, người ra quyết định không phải lúc nào cũng hướng tới mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận; trong nhiều trường hợp, hành động của họ hướng tới mục tiêu tối đa hóa tiện ích (maximize utility). Do đó, tùy từng trường hợp, cần phải xác định các chức năng tiện ích cụ thể phản ánh lợi ích, năng lực của người ra quyết định, để định hình tập hợp các lựa chọn quyết định thực tế mà người ra quyết định có thể sử dụng.

Cách tiếp cận theo thuyết quyền sở hữu phân tích hành vi tối ưu hóa (utility maximizing behaviors) trên cơ sở kết hợp chức năng tiện ích (utility function) với bản chất cá nhận người ra quyết định, từ đó phân tích các nội dung cụ của từng chức năng tiện ích. Như vậy, hành vi của người ra quyết định, dù trong doanh nghiệp, chính phủ hay các tổ chức khác nhau, đều có thể được giải thích theo cùng một cơ chế tương đồng. Cụ thể, trong doanh nghiệp, thay vì cho rằng lợi ích của chủ sở hữu là ưu tiên hàng đầu, mô hình tối ưu hóa tiện ích đề cao những điều chỉnh của các cá nhân trong môi trường kinh tế; từ đó giải thích hành vi của danh nghiệp thông qua quan sát hành động của các cá nhân thành viên.

Như vậy, hệ thống các quyền sở hữu có thể được hiểu là tổng hợp các mối quan hệ kinh tế và xã hội xác định vị trí của mỗi cá nhân trong sử dụng các nguồn lực khan hiếm. “[…] Về bản chất, kinh tế học là khoa học nghiên cứu về quyền sở hữu đối các nguồn lực khan hiếm. […] Phân bổ các nguồn lực khan hiếm trong xã hội là việc giao quyền sử dụng các nguồn lực đó […] Vấn đề kinh tế hay xác định giá cả chính là vấn đề xem xét quyền sở hữu được xác định và trao đổi như thế nào và về những nội dung gì” (Alchian, 1967, trang 2-31). Theo thuyết quyền sở hữu, các doanh nghiệp có thể kiểm định mối liên kết giữa mục tiêu của người ra quyết định và chiến lược cụ thể được sử dụng để thực hiện các mục tiêu đó (Williamson, 1963). Dựa trên những kết quả thu được về động lực của nhân viên, các doanh nghiệp có thể kiểm soát hiệu quả hơn cách thức phân bổ và sử dụng các nguồn lực nội bộ. Do đó, “quyền sở hữu” có ảnh hưởng đến động lực và hành vi của cả doanh nghiệp và cá nhân thành viên (Coleman, 1966).

Các nội dung chính của học thuyếtXem tất cả

Học thuyết quyền sở hữu xuất hiện góp phần làm rõ và khẳng định các quyền gắn với sở hữu trong đời sống con người cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời xác định nguồn gốc của quyền sở hữu và phân loại các loại hình doanh nghiệp theo sở hữu. Ngoài ra, thuyết quyền sở hữu có đóng góp đặc biệt quan trọng trong giải thích sự phân bổ các nguồn lực và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Học thuyết chỉ ra rằng:

  • Trong một môi trường không có chi phí giao dịch, tất cả các chi phí và lợi nhuận đã bao gồm trong quá trình trao đổi, thị trường sẽ phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất;
  • Khi chi phí giao dịch bằng không, sự phân công quyền sở hữu ban đầu không còn quan trọng nữa, vì quyền này có thể được điều chỉnh một cách tự nguyện và có thể trao đổi để thúc đẩy sản xuất;
  • Trường hợp chi phí giao dịch cao, việc giao quyền sở hữu trở nên quan trọng hơn, do việc chuyển giao các quyền được thực hiện linh hoạt, khi đó, cơ cấu quyền sở hữu có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến hoạt động sản xuất và phân phối của toàn bộ nền kinh tế;
  • Chi phí giao dịch cao có thể là một trở ngại lớn đối với việc hình thành và thay đổi hệ thống quyền sở hữu.

Tuy nhiên, một số vấn đề, nếu chỉ dựa vào thuyết quyền sở hữu, sẽ không thể giải thích thỏa đáng, như vấn đề về tiền lương, về thị trường lao động hay vấn đề nhiều liên quan đến các doanh nghiệp quản lý, … Đầy cũng chính là tiền đề, trong bối cảnh những năm 1950 – 1960, đối với các nhà nghiên cứu để phát triển các học thuyết nổi tiếng khác, đều dựa trên thuyết quyền sở hữu, như học thuyết đại diện (Agency Theory), học thuyết chi phí giao dịch (Transaction Cost Economics), sẽ được trình bày trong các chương tiếp theo sau này.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), “Chương 2: Thuyết quyền sở hữu”, trong sách Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 43-57.