Học thuyết phụ thuộc nguồn lực (Resource dependence theory)

Nguồn lực có vai trò quan trọng cho phép doanh nghiệp thực hiện và đạt được các mục tiêu chiến lược và phát triển bền vững (Selznick, 1948). Để có đủ các nguồn lực cần thiết, thường phải huy động từ bên ngoài, doanh nghiệp tiến hành kí kết các thoả thuận hợp tác chính thức và phi chính thức với một hoặc nhiều doanh nghiệp khác, nhằm bảo đảm mức độ ổn định về số lượng và chất lượng của các nguồn lực cần thiết. Tuy nhiên, nhu cầu này làm giảm mức độ tự chủ của doanh nghiệp; nói cách khác khiến doanh nghiệp phụ thuộc vào môi trường và các doanh nghiệp khác và mức độ phụ thuộc của mỗi doanh nghiệp là khác nhau tùy thuộc vào đặc thù của doanh nghiệp liên quan. Bản chất của sự phụ thuộc này là mối quan hệ phụ thuộc tương hỗ giữa các doanh nghiệp trong quá trình hợp tác, trao đổi nguồn lực.

Sự phát triển của học thuyết phụ thuộc nguồn lực được chia thành 4 giai đoạn: (i) giai đoạn hình thành vào những năm 1950 và 1960; (ii) giai đoạn đỉnh cao vào những năm từ 1970 đến những năm đầu 1980, (iii) giai đoạn thoái trào từ giữa những năm 1980 cho đến đầu những năm 2000, và (iv) giai đoạn phục hưng, sàng lọc và ứng ụng liên ngành từ năm 2000 đến nay.

Trong giai đoạn hình thành vào cuối những năm 1950 và những năm 1960, các học giả đã xây dựng khái niệm phụ thuộc nguồn lực (resource dependence) và xác định các cấp độ phụ thuộc trong các mối quan hệ trao đổi nguồn lực. Học thuyết phụ thuộc nguồn lực được xây dựng trên nền tảng kiến thức từ xã hội học, tâm lý học xã hội, kết hợp cùng các lý luận quản lý. Trước hết, nền tảng kiến thức đầu tiên của thuyết phụ thuộc nguồn lực được phát triển xuất phát từ thuyết trao đổi xã hội. Cách tiếp cận này tập trung vào tìm hiểu các cách thức hình thành nên mối tương tác xã hội giữa các cá nhân và các nhóm nhỏ thông qua trao đổi nguồn lực (Levine và White, 1961; Blau, 1964). Mirzuchi và Yoo (2002) gọi thuyết phụ thuộc nguồn lực là “phiên bản vĩ mô của thuyết trao đổi xã hội”. Nền tảng thứ hai của thuyết phụ thuộc nguồn lực là thuyết lý luận quản lý. Theo hướng phát triển này, Selznick (1948) lập luận giải rằng, một doanh nghiệp hiện đại, phức tạp luôn hoạt động trong môi trường không ổn định, do đó thường xuyên đòi hỏi sự liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp khác. Vì vậy, cấu trúc bên trong của các doanh nghiệp này được thiết kế, xây dựng dựa trên các mối quan hệ phụ thuộc tương hỗ bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp.

Trong giai đoạn đỉnh cao vào những năm từ 1970 đến những năm đầu 1980, Pfeffer và Salancik (1978) với tác phẩm The External Control (Kiểm soát bên ngoài), đã củng cố và mở rộng các thành quả nghiên cứu của hai cách tiếp cận lý thuyết trao đổi xã hội và lý luận quản lý. Theo đó, giả thuyết phụ thuộc nguồn lực phát triển theo ba cấp độ phát triển cụ thể. Đầu tiên, các học giả nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu mối liên quan giữa việc sử dụng các nguồn lực bên ngoài và sự gia tăng năng lực cho doanh nghiệp (Pfeffer và Salancik, 1974). Thứ hai, theo đề xuất của Emerson (1962), các nghiên cứu tập trung vào hoạt động trao đổi nguồn lực giữa các doanh nghiệp trong cùng mạng lưới, chứ không đơn thuần là chỉ giữa 2 doanh nghiệp như trước kia. Thứ ba, đến năm 1984, quan điểm sinh thái dân số học tham gia bổ sung xây dựng học thuyết phụ thuộc nguồn lực và đưa ra các giá trị tương đối của hai lý thuyết (Ulrich và Barney, 1984).

Sau tác phẩm của Pfeffer và Salancik (1978) là giai đoạn bình lặng của học thuyết. Từ giữa những năm 1980 cho tới đầu những năm 2000, sự phát triển của lý thuyết bị chững lại. Trong lần tái bản mới nhất của tác phẩm “The External Control”, Pfeffer và Salancik (2003) đã đề xuất những định hướng nghiên cứu mới, và khơi dậy phục hưng học thuyết phụ thuộc nguồn lực (Katila và các cộng sự, 2008). Cho tới gần đây, các nghiên cứu thực nghiệm được triển khai, chứng minh các nội dung cơ bản của học thuyết phụ thuộc nguồn lực, có cập nhật trong bối cảnh hiện tại.

Trong học thuyết này, phần đầu sẽ giới thiệu các nội dung chính của học thuyết khi giải thích về sự tồn tại của doanh nghiệp, và tác động của các nguồn lực bên ngoài đến doanh nghiệp. Phần tiếp theo trình bày về sự phát triển lý luận của học thuyết, những nghiên cứu thực nghiệm và ứng dụng của học thuyết phụ thuộc nguồn lực. Các nội dung được thảo luận xoay quanh 5 nội dung đối với một doanh nghiệp nhằm giảm thiểu phụ thuộc vào môi trường và doanh nghiệp khác; gồm: sáp nhập theo chiều dọc (vertical integration); liên doanh và các loại hình liên kết giữa các doanh nghiệp (joint ventures and other interorganizational relationships); hội đồng quản trị (boards of directors); chính trị (political action); và kế thừa điều hành (executive succession) (Pfeffer, 1976). Ngoài ra, các nội dung về tính chuyên môn hoá trong hợp tác; các nhân tố quyết định phụ thuộc; và các chiến lược quản lý phụ thuộc của doanh nghiệp cũng được thảo luận trong phần này.

Các nội dung chính của học thuyếtXem tất cả

Kết luận: Thuyết phụ thuộc nguồn lực đề cập đến các nội dung quan trọng trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp về cấu trúc tối ưu, tuyển dụng nhân viên và các thành viên HĐQT, các chiến lược và loại hình liên kết – hợp tác giữa các doanh nghiệp. Học thuyết khẳng định sự bất ổn nguồn lực và phụ thuộc tương hỗ có tác động trực tiếp và quyết định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào môi trường cần phải thực hiện nhiều chiến lược để đối phó với các tác động tiêu cực có thể xảy ra. Trong đó, sáp nhập & thâu tóm; liên doanh và quan hệ liên tổ chức; thành lập và điều chỉnh HĐQT và ban lãnh đạo; thực hiện các tác động chính trị là những biện pháp cho phép doanh nghiệp giảm thiểu mức độ phụ thuộc nguồn lực vào các doanh nghiệp khác.

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), “Chương 3: Thuyết phụ thuộc nguồn lực”, trong sách Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 58-68.