Áp dụng bàn tay vô hình phân tích kinh doanh hiện đại

1. Sản xuất và kinh doanh

Thuyết bàn tay vô hình áp dụng giải thích động lực đầu tư vốn nhằm thu lợi nhuận tối đa (lợi ích cá nhân) thông qua một “xã hội áp bức” (oppress society). Theo đó, lợi ích mà các thương gia thu được đều từ “áp bức” dựa trên sự độc quyền về hàng hóa, khả năng kiểm soát giá và khả năng ràng buộc các tổ chức lao động của họ (Smith, 1976).

Phần chính (quyển IV) trong tác phẩm “Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia”, Smith (1976) đề cập đến những hạn chế trong thương mại quốc tế, cụ thể về thuế nhập khẩu cùng các lệnh cấm, tiền thưởng, tiền hoàn thuế và những giới hạn của thương mại thuộc địa. Các thương gia được hưởng lợi từ những hạn chế này phản đối tự do thương mại, vì ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, mặc dù chính sách này sẽ mang lại lợi ích cho xã hội nói chung: “Không chỉ gây ra những hậu quả không tốt cho cộng đồng mà còn hơn thế, hành động tư lợi của các cá nhân chống lại tự do thương mại” (Smith, 1976). Ông thẳng thắn phê bình các thương gia và nhà sản xuất theo đuổi tư lợi dựa trên chi phí xã hội trong nỗ lực tìm kiếm và ủng hộ độc quyền (monopolies). Điển hình như tại một số đoạn văn trong quyển IV của tác phẩm “Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia”, ông nói đến “tinh thần khốn khó trong độc quyền – wretched spirit of monopoly”, và kể về “sự ngây thơ của các thương gia và nhà sản xuất, những người luôn đòi hỏi độc quyền chống lại đồng bào của họ”(Smith, 1976).

Thực tế, thuyết bàn tay vô hình chỉ thể hiện hết giá trị của nó trong một thị trường tự do. Các thương gia và nhà sản xuất làm lợi cho xã hội khi họ đầu tư vốn để thu lại lợi nhuận tối đa, và họ cũng có thể gây tổn hại cho xã hội khi họ hợp tác hay thông đồng tạo ra các hình thức độc quyền, hoặc lừa dối các nhà lập pháp để cấp độc quyền cho họ.

Một sự hạn chế khác trên thị trường được Smith (1976) đề cập đến là cách thức phối hợp của các tập đoàn kinh doanh, các nhà sản xuất trong hạn chế tiền lương, đồng thời phản ánh ảnh hưởng của luật pháp về vấn đề quyền thay đổi (nơi) lao động của dân nghèo. Smith (1976) nhận định rằng, các thương nhân và nhà sản xuất có thói quen phối hợp với nhau tạo ra các hình thức độc quyền, giảm lương hoặc tăng giá, nhằm theo đuổi tư lợi của họ. Cụ thể, “các ông chủ luôn luôn giữ im lặng ở mọi nơi, nhưng đều có hợp tác bất biến và đồng nhất là không nâng cao tiền công lao động trên mức thực tế”. “Các thương gia và nhà sản xuất có thói quen, một cách rõ ràng rằng: họ hiếm khi gặp nhau, kể cả trong những lúc vui chơi giải trí, nhưng kết thúc các cuộc đàm luận đều là một âm mưu chống lại công chúng, hoặc trong một số điều kiện là sự tăng lên của giá cả” (Smith, 1976). Những âm mưu định giá này của các thương gia và các nhà sản xuất, mặc dù bất hợp pháp ở hầu hết các quốc gia, nhưng rất khó kiểm soát và loại bỏ. Điển hình, trong công nghiệp dầu mỏ, “định giá dường như là cách sống của Big Oil” (Clinard, 1952, trang 39). Ngày nay, các thoả thuận ngầm, chủ yếu về giá cả, đã trở nên phổ biến và được phân tích trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu; trong đó, các nhà nghiên cứu Marketing đã chỉ ra rằng, nên tránh xa các cuộc chiến về giá.

2. Lợi nhuận

Trong kinh tế học, “lợi nhuận” là phần tài sản thu lại của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan, bao gồm cả chi phí cơ hội. Tính tư lợi thể hiện rõ nhất khi các thương gia đầu tư để tối đa hoá lợi nhuận của họ. Tuy nhiên, áp dụng theo thuyết bàn tay vô hình, chỉ khi các doanh nhân đầu tư vào đất nước của họ thì doanh thu mới tối đa hóa (Smith, 1976). Từ đó, ông cho rằng các quốc gia nên hạn chế đầu tư vào các ngành kinh tế trong nước. Thứ nhất, vì “ngành công nghiệp phục vụ xã hội (ví dụ như một quốc gia) luôn phát triển tỉ lệ thuận với sự gia tăng của vốn”. Khi hạn chế đầu tư vào một ngành cụ thể, các quốc gia có khả năng tối đa hoá tổng doanh thu nội địa của ngành đó. Thứ hai, vì bàn tay vô hình chỉ có thể thực hiện tối đa chức năng của nó trong thị trường tự do về hàng hoá, vốn, lao động, và không có thị trường quốc tế.

Câu hỏi đặt ra ở đây là ưu tiên lợi ích quốc gia hay lợi ích nhân loại trong đầu tư nước ngoài. Thực tế, bàn tay vô hình không hoạt động hiệu quả nếu không tồn tại thị trường tự do quốc tế, nếu có, giới hạn trong một quốc gia cần được áp dụng cho thị trường tự do mở rộng phi biên giới. Theo Smith (1976), hạn chế trong một quốc gia thực chất là sự hạn chế về đầu tư vào cùng một khu vực thị trường tự do, nếu hiểu rộng ra trên thị trường quốc tế, sẽ là thị trường tự do mở rộng.

3. Cạnh tranh và Độc quyền

Trong kinh tế học, độc quyền là trạng thái thị trường chỉ có duy nhất một người bán và sản xuất ra sản phẩm mà không có hàng hóa nào thay thế. Đây là một trong những trường hợp khiếm khuyết của thị trường (market failure), trạng thái cực đoan khi thị trường thiếu tính cạnh tranh, gây ra mâu thuẫn giữa lợi ích chung của xã hội và tư lợi của các thương nhân và/hoặc nhà sản xuất. Do đó, thuyết bán tay vô hình đả kích thái độ theo đuổi độc quyền, trừ những trường hợp cạnh tranh không hoạt động hay không thể loại trừ (như đối với các dịch vụ công).

Độc quyền có thể được tạo ra theo nhiều cách khác nhau, ví dụ khi chính phủ cấp quyền kinh doanh, khai thác tài nguyên… cho một doanh nghiệp nào đó; hoặc ban hành thuế, hạn ngạch và các lệnh cấm thương mại cũng tạo lợi thế độc quyền cho các thương gia địa phương trên thị trường nội địa … Bên cạnh đó, cũng có những phương thức kinh doanh tạo ra độc quyền bằng quyền lực thị trường, mặc dù có thể không phải bất hợp pháp nhưng cũng đáng bị lên án về đạo đức khi không mang đến lợi ích tốt nhất cho toàn xã hội. Ví dụ khi một doanh nghiệp mở rộng và đạt quy mô đủ lớn có thể điều khiển thị trường, hay “mua lại đối thủ cạnh tranh”, hay các hình thức cạnh tranh phi giá; hoặc thông qua chất lượng dịch vụ, khả năng phân phối rộng rãi hay tập trung vào khách hàng, hay bất kỳ lợi thế cạnh tranh bền vững nào ngoài giá cả. Ngoài ra, kiểm soát công nghệ và tiêu chuẩn được sử dụng trong ngành công nghiệp máy tính cũng có thể được coi là cách để hình thành lên cạnh tranh phi giá.

Các doanh nghiệp, đặc biệt các tập đoàn lớn, thường có xu hướng cạnh tranh phi giá, mặc dù phát sinh chi phí bổ sung, nhưng cho phép thu lợi từ bán hàng với giá thấp hơn, và tránh được rủi ro giá cả trên thị trường. Hiện nay, xuất hiện các hình thức cạnh tranh phi giá khác, điển hình là các hoạt động vận động hành lang “lobbying”. Đây là các hành vi cố gây ảnh hưởng đến các hành động, chính sách, hoặc quyết định của cán bộ trong cuộc sống hàng ngày, thường là các nhà lập pháp hoặc các thành viên của cơ quan quản lý. Ví dụ như các hoạt động vận động chính phủ cho ra các rào cản thương mại, các khoản thuế, trợ cấp, trợ cấp phát triển, cứu trợ, trợ cấp xuất khẩu và bảo đảm khoản vay…. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thực hiện các họat động vận động hành lang như trên thường gặp nhiều thuận lợi nhiều hơn trên thị trường cạnh tranh khi theo đuổi lợi ích của họ.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyên, Nguyễn Thị Hồng Nga (2019), Học thuyết doanh nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 39 – 41.