Doanh nghiệp tư bản (capitalist firm) gắn với chủ sở hữu (entrepreneur)

Các doanh nghiệp tư bản cổ điển và nhỏ thường gắn với một hoặc một số chủ sở hữu, thường gọi là chủ doanh nghiệp, cũng đồng thời là người quản lý trực tiếp và vận hành doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp, trong doanh nghiệp của mình, có các quyền được thể hiện rõ qua học thuyết về quyền sở hữu khi họ đầu tư các phương tiện thuộc quyền sở hữu của mình vào doanh nghiệp, từ đó dẫn tới những chi phí ẩn, nhưng cũng chứng thực nguồn thu nhập của họ. Mặt khác, những người chủ này cũng chiếm hữu lợi nhuận thu về từ doanh nghiệp của họ.

1. Quyền sơ hữu của chủ doanh nghiệp tư bản

Chủ doanh nghiệp tư bản ký kết các hợp đồng nhằm đảm bảo vận hành hoạt động của doanh nghiệp. Với tư cách nhà sản xuất, họ ký với các chủ sở hữu các phương tiện, nguồn lực sản xuất; với tư cách người bán, họ quan hệ hợp đồng với khách hàng, người đại diện, bán buôn hay bán lẻ. Những hợp đồng ký kết này không chỉ liên quan đến việc trao đổi tiền – hàng (hàng hóa, dịch vụ), mà còn gồm cả quyền sử dụng chúng, theo một cách nào đó, trong một khoảng thời gian nào đó. Mặt khác, chủ doanh nghiệp cũng đứng ra tuyển mộ nhân viên bằng các hợp đồng lao động mua quyền bổ dụng những người này thực hiện nhiệm vụ nào đó, trong một khoảng thời gian xác định (Kœnig, 1998, p8). Các quyền này, thể hiện qua sự kiểm soát của chủ doanh nghiệp, hình thành quyền sở hữu của họ (Furnbotn và Pejovich, 1972). Ngược với những khái niệm cổ điển luật La Mã, luật quyền sở hữu không áp dụng trong khuôn khổ quan hệ giữa người – hàng, mà chủ yếu áp dụng trong các mối quan hệ giữa người với người trên cơ sở tồn tại hàng hóa, dịch vụ và sử dụng chúng.

Cụ thể, chủ doanh nghiệp có các quyền sở hữu sau (Kœnig, 1998, p9):

  • Quyền thu các nguồn thu nhập từ hoạt động sản xuất. Thu nhập này chính bằng chênh lệch giữa tổng thu và tổng chi dùng thuê mua các hàng hóa, dịch vụ cần thiết cho sản xuất, và được xách định trong các hợp đồng đã ký kết;
  • Quyền tăng hay giảm lực lượng sản xuất thông qua việc chấm dứt hay ký kết thêm hợp đồng. Tuy nhiên, quyền này bị giới hạn bởi pháp luật hoặc bởi những cam kết cá nhân;
  • Quyền chuyển nhượng hai quyền trên cho người chủ khác;
  • Quyền vượt trội về kiểm soát cho phép chủ doanh nghiệp ra các quyết định liên quan đến việc sử dụng và xếp đặt các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình trong mọi trường hợp ngoài dự kiến hợp đồng, theo các tập quán hay pháp luật.

Tóm lại, tập hợp các quyền trên xác định các quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp.

2. Chi phí ẩn và những đóng góp của chủ doanh nghiệp

Đầu tư vào các phương tiện, nguồn lực trong doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải chịu một chi phí cơ hội tương đương với những gì có thể thu được từ việc sử dụng chúng cho các hoạt động khác, vốn có thể hiệu quả hơn. Các chi phí này được gọi là các chi phí ẩn ngoài hợp đồng của doanh nghiệp, cụ thể gồm các loại sau (Kœnig, 1998, p9-10):

  • Lợi tức ngầm từ vốn tài chính đầu tư vào doanh nghiệp dưới hình thức trực tiếp tạo ra hay duy trì lợi nhuận từ vốn. Thực tế, đầu tư khoản tiền vốn này vào doanh nghiệp, chủ sở hữu đã bỏ lợi nhuận có thể thu từ đầu tư hay gửi ở những nơi có lợi nhất (đầu tư lĩnh vực khác, gửi ngân hàng);
  • Tiền thù lao của chủ doanh nghiệp (cho các công việc mà anh ta làm) tương đương với tiền lương cao nhất mà anh ta có thể thu được nếu bán dịch vụ này hay làm thuê cho người khác;
  • Tô tức ngầm từ sự quý hiếm của các tài sản, như đất đai, sử dụng bởi doanh nghiệp. Các nguồn thu này có thể ước tính so sánh với thu nhập có thể nếu cho thuê chúng.

Các chi phí ẩn trên giải thích và chứng minh quyền chiếm hữu lợi nhuận doanh nghiệp của chủ doanh nghiệp.

3. Chiếm hữu lợi nhuận

Lợi nhuận doanh nghiệp là chênh lệch giữa tổng thu và các chi phí ẩn và minh bạch. Doanh nghiệp phải trả những chi phí minh bạch cho việc thuê mua các phương tiện, nguồn lực cần thiết (nhân viên, nguyên vật liệu …), cũng như các chi phí xã hội và pháp luật liên quan như bảo hiểm xã hội, thuế (Kœnig, 1998, p10).

Hành vi chiếm hữu lợi nhuận thuần của chủ doanh nghiệp được biện luận từ nhiều lý do, đặc biệt từ các hoạt động sáng tạo hay mạo hiểm chấp nhận rủi ro trong một môi trường đầu tư bất ổn của chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi nhuận thu hút các nhà đầu tư khác thâm nhập vào lĩnh vực này, dẫn đến làm giảm lợi nhuận của mọi doanh nghiệp. Trong dài hạn, lợi nhuận này tiến gần về bằng 0, đồng nghĩa rằng không còn doanh nghiệp mới nào đầu tư vào lĩnh vực này nữa, chủ doanh nghiệp chi còn các nguồn thu từ chi phí ẩn như đã trình bày trong phần trên.

Mặt khác, trong môi trường cạnh tranh không hoàn hảo, một vài quyền sở hữu đặc biệt mang lại vị thế cạnh tranh vượt trội cho doanh nghiệp so với các đối thủ khác, như độc quyền về đất đai, bằng sáng chế … Nhờ vậy, chủ doanh nghiệp cũng có thể thu được lợi nhuận lâu dài (Kœnig, 1998, p10).

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyên, Nguyễn Thị Hồng Nga (2019), Học thuyết doanh nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 52 – 54.