Cơ chế đảm bảo lợi tức quan hệ (relational rents) trong hợp tác kinh doanh giữa các đối tác

Nhờ cơ chế đảm bảo lợi tức quan hệ mà doanh nghiệp giữ vững được vị thế, đồng thời khiến đối thủ cạnh tranh khó bắt chước được lợi thế đang sở hữu (Dyer và Singh, 1998). Các nghiên cứu trước đây theo quan điểm của học thuyết nguồn lực đã mô tả một số cơ chế tạo lợi tức bền vững ở các cặp đối tác (dyadic level), tập trung vào quan hệ nhân quả “mập mờ” (causal ambiguity) và tính phi kinh tế khi rút ngắn thời gian (time compression diseconomies). Hai cơ chế trên có thể thấy rõ qua ví dụ về việc phát triển lòng tin và thiện chí hợp tác (goodwill trust) giữa các doanh nghiệp. Bởi vì quá trình này khá phức tạp, không rõ ràng và mang tính tình huống phụ thuộc vào bối cảnh từng giao dịch, cần thời gian xây dựng, không thể phát triển nhanh chóng và cũng không dễ dàng đạt được nếu chỉ có mối quan hệ mua bán thông thường trên thị trường. Các cơ chế này thể hiện trong quan hệ sinh lợi tức thông qua các nội dung sau: tài sản kết nối liên tổ chức, đối tác khan hiếm, nguồn lực không phân tách và môi trường thể chế (Dyer và Singh, 1998).

1. Tài sản kết nối liên tổ chức (Interorganizational Asset Interconnectedness)

Lợi thế quan hệ được tạo ra từ tài sản kết nối liên tổ chức, là tập hợp những tài sản sở hữu bởi một doanh nghiệp hoặc đối tác, được đầu tư giá trị tích lũy ngày càng tăng. Ví dụ, một nhà cung cấp ghế xe xây dựng nhà máy liền kề với nhà máy lắp ráp Nissan. Nhà cung cấp sẵn sàng thực hiện khoản đầu tư cơ sở đặc thù này (site-specific investment) dành riêng cho Nissan, vì Nissan nắm giữ một lượng cổ phần thiểu số, và hai bên đã cùng xây dựng được niềm tin cao độ lẫn nhau. Sau khoản đầu tư cơ sở đặc thù này, hai bên còn khám phát ra rằng: thay vì vận chuyển ghế bằng xe tải (tài sản mục đích chung), sẽ tiết kiệm chi phí hơn nếu xây dựng băng chuyền thay thế (tài sản chuyên dụng cao); và hai bên cùng đầu tư xây dựng băng chuyền này (Dyer và Singh, 1998).

Ví dụ này cho thấy các khoản đầu tư quan hệ đặc thù ban đầu (relation-specific investments) (như một nhà máy đặc thù) là tiền đề cho các khoản đầu tư đặc thù tiếp theo (công cụ chuyên dụng như hệ thống băng chuyền) còn hiệu quả kinh tế hơn nữa. Đây chính là hiệu ứng tích lũy (quả cầu tuyết) từ sự liên kết liên tổ chức giữa các khoản đầu tư đặc thù hiện tại với các khoản đầu tư đặc thù trước đó. Ngược lại, các nhà cung cấp của General Motors không đạt được hiệu quả kinh tế này, vì không thực hiện các khoản đầu tư đặc thù ban đầu, và do đó cũng không có các khoản đầu tư đặc thù tiếp theo khác.

Khái quát lại, ý nghĩa chiến lược của cơ chế đảm bảo này là các đối tác thực hiện “các gói” đầu tư quan hệ đặc thù liên quan, từ đó làm tiền đề khám phá ra toàn bộ tiềm năng của mối quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan (Dyer và Singh, 1998).

2. Đối tác khan hiếm (Partner Scarcity)

Theo học thuyết quan hệ, lợi tức quan hệ được tạo ra từ khả năng tìm kiếm đối tác của doanh nghiệp dựa trên nhu cầu bổ sung nguồn lực chiến lược và chính khả năng quan hệ của doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp nước ngoài khi mới gia nhập một thị trường quốc tế sẽ có xu hướng hợp tác với các doanh nghiệp địa phương nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế kiến thức thị trường nội địa, các mối quan hệ và mạng lưới phân phối sẵn có của các doanh nghiệp này. Hoặc doanh nghiệp có tiềm năng nhưng lại thiếu khả năng xây dựng mối quan hệ do đó khai thác cơ chế quản trị không hiệu quả và cần hợp tác với doanh nghiệp có khả năng quan hệ để cùng nhau chia sẻ kiến thức, hợp tác phát triển. Trong thực tế, Koichiro Noguchi, Giám đốc thương mại quốc tế của Toyota từng chia sẻ một trong những khó khăn đầu tiên mà Toyota gặp phải khi tham gia thị trường Mỹ là tìm kiếm các nhà cung cấp sẵn sàng làm đối tác với Toyota. Mặc dù Toyota đã phát triển khả năng xây dựng quan hệ hợp tác, nhưng nhận thấy không thể tạo được quan hệ sinh lợi tức hiệu quả với các nhà cung cấp Mỹ vì những nhà cung cấp này chưa phát triển khả năng quan hệ với đối tác Nhật (Dyer và Singh, 1998).

Như vậy, quan hệ sinh lợi tức khó có thể bị bắt chước vì đối tác tiềm năng sở hữu nguồn lực bổ sung và khả năng quan hệ thường rất khan hiếm. Cơ chế này đảm bảo lợi thế cạnh tranh đối với các doanh nghiệp có khả năng xác định và hợp tác nhanh chóng với các đối tác sở hữu nguồn lực chiến lược bổ sung và/hoặc khả năng quan hệ cần thiết.

3. Nguồn lực không thể phân tách (Resource Indivisibility)

Lợi thế quan hệ trong trường hợp này là sự kết hợp hoặc cùng nhau phát triền nguồn lực của các doanh nghiệp nhằm tạo ra nguồn lực mới vừa đặc trưng vừa không thể phân tách. Ví dụ liên minh VISA với khoảng 23,000 ngân hàng đã hợp tác cùng nhau tạo nên mạng lưới phân phối và thương hiệu VISA- một tài sản đặc trưng, không thể phân tách và được sở hữu chung bởi các ngân hàng tham gia trong liên minh. Bất cứ ngân hàng đơn lẻ nào ngoài liên minh muốn truy cập vào thương hiệu và mạng lưới phân phối VISA đều phải thông qua liên minh. Một ví dụ khác với Fuji và Xerox, các đối tác cùng nhau kết hợp nguồn lực, và đồng hợp tác (coevolve) theo thời gian. Đây được xem như cơ chế đảm bảo lợi tức quan hệ, vì khi tham gia vào một mối quan hệ lâu dài, các doanh nghiệp cùng phát triển các mối liên kết chuyên biệt nhằm nâng cao lợi ích từ việc tham gia vào mối quan hệ chung. Theo thời gian, khả năng kết hợp nguồn lực theo cách này ngày càng khó bắt chước, bởi hướng đi của các đối tác đã phụ thuộc vào nhau và nguồn lực không phân tách (Dyer và Singh, 1998).

Ý nghĩa chiến lược quan trọng ở đây là nguồn lực và khả năng của các bên tham gia có thể kết hợp và thay đổi theo thời gian, do đó hạn chế khả năng kiểm soát và triển khai lại các nguồn lực của mỗi doanh nghiệp thành viên trong chuỗi hợp tác. Vì vậy mặc dù tạo được lợi thế cạnh tranh nhưng lại làm mất đi tính linh hoạt, và điều này cần được cân nhắc ngay từ ban đầu.

4. Môi trường thể chế (Institutional Environment)

North (1990) cho rằng môi trường thể chế với các quy tắc và kiểm soát xã hội nhằm buộc tôn trọng và thực thi các thỏa thuận hiệu quả sẽ thúc đẩy và khuyến khích niềm tin giữa các đối tác thương mại, từ đó tạo điều kiện thuận lợi tạo ra lợi tức quan hệ. Ví dụ, các nhà giao dịch Nhật thường chịu chi phí giao dịch thấp hơn so với các nhà giao dịch Mỹ, vì vậy hợp tác với các nhà giao dịch Nhật sẽ tạo ra lợi thế quan hệ. Thực chất lợi thế này một phần là nhờ vào môi trường thể chế đặc thù của nước Nhật đã thúc đẩy lòng tin và thiện chí hợp tác giữa các bên (Dyer và Singh, 1998).

Doanh nghiệp ở các quốc gia khác (ví dụ: Mỹ và Nga) khó có thể sao chép chi phí giao dịch thấp của doanh nghiệp Nhật vì không có khả năng tái tạo các thể chế phức tạp về mặt xã hội như nước Nhật. Do đó, theo North (1990) môi trường thể chế có thể làm tăng hoặc giảm chi phí giao dịch để đạt được mức độ chuyên môn hóa và hợp tác nhất định. Ý nghĩa chiến lược của cơ chế đảm bảo này là các doanh nghiệp cần phải định vị các hoạt động trong môi trường thể chế cụ thể để nhận ra lợi ích liên quan đến môi trường thể chế đó.

Khái quát lại, các quan hệ đối tác có thể đảm bảo cho doanh nghiệp duy trì và bảo vệ được lợi thế cạnh tranh và sinh lợi tức vì các đối thủ (1) không thể xác định nguồn gốc lợi nhuận (returns) vì quan hệ nhân quả mập mở; (2) nếu có thể tìm ra thì cũng khó có thể sao chép thành công và nhanh chóng nguồn lực quan hệ vì tính phi kinh tế khi rút ngắn thời gian; (3) không thể bắt chước đầu tư vào tài sản kết nối liên tổ chức vì phụ thuộc thiếu đối tác phù hợp và thời gian – thời điểm; (4) không thể tìm được đối tác bổ sung nguồn lực chiến lược hoặc năng lực quan hệ cần thiết; (5) không thể truy cập vào nguồn lực của một đối tác tiềm năng vì nguồn lực này không thể phân tách; và cuối cùng (6)  không thể dễ dàng tái tạo môi trường thể chế cần thiết để kiểm soát chủ nghĩa cơ hội hoặc khuyến khích phát triển hợp tác.

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội.