Áp dụng thuyết phụ thuộc nguồn lực giải thích thực tiễn vận hành của doanh nghiệp

Thuyết phụ thuộc nguồn lực ngày càng hoàn thiện và có khả năng áp dụng giải thích các hiện tượng kinh tế xã hội phức tạp hiện nay. Cụ thể:

1. Chuyên môn hoá và hợp tác

Doanh nghiệp là hệ thống có nguồn lực, và để đạt đủ các nguồn lực cần thiết, doanh nghiệp chọn lọc kỹ lưỡng các nguồn lực bên ngoài (Yuchtman và Seashore, 1967). Một số nguồn lực quan trọng và thiết yếu đối với doanh nghiệp như thông tin, nhân lực, khoa học công nghệ và tài chính. Ngoài ra, tùy từng lĩnh vực chuyên môn hoá, doanh nghiệp có thể cần thêm một số nguồn lực khác như hỗ trợ pháp lý, nguyên liệu khan hiếm…. Nguồn lực bên ngoài càng mạnh đồng nghĩa lực đẩy phát triển doanh nghiệp càng lớn; vì vậy, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài khác để hoàn thiện và mở rộng các nguồn lực (Katial và các cộng sự, 2008).

Mặt khác, áp dụng theo thuyết phụ thuộc nguồn lực, mức độ tương đồng và bổ trợ trong lĩnh vực hoạt động giữa các doanh nghiệp càng cao thì trao đổi nguồn lực giữa họ càng thuận tiện. Một doanh nghiệp có chuyên môn hóa cao cũng sẽ dễ dàng tìm được và thực hiện trao đổi nguồn lực với các doanh nghiệp cùng ngành hoặc trong các ngành bổ trợ cho hoạt động của mình (Yuchtman và Seashore, 1967).

Tuy nhiên, chuyên môn hóa cũng làm tăng khả năng những tranh chấp và cạnh tranh trên thị trường giữa các doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác cho phép hạn chế bất ổn về nguồn lực cung ứng giữa các doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt hơn vì các nguồn lực quan trọng vốn thường khan hiếm. Vì vậy, các doanh nghiệp phải được đồng thuận trong trao đổi nguồn lực, tạo điều kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng ngành (Levine và White, 1961). Mức độ xung đột hoặc đồng thuận trong quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp lại phụ thuộc vào loại hình tổ chức, sản xuất của các doanh nghiệp. Ví dụ, các doanh nghiệp tư nhân thường cạnh tranh quyết liệt hơn so với các doanh nghiệp nhà nước trong ngành chính của mình và trong các ngành có liên quan khác (Pfeffer và Salancik, 2003).

2. Quản trị lãnh đạo doanh nghiệp

2.1. Hội đồng quản trị

Áp dụng theo thuyết phụ thuộc nguồn lực, các chính sách của Hội đồng quản trị – HĐQT (Boards of Directors) hướng đến giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào nguồn lực của các doanh nghiệp khác (Pfeffer, 1976). Trong một số điều kiện môi trường nhất định, quy mô HĐQT tác động đến quá trình thành lập nó; ví dụ nếu các thành viên có tiềm lực lớn về các nguồn lực cần thiết thì quá trình thành lập HĐQT sẽ được diễn ra nhanh chóng hơn. Như vậy, cả số lượng và tính đa dạng của thành viên HĐQT là những vấn cần quan tâm khi thành lập HĐQT.

Pfeffer và Salancik (1978) cho rằng, các thành viên HĐQT mang lại 4 lợi ích cho doanh nghiệp liên quan, gồm: (i) cung cấp thông tin quản lý có giá trị từ các định hướng, ý kiến chuyên môn và tư vấn, (ii) nâng cao khả năng tiếp cận các kênh thông tin giữa doanh nghiệp và môi trường, (iii) nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực, và (iv) nâng cao tính hợp pháp trong hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thu hút và lựa chọn được các thành viên HĐQT có quyền lực trong cộng đồng sẽ có nhiều khả năng đạt được các nguồn lực quan trọng cần thiết khác nhau co hoạt động phát triển của doanh nghiệp (Lester và cộng sự, 2008). Trình độ hiểu biết, khả năng phân tích vấn đề và vốn kinh nghiệm, quan hệ xã hội của các thành viên quyết định khả năng, mức độ cung cấp, đảm bảo nguồn lực của doanh nghiệp.

2.2. Điều hành quản lý

Áp dụng theo quan điểm tiếp cận thuyết phụ thuộc nguồn lực, CEO của các doanh nghiệp lớn thường phát triển từ nhân viên trong chính doanh nghiệp lên; trong các doanh nghiệp nhỏ, khả năng này thấp hơn nhiều. Đồng thời, các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả thường có xu hướng lựa chọn CEO bên ngoài nhiều hơn so với các doanh nghiệp có tình trạng tốt hơn.

Nghiên cứu về hoạt động điều hành quản lý, Pfeffer và Salancik (1978) khẳng định: (i) quyền lực bên trong doanh nghiệp chịu tác động từ mức độ phụ thuộc của doanh nghiệp vào môi trường bên ngoài và (ii) sự thay đổi lãnh đạo điều hành có thể làm giảm mức độ phụ thuộc này. Thực tế, sự bất ổn của môi trường có tác động đến nhiệm kỳ lãnh đạo trong các doanh nghiệp: bất ổn cảng cao nhiệm kì của CEO càng ngắn, tốc độ thay đổi hay đổi mới phương thức điều hành càng nhanh và ngược lại.

3. Liên doanh, mua bán và sát nhập

3.1. Liên doanh

Thuyết phụ thuộc nguồn lực là một trong những học thuyết giải thích thuyết phục nhất về động lực thành lập liên doanh (joint-venture) và mối quan hệ giữa các doanh nghiệp (Inter-organizational relationship), trên cơ sở nhu cầu và khả năng đạt được các nguồn lực và giảm mức độ bất ổn phụ thuộc giữa chính các doanh nghiệp, cá nhân tham gia (Pfeffer và Salancik, 2003). Tuy nhiên, không như sáp nhập, các doanh nghiệp trong liên doanh chỉ phụ thuộc tương hỗ một phần vào các đối tác khác. Có thể nói liên doanh là một trong những hình thức hợp tác phổ biến giữa các đối tác phụ thuộc tương hỗ. Liên doanh cho phép các đối tác giảm thiểu mức độ tác động của môi trường trong và ngoài nước đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở sở hữu tối đa các nguồn lực cần thiết.

Tương tự như hình thức sáp nhập và thâu tóm, liên doanh và các mối quan hệ liên tổ chức khác (hợp đồng hợp tác – cooperative contracts, liên kết – alliances) cũng thường xuất phát từ quan hệ trao đổi mua bán giữa các doanh nghiệp. Mạng lưới liên doanh rộng lớn cho phép các doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực cần thiết, cũng như có thể bù đắp các hạn chế của mình thông quan nguồn lực của các doanh nghiệp khác (Bae và Gargiulo, 2004)

3.2. Thâu tóm & Sáp nhập

Thuyết phụ thuộc nguồn lực cũng có sức thuyết phục cao trong lý giải nguyên nhân sáp nhập và thâu tóm (M&A) của doanh nghiệp. Cụ thể, có 3 động lực chính gồm: (i) giảm thiểu cạnh tranh; (ii) kiểm soát sự phụ thuộc tương hỗ về các nguồn lực đầu vào và/hoặc đầu ra; và (iii) đa dạng hoá hoạt động sản xuất kinh doanh (Pfeffer, 1976).

Pfeffer (1976) đặc biệt nhấn mạnh tác động của thâu tóm và sáp nhập đến mức độ phụ thuộc tương hỗ của các doanh nghiệp liên quan. Hoạt động này cho phép giảm phụ thuộc của một doanh nghiệp vào doanh nghiệp khác trong môi trường của họ, đồng thời làm giảm mức độ cạnh trạnh trực tiếp giữa các doanh nghiệp phụ thuộc tương hỗ với nhau. Điển hình, các doanh nghiệp thường có xu hướng thâu tóm các đối tác giao dịch của họ (Pfeffer, 1976).

Nghiên cứu gần đây của Casciaro và Piskorski (2005) về sáp nhập và thâu tóm đã đánh dấu sự phục hưng của thuyết phụ thuộc nguồn lực. Các tác giả chỉ ra rằng sự phụ thuộc tương hỗ giữa các doanh nghiệp liên quan có tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động sáp nhập & thâu tóm thông qua các cơ chế tổ chức hoạt động riêng của từng doanh nghiệp. Cơ chế này cho phép các doanh nghiệp liên quan xem xét bản chất của sự phụ thuộc tương hỗ giữa họ. Tuy nhiên, Casciaro và Piskorski (2005) cũng chỉ ra một số hạn chế của thuyết phụ thuộc nguồn lực như: (a) thiếu phân biệt giữa bất cân bằng quyền lực và phụ thuộc tương hỗ; (b) nhầm lẫn giữa các quy tắc và dự đoán; (c) các điều kiện giới hạn không rõ ràng; và (d) hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm mới chỉ tập trung vào phụ thuộc giữa các yếu tố hơn là bản chất mối quan hệ phụ thuộc tương hỗ giữa các bên liên quan.

Tóm lại, thâu tóm & sáp nhập là cơ chế giảm thiểu sự phụ thuộc tương hỗ giữa các doanh nghiệp. Trong đó, mức độ phụ thuộc giữa các bên liên quan lại quyết định khả năng thành công của sáp nhập & thâu tóm. Nghĩa là, mức độ phụ thuộc càng cao thì khả năng sáp nhập & thâu tóm càng lớn và ngược lại.

4. Vai trò của chính trị và chính sách của Nhà nước

Các doanh nghiệp khó có khả năng trực tiếp giảm sự phụ thuộc tương hỗ của mình vào các doanh nghiệp khác, mà thường phải thực hiện các biện pháp tác động vào môi trường để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ sự phụ thuộc tương hỗ này. Vai trò của chính trị được khẳng định, theo thuyết phụ thuộc nguồn lực, thông qua khả năng tác động của chính trị đến nguồn lực của các doanh nghiệp (Mullery và các cộng sự, 1995). Ngay cả khi có sự biến động nhân sự trong các cơ quan nhà nước cũng có thể kéo theo những thay đổi trong chiến lược và cách thức quản lý của các doanh nghiệp (Lester và các cộng sự, 2008). Vì vậy, các doanh nghiệp cần tạo ra mối liên kết với chính phủ thông qua các tổ chức, hiệp hội nhằm nắm bắt kịp thời các chính sách quản lý vĩ mô.

Thực tế, áp dụng thuyết phụ thuộc nguồn lực, khi phụ thuộc vào các doanh nghiệp khác, một doanh nghiệp có xu hướng sử dụng các chiến lược chính trị trong hợp tác nhằm giảm thiểu tối đa mức độ phụ thuộc, bất chấp những khó khăn để có thể tác động đến môi trường chính trị, đặc biệt là chính sách của chính phủ. Cụ thể, thông qua tác động đến cơ chế chính trị và các chính sách kinh tế, các doanh nghiệp có thể xây dựng một môi trường hoạt động lành mạnh và giảm thiểu được tối đa phụ thuộc tương hỗ (Pfeffer và Salancik, 1978). Do đó, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia và đóng góp vào quá trình xây dựng và ban hành các quy định, chính sách của chính phủ nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi hơn.

Ngược lại, chính phủ các quốc gia cũng cần chủ động xây dựng các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp nhằm quy tụ những người có năng lực quản lý vào bộ máy nhà nước (Pfeffer và Salancik, 1978). Như vậy, không chỉ từ phía các nhà nghiên cứu và các tổ chức, chính phủ các quốc gia cũng cần thiết lập những hình thức quan hệ hợp tác cụ thể giữa và với các tổ chức, nhằm thực hiện chức năng điều tiết nền kinh tế, góp phần đem lại cho lợi ích chung cho xã hội.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 64 – 68.