1. Doanh nghiệp phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài
Thuyết phụ thuộc nguồn lực cho rằng, các doanh nghiệp vận hành trong môi trường của mình và phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài để tồn tại và phát triển. Môi trường của một doanh nghiệp bao gồm cấu trúc tổ chức và các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ phụ thuộc của doanh nghiệp vào các nguồn lực bên ngoài. Như vậy, thuyết phụ thuộc nguồn lực xem doanh nghiệp là một hệ thống mở, và nhấn mạnh vai trò của các mối quan hệ bên ngoài thông qua trao đối nguồn lực. Theo đó, các nguồn lực mà doanh nghiệp có được từ môi trường hoặc được chuyển giao đến môi trường rất cần thiết cho quá trình vận hành của các hoạt động chức năng nội bộ. Một doanh nghiệp sẽ ngày càng phụ thuộc hơn vào những doanh nghiệp khác (nhà cung cấp nguồn lực) nếu bị kiểm soát các nguồn lực quan trọng. Nói cách khác, nếu các nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp bị kiểm soát (thường được cung cấp) bởi các doanh nghiệp khác, thì mức độ phục thuộc của doanh nghiệp và các doanh nghiệp khác sẽ ngày càng cao.
Thông qua các đối tác của mình, một doanh nghiệp có thể đạt được các nguồn lực hữu hình như các nguyên vật liệu, nhân công, vốn, cở sở và trang thiết bị … thông qua giao dịch với các đối tác giao dịch, có thể là các nhà cung cấp, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, các liên đoàn, các cơ quan luật pháp và các nhóm lợi ích. Bên cạnh nguồn lực hữu hình, một số nguồn lực vô hình như lòng tin, sự cảm thông, trách nhiệm cá nhân, danh tiếng, vị thế riêng biệt trong các mối quan hệ,… cũng có vai trò quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có thể thay đổi môi trường thông qua các hành động tương tác của mình với môi trường. Doanh nghiệp có khả năng làm thay đổi môi trường, từ đó tác động đến mức độ phụ thuộc nguồn lực, hay mức độ phụ thuộc vào các doanh nghiệp khác. Theo Pfeffer và Salancik (1978), doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược để làm giảm sức ép và phụ thuộc từ bên ngoài. Chiến lược này tập trung vào khả năng thích ứng với môi trường và những thay đổi của doanh nghiệp đối với môi trường, ví dụ, có thể thiết lập liên minh với các doanh nghiệp khác cùng ngành hoặc vận động hành lang với các cơ quan chính phủ để thay đổi luật pháp.
Sự phụ thuộc của doanh nghiệp này vào doanh nghiệp khác bắt nguồn từ thực trạng tập trung kiểm soát nguồn lực, Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cách thức tiếp cận với các nguồn lực thay thế của các doanh nghiệp. Trên thực tế, một doanh nghiệp có thể gặp nhiều hạn chế khi tiếp cận các nguồn lực thay thế, ngay cả khi đã có phương án thay thế. Vì vậy, thay vì hướng đến kiểm soát nhiều nguồn lực quan trọng, mỗi doanh nghiệp chỉ nên theo đuổi kiểm soát một số loại nhất định mà mình có lợi thế. Nói cách khác, mỗi doanh nghiệp cần tập trung kiểm soát một số nguồn lực nhất định nhằm tạo ra và nâng cao mức độ phụ thuộc của doanh nghiệp khác đối với mình (Adelman, 1951).
2. Bản chất quản hệ phụ thuộc tương hỗ giữa các doanh nghiệp
Nếu một doanh nghiệp phụ thuộc vào một hoặc một số doanh nghiệp khác, thì hoạt động của doanh nghiệp đó sẽ mang tính tác động tương hỗ. Trong các hệ thống xã hội, phụ thuộc tương hỗ (interdependence) tồn tại khi một doanh nghiệp không thể kiểm soát hoàn toàn các điều kiện cần thiết để đạt được kết quả mong muốn. Phụ thuộc tương hỗ xác định đặc điểm của mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các yếu tố tạo nên kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, cân nhấn mạnh rằng phụ thuộc tương hỗ chỉ là nguyên nhân chứ không phải kết quả của mối quan hệ của doanh nghiệp (Pfeffer và Salancik, 1978).
Phụ thuộc tương hỗ được phân loại theo hình thức tương hỗ, thành (i) phụ thuộc tương hỗ kết quả (outcome interdependence) và (ii) phụ thuộc tương hỗ hành vi (behavior interdependence). Hai hình thức này là những hình thức độc lập, có thể xảy ra riêng lẻ hoặc cùng nhau. Trong điều kiện phụ thuộc tương hỗ kết quả, các kết quả đạt được của doanh nghiệp A sẽ phụ thuộc tương hỗ hoặc được quyết định chung cùng kết quả đạt được bởi doanh nghiệp B. Trong trường hợp phụ thuộc tương hỗ hành vi, các hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc vào các hành động của tác nhân xã hội khác (Pfeffer và Salancik, 2003).
Phụ thuộc tương hỗ kết quả được phân loại chi tiết hơn theo vị trí của mối quan hệ, bao gồm phụ thuộc tương hỗ trong quan hệ cạnh tranh và trong quan hệ cộng sinh (Hawley, 1950). Trong quan hệ cạnh tranh (competitive relationaship), kết quả đạt được của một doanh nghiệp tỷ lệ nghịch với kết quả của doanh nghiệp khác. Quan hệ cạnh tranh tồn tại khi các doanh nghiệp cùng có nhu cầu các nguồn lực giống nhau để tồn tại và phát triển. Trong điều kiện phụ thuộc tương hỗ cộng sinh (symbiotic relationaship), kết quả hoạt động của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia. Mối quan hệ này thường mang lại kết quả tỷ lệ thuận cho cả hai bên, cùng tốt hoặc cùng xấu. Các quan hệ cộng sinh tồn tại trên cơ sở sử dụng các sản phẩm hỗ trợ từ các nguồn lực khác nhau giữa các doanh nghiệp (Pfeffer và Salancik, 2003).
3. Quan hệ phụ thuộc thay đổi theo nguồn lực trao đổi
Cường độ phụ thuộc tương hỗ giữa các doanh nghiệp thay đổi theo mức độ sẵn có của các nguồn lực và nhu cầu của doanh nghiệp về số lượng và cường độ sử dụng. Doanh nghiệp sở hữu càng nhiều nguồn lực cần thiết thì mối quan hệ phụ thuộc tương hỗ của doanh nghiệp đó với các doanh nghiệp bên ngoài sẽ giảm, và ngược lại. Quan hệ này trở thành đặc thù của các trao đổi nguồn lực và mối liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, trong trao đổi nguồn lực, nguồn cung các nguồn lực thường không ổn định, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong phối hợp hoạt động, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng trên cơ sở tái cấu trúc các mối quan hệ trao đổi và phụ thuộc tương hỗ. Các giải pháp đối với doanh nghiệp trước bất ổn gồm tìm kiếm nhà cung ứng mới hoặc giảm phụ thuộc nguồn lực vào một nhà cung cấp, hoặc gia tăng hợp tác, kiểm soát các hoạt động của của các doanh nghiệp đối tác …., một cách khái quát, nhằm gia tăng mức độ phụ thuộc tương hỗ về hành vi của các tác nhân xã hội.
Phụ thuộc tương hỗ là hệ quả từ bản chất hệ thống mở của các doanh nghiệp. Thực tế, các doanh nghiệp phải trao đổi với các doanh nghiệp bên ngoài nhằm đạt được các nguồn lực cần thiết để tồn tại và phát triển. Phụ thuộc tương đối tỷ lệ thuận với mức độ chuyên môn hoá và phân chia lao động của các doanh nghiệp, của lĩnh vực ngành nghề và môi trường kinh doanh nói chung.
4. Trao đổi nguồn lực để tồn tại
Trao đổi nguồn lực có vai trò quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, phụ thuộc vào hai yếu tố trọng yếu. Thứ nhất, cường độ trao đổi tương đối (relative magnitude of the exchange) là yếu tố quyết định tầm quan trọng của nguồn lực, được đo lường bằng tỷ lệ tổng đầu vào hoặc tỷ lệ tổng đầu ra trong trao đổi. Một doanh nghiệp chỉ tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào khách hàng của mình, so với doanh nghiệp có đầu ra đa dạng và phân phối nhiều cặp sản phẩm – thị trường. Tương tự, doanh nghiệp có nhu cầu thiết yếu đối với một đầu vào chủ yếu nào đó sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn cung ứng đầu vào đó, so với doanh nghiệp sử dụng các nguồn đầu vào đa dạng và sẵn có trên thị trường (Pfeffer và Salancik, 1978).
Thứ hai, tầm quan trọng của nguồn lực liên quan đến mức độ giới hạn của nguồn lực (criticality of the resource) đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp. Mức giới hạn có của một nguồn lực phục vụ cho hoạt động chức năng của một doanh nghiệp khó đánh giá hơn so với cường độ sử dụng nguồn lực đó. Mức độ giới hạn của nguồn lực được đánh giá thông qua khả năng doanh nghiệp tiếp tục vận hành bình thường khi không có nguồn lực đó hoặc khi không có thị trường đầu ra cho các sản phẩm làm từ nguồn lực đó. Một nguồn lực có thể quan trọng đối với doanh nghiệp ngay cả khi nó chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng thể đầu vào và/hoặc đầu ra của doanh nghiệp (Hawley, 1950).
Mức độ giới hạn nguồn lực của một doanh nghiệp có thể biến động theo thời gian khi các điều kiện môi trường thay đổi. Doanh nghiệp vận hành thông suốt khi nguồn cung của một nguồn lực ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu. Vấn đề phát sinh từ những biến động của môi trường, khi các nguồn lực không còn được đảm bảo như trước. Các doanh nghiệp có nhu cầu thiết yếu đối với các nguồn lực khan hiếm, khi nguồn cung các nguồn lực này bất ồn, sẽ ít khả năng tồn tại hơn so với các doanh nghiệp chỉ cần các nguồn lực có nguồn cung ổn định và sẵn có hơn (Cyert và March, 1963).
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 59-62.
3 Th2 2019
11 Th11 2019
11 Th11 2019
11 Th11 2019