Ma trận ngẫu nhiên tổng quát GCT (General Contingency Theory)

Luthans và Stewart (1977) xây dựng mô hình ngẫu nhiên cho phép doanh nghiệp hệ thống các biến và mối quan hệ giữa các biến theo ma trận GCT (General Contingency Theory). Ma trận GCT cung cấp các biến số cần thiết, cho phép doanh nghiệp củng cố cơ cấu tổ chức và tăng cường mức độ liên kết giữa các bộ phận thực hiện các chức năng khác nhau trong doanh nghiệp (Brian và các cộng sự, 2014). Trong mô hình ma trận GCT, trục tung và trục hoành thể hiện 2 biến độc lập: biến quản lý (Mj – Management variables) và biến tiêu chí đánh giá hiệu quả (PCk – Performance Criteria variables). Kết hợp giữa 2 biến này cùng biến tình huống (Si – Situational variables) tạo ra một thệ thống mạng lưới giao điểm thể hiện các mức độ tác động và kết hợp giữa các biến (Luthans và Stewart, 1977). Giao điểm của các biến sơ cấp này tạo nên các khối (i, j, k) trong ma trận, tương ứng với giá trị biến phụ thuộc hiệu quả (Pijk – system performance) của doanh nghiệp. Tại đó, doanh nghiệp có thể xác định số lượng và mức độ tác động của các biến, từ đó xây dựng các chiến lược (thay đổi) phù hợp.

Mô hình ma trận GCT

Nguồn: Luthans và Stewart (1977, trang 189)

Có thể thấy ma trận GCT là một công cụ cho phép các nhà quản lý xác định và lựa chọn các phương án quản lý. Ví dụ, giả sử Mj và PCk khác Si và không đổi, các nhà quản lý có thể tìm ra cách thức phát triển phù hợp các mối quan hệ theo từng tình huống cụ thể, với mức độ và hiệu quả kỳ vọng, một cách trật tự và có hệ thống. Quá trình phát triển cơ sở dữ liệu GCT cho phép doanh nghiệp có thể tự động đưa ra các lựa chọn chiến lược hiệu quả và phù hợp.

Áp dụng ma trận GCT trong quản lý được thực hiện theo quy trình các bước sau (Luthans và Stewart, 1977 trang 191-192):

Mô hình ngẫu nhiên trong quản lý thay đổi kế hoạch

Nguồn: Luthans và Stewart (1977, trang 191)

  • Bước 1: Đánh giá thực trạng biến ngẫu nhiên
    • Xác định thông qua phân tích thực trạng các biến hệ thống:
      • Tình huống (Si), là sự tương tác giữa biến môi trường và nguồn lực;
      • Tổ hợp các biến quản lý (Mj);
      • Tiêu chí hiệu quả quan trọng (PCk) và các mục tiêu liên quan (P*jjk hoặc, nếu không đổi theo Si x Mj, P*k);
      • Thực trạng hiệu quả hệ thống (P*jjk).
    • Xác định các tiêu chí đánh giá hiệu quả hệ thống (PCk) để Pjjk nhỏ hơn P*jjk
  • Bước 2: Xây dựng chiến lược thay đổi
  • Bước 3: Triển khai chiến lược thay đổi
  • Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện thay đổi
    • Xác định sự thay đổi so với mục tiêu dự định;
    • Xác định các biến Pjjk, P*jjk cho tất cả các giá trị của k;
    • Xác định sự phù hợp của các kết quả;
    • Cập nhật cơ sở dữ liệu để đảm bảo phản ánh kiên tục kịp thời.

Để áp dụng hiệu quả mô hình ngẫu nhiên trong quản lý, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện theo khung ma trận GCT. Ngoài ra, để lưu trữ và xử lý số lượng lớn và nhiều loại dữ liệu theo GCT, doanh nghiệp cần đầu tư trang thiết bị phù hợp, như cơ sở hạ tầng thông tin, đội ngũ nhân sự có trình độ…. để có thể phân tích và xác định chính xác thực trạng các biến hệ thống. Đây là một trong những rào cản lớn khi áp dụng ma trận GCT, nhất là đối với các đơn vị có nguồn vốn hạn chế như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, căn cứ thực trạng hoạt động và lợi ích mà GCT đem lại, các doanh nghiệp cần chủ động, mạnh dạn đầu tư, chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu suất hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình ma trận GCT phù hợp với mình.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 101-102.