Quan điểm thể chế cổ điển (Old institutional theory) trong quản lý doanh nghiệp

Quan điểm thể chế cổ điển (Old institutional theory or old institutionalisme) xuất hiện ở Đức và Áo vào cuối thế kỷ 19 trong các cuộc tranh luận về việc sử dụng phương pháp khoa học của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội. Menger (1883/1963) nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động phát triển hệ thống quy tắc chung cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó lý thuyết thể chế là hiện tượng xã hội quan trọng cần được nghiên cứu và phát triển. Các thể chế xã hội là động lực phát triển xã hội. Vào cuối những năm 19 và đầu thế kỷ 20, một số nhà nghiên cứu đưa ra các quan điểm các mô hình thể chế kinh tế khác nhau. Veblen (1919) cho rằng, toàn bộ nền kinh tế nói chung và mọi hành vi cá nhân nói riêng đều có thể được điều chỉnh bởi các quy tắc, thể chế. Tác giả định nghĩa thể chế là “các thói quen, các tục lệ chung được xã hội chấp nhận“ (Veblen, 1919, trang 239). Tư tưởng cơ bản của trường phái thể chế là đề cao vai trò của các thể chế xã hội trong sự phát triển kinh tế. Quan điểm đầu tiên về thể chế không thừa nhận tác động của các quy luật kinh tế khách quan, không phân tích sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mà chỉ phân tích sự tiến hóa của tư liệu sản xuất.

Thuyết thể chế cổ điển không phải là một lý thuyết được xác định cụ thể, đó một tập hợp các định hướng, nhận định, kết luận của các học giả. Nhưng về cơ bản, đều có các đặc điểm sau (Hodgson, 2006):

  • Mặc dù được các học giả nghiên cứu khá kỹ lưỡng tuy nhiên chưa có một didjnh nghĩa thể chế thống nhất nào được lựa chọn sử dụng chính thức.
  • Các thể chế là những yếu tố chính của mọi nền kinh tế, do đó nhiệm vụ chính của các nhà kinh tế là nghiên cứu các thể chế và các quá trình duy trì, đổi mới và thay đổi thể chế.
  • Nền thể chế kinh tế là một hệ thống mở và đang phát triển, nằm trong một môi trường tự nhiên bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về công nghệ, và được gắn vào một tập các mối quan hệ xã hội, văn hoá,

Các khái niệm thể chế kinh tế cổ điển khác với các lý thuyết kinh tế học truyền thống. Trong lý thuyết thể chế kinh tế cổ điển không chỉ nhấn mạnh đến hành vi của con người, mà còn xác định rõ ràng các định mức, giá trị của các quy tắc. Lý thuyết này tập trung chủ yếu đến các thể chế hình thành nên “hành động” và “tư tưởng” của các cá nhân.

1. Mô hình thể chế của Selznick

Thông qua các nghiên cứu thực nghiệm về thể chế, Selznick (1948) định nghĩa thể chế là “một hệ thống các hoạt động phối hợp có ý thức hoặc mối quan hệ của hai hoặc nhiều người” (trang 25). Theo cách định nghĩa này, thể chế đại diện cho một cấu trúc xã hội, thể chế được xây dựng và triển khai trên thực tế nhằm phục vụ cho quá trình thực hiện mục tiêu của tổ chức. Một thể chế có thể được xem xét, phân tích từ hai góc độ: (1) trong nền kinh tế, thể chế là một hệ thống các mối quan hệ cung cấp nguồn lực, và (2) thể chế là cấu trúc xã hội, trong đó các cá nhân và cá nhân này tác động đến các hệ thống thể chế chính thức (Selznick, 1948).

Ngay từ đầu, Selznick (1948) đã phân biệt các thể chế là “sự biểu hiện cấu trúc của hành động hợp lý – the structural expression of rational action” (trang 25) được thiết kế để đạt được các mục tiêu của tổ chức. Sự phân biệt của Selznick tập trung vào khả năng quản trị và sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp. Selznick (1957) giải thích: “Thể chế hoá là một quá trình. Quá trình này phát triển theo thời gian, phản ánh đặc điểm phát triển riêng biệt của tổ chức, những thành viên của tổ chức, các mục đích hướng tới, và cách tổ chức thích nghi với môi trường. Thể chế hoálà quá trình truyền tải các giá trị vượt trội của các hoạt động đang diễn ra trong tổ chức” (trang 16-17).

Selznick (1957) thừa nhận sự khác biệt giữa khái niệm “tổ chức” và “thể chế”. Theo đó, “một tổ chức được thể chế hóa có xu hướng phát triển một năng lực vượt trội hoặc phát triển đồng thời các khả năng”. Ngoài xem thể chế hóa như một quá trình, Selznick (1957) cũng xem thể chế hóa là một biến, trong đó các tổ chức với mục tiêu được xác định chính xác và công nghệ phát triển tốt phụ thuộc vào thể chế hóa hơn các tổ chức có công nghệ lạc hậu và chưa có mục tiêu, hướng đi cụ thể. Cách tiếp cận của Selznick mô tả quá trình thể chế hóa là một “lịch sử tự nhiên” của tổ chức. Theo thời gian, một tổ chức thiết lập các quy tắc, tiêu chuẩn nhằm phát triển các cấu trúc, khả năng hoạt động. “Học chế Selznick có xu hướng tạo ra quan điểm: các tổ chức không phải là những sinh vật có lý trí mà là phương tiện để thể hiện giá trị” (Perrow, 1986, trang 159).

Ngoài ra, dựa trên công thức của Selznick (1948), Stinchcombe (1968) đã xây dựng một mô hình nhằm làm rõ hơn vai trò của quyền lực thể chế trong tổ chức. Stinchcombe (1968) định nghĩa một tổ chức là “một cấu trúc trong đó những người quyền lực có cam kết phải đem với một số giá trị hoặc lợi ích cho tổ chức” (trang 107). Tác giả nhấn mạnh rằng các giá trị và lợi ích chỉ được bảo vệ nếu những người giữ quyền lực thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Stinchcombe (1968) cố gắng xác định cách thức sửa dụng quyền lực của người nắm quyền. Theo đó, “bằng cách lựa chọn, xã hội hóa, kiểm soát các điều kiện về chức vụ, những thế hệ sau của những người có quyền lực có khuynh hướng tái tạo cùng một thể chế”(Stinchcombe, 1968, trang 111).

2. Quan điểm thể chế của Parson

Tương tự, trong lý thuyết thể chế ban đầu, Parsons (1956) sử dụng các khái niệm về quy tắc, hợp đồng, và quyền hợp nhất các tổ chức trong nghiên cứu về thể chế tổ chức. Parsons (1956) định nghĩa tổ chức là “một hệ thống xã hội hướng tới thành công của một đối tượng cụ thể và đóng góp cho sự phát triển của đối tượng đó mà điển hình là xã hội” (trang 63).

Điều đó có nghĩa tổ chức là một nhóm người có chung 1 mục tiêu, đồng thời cũng đóng góp cho sự phát triển của toàn bộ xã hội. Trong góc độ tiếp cận này này, các tổ chức bao gồm: chính phủ, các tập đoàn, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, hợp tác xã, các trường đại học, các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện, và các lực lượng vũ trang. Tác giả cho rằng, các tổ chức có khuynh hướng đánh giá tổ chức qua 3 tiêu chí, bao gồm: (i) kỹ thuật sản xuất; (ii) khả năng quản lý, kiểm soát và điều phối các nguồn lực và xử lý các tình huống; và (iii) thể chế, liên quan đến việc liên kết tổ chức với các định mức và công ước của cộng đồng và xã hội. Mỗi tổ chức là một tập con của “một hệ thống xã hội rộng lớn hơn, là nguồn gốc của ý nghĩa, sự hợp pháp của việc thực hiện các mục tiêu của tổ chức” (Parsons 1960, trang 63-64).

Cũng trong phân tích về thể chế và các tổ chức, Parsons (1956) đề cập và phân tích “văn hóa – thể chế” bằng cách kiểm tra mối quan hệ giữa một tổ chức và môi trường xung quanh trong các bối cảnh khác nhau. Trong phần lớn các bài viết của mình, tác giả Parsons nhấn mạnh đến tính khách quan của các thể chế trong tổ chức. Theo Parsons (1934/1990), tính khách quan của hệ thống chế định xác định mối quan hệ giữa các cá nhân. Parsons cho rằng các quy tắc trong thể chế cho phép các tổ chức đảm bảo sự tồn tại và phát triển. Một điều đáng chú ý, trong các nghiên cứu của mình Parsons chỉ tập trung vào thể chế hoá ở cấp độ cá nhân, trong đó xuất phát từ quan niệm của một người hoặc một nhóm người để hình thành hệ thống quy tắc.

3. Quan điểm hành vi

March và Simon (1958) phát triển các lý thuyết liên quan đến cách thức định hình hành vi cá nhân (Carnegie School) của các tổ chức thông qua “các chương trình hiệu suất – Performance programs” và các cách thức giải quyết các vấn đề. Theo March và Simon (1958), trong nhiều trường hợp, “quá trình tìm kiếm và lựa chọn đã được rút gọn … Hầu hết hành vi, đặc biệt là hành vi trong các tổ chức được điều chỉnh, kiểm soát bởi các thói quen” (trang 141-142).

Thói quen định hướng hoạt động các cá nhân chỉ theo một khuôn khổ nhất định. Các thói quen như vậy làm giảm mức độ quyết đoán của các cá nhân khi thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức. Các yếu tố như khả năng nhận thức, quy tắc và thói quen tác động trực tiếp tới khả năng hành động hợp lý của các cá nhân. Và tập hợp “các cá nhân có các hành động hợp lý là và phải là một cá thể trong tổ chức có thể chế” (Simon, 1947, trang 102). Những luận cứ của March và Simon mặc dù được đưa ra từ rất lâu, tuy nhiên, các nhận định của 2 học giả này về quan điểm hành vi vẫn nằm trong số những lý thuyết rõ ràng nhất về các đặc điểm, tính năng và các chức năng vi mô của các loại hình thể chế (Powell và DiMaggio, 1991, trang 15-26).

4. Quan điểm nhận thức

Nền tảng của quan điểm nhận thức (Cognitive Theory) là các kiến thức thuộc lĩnh vực tâm lý học nhận thức (cognitive psychology). Trong những năm 1940 và 1950, Lý thuyết nhận thức (S-R) (stimulus-response) bắt đầu được điều chỉnh để phù hợp với quá trình vận động liên tục của một tổ chức (S-O-R) (Lewin, 1951). Nguyên nhân là do, từ lâu, các nhà tâm lý học đã gặp khó khăn trong khi nghiên cứu các chủ đề liên quan đến các cá nhân – những người có nhận thức, lý trí, quan điểm và những hạn chế về nhận thức. Lý thuyết nhận thức đã chỉ ra và phân tích các thiếu sót trong nhận thức của các cá nhân và coi đây là các cơ sở cho phép các nhà quản lý tổ chức quản lý và đưa ra các quyết định hiệu quả.

Tuy nhiên, một số nhược điểm trong nhận thức có thể gây ra những sai lầm trong việc đánh giá thông tin quản lý. Nisbett và Ross (1980) đưa ra 2 xu hướng lỗi nhận thức thường gặp, bao gồm: “(1) xu hướng không áp dụng các quy tắc logic; các phương pháp phân tích khoa học và (2) Xu hướng độc tài, bỏ qua những yếu tố khác quan trong việc ra quyết định” (trang 31). Các quan điểm trên đã làm sang tỏ những hạn chế về nhận thức của các cá nhân. Theo đó, để có thể giải thích và hiểu rõ thế giới, các cá nhân cần tích cực nâng cao khả năng nhận thức.

Gần đây, các nhà xã hội học lại có khuynh hướng nghiên cứu tập trung tới yếu tố cấu trúc tổ chức, đồng thờim các cá nhân chỉ hoạt động một cách thụ động theo các yêu cầu của hệ thống xã hội. Sự ra đời của “Lý thuyết về nhận dạng” đã khắc phục các nhược điểm cho quan điểm này. Lý thuyết chỉ ra mối quan hệ giữa đặc điểm, tính cách, sự vận động các cá nhân tới khả năng tạo ra, duy trì và thay đổi các cấu trúc xã hội. Tính cách cá nhân được hình thành một phần thông qua các tương tác của cá nhân trong xã hội.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 72 – 76.