Bối cảnh văn hóa của quá trình thể chế hóa (institutionalization) trong doanh nghiệp

Zucker (1977) nêu bật bản chất của doanh nghiệp và vai trò của văn hoá trong quá hình thể chế hóa (Cultural Perspective of institutionalization). Ba khía cạnh của văn hoá, bao gồm: (i) tính đồng nhất (generational uniformity), (ii) khả năng duy trì (maintenance) và khả năng ứng phó với các thay đổi (resistance to change) có quan hệ chặt chẽ với quá trình xây dựng thể chế của một doanh nghiệp. Zucker (1977) chỉ ra rằng “mức độ thể chế hoá càng cao thì sự đồng bộ về văn hoá càng cao” (trang 742). Zucker (1977) sử dụng cách tiếp cận phương pháp luận dân tộc học để giải thích cách thức thể chế hóa kiến thức xã hội và cách lưu truyền các thể chế đó.

  • Truyền tải (transmission experiment)

Thử nghiệm truyền tải của Zucker (1977) đã trình bày cụ thể các cơ chế truyền tải nhận thưc trong quá trình thay đổi thể chế của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, trong một tổ chức, người có vị trí thấp bị ảnh hưởng bởi người có vị trí cao.

Trong nghiên cứu này, tác giả cũng so sánh khả năng đáp ứng của cùng một đối tượng khi ở các vị trí cơ bản và vị trí cao trong doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, mức độ gia tăng quá trình thể chế hoá tỷ lệ thuận với khả năng nhận thức của các cá nhân. Vị trí công việc nào được thể chế hóa càng cao thì khả năng nhận thức của cá nhân ở vị trí đó càng tăng.

  • Duy trì (maintenance experiment)

Theo Zucker (1977), duy trì thường xuyên chỉ xảy ra khi có sự kiểm soát trực tiếp của xã hội. Các biện pháp trừng phạt trực tiếp tạo ra sự tuân thủ thể chế, và điều này sẽ được duy trì nhằm đảm bảo trật tự thống nhất. Trong cách tiếp cận này, Zucker (1977), khẳng định rằng “quá trình thể chế hóa diễn ra càng nhiều thì khả năng duy trì trong bối cảnh không được xã hội kiểm soát trực tiếp càng lớn”. Nghĩa là, khi quá trình thể chế hóa diễn ra một cách ồ ạt, vượt quá khả năng kiểm soát của xã hội, quá trình duy trì thể chế sẽ chi mang tính thiếu chắc chắn.

Ngoài ra, tác động của việc thể chế hoá được thể hiện rõ ràng nhất khi không có quá trình xử phạt. Theo kết quả thí nghiệm của Zucker (1977), mức độ thể chế hóa càng lớn, các biện pháp trừng phạt sẽ càng ít có khả năng xảy ra. Chẳng hạn, luật điều chỉnh phân biệt chủng tộc chỉ được ban hành sau khi chế độ nô lệ bị loại bỏ.

  • Phản kháng (resistance experiment)

Thay đổi phản kháng xuất phát và chịu tác động bởi quá trình thể chế hóa. Tương tự như duy trì, mức độ phản kháng tỷ lệ thuận với mức độ thể chế hóa. Theo đó, mức độ phản kháng của các chủ thể sẽ ít chỉ khi mức độ thể chế hoá ở mức thấp và ngược lại (điều kiện ảnh hưởng cá nhân).

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 85 – 86.