Mục tiêu khác tối đa hóa tăng trưởng, cùng với tối đa hóa doanh thu và tối đa hóa tiện ích, cho phép nhà quản lý đạt được các mục tiêu cá nhân về danh vọng, quyền lực và an toàn nghề nghiệp là phát triển doanh nghiệp mà mình đang lãnh đạo, nhưng theo xu hướng xây dựng doanh nghiệp thành các tập đoàn đa ngành nghề (Marris, 1963). Tuy nhiên, sự phát triển này đòi hỏi đầu tư vốn cũng như phải đối diện với nhiều rủi ro trong ngắn và dài hạn; điều này có thể gây thiệt hại cho các cổ đông, vốn chỉ quan tâm đến khả năng sinh lợi của đồng vốn (cổ phiếu) mà họ sở hữu.
1. Đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh
Phát triển theo mô hình tập đoàn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tham gia vào các thị trường hay linh vực kinh doanh hoàn toàn mới, khác biệt, có thể không liên quan đến “các hoạt động chủ đạo” của doanh nghiệp. Quyết định này của các nhà quản lý nhằm giảm rủi ro theo nguyên tăc tài chính và quản trị danh mục đầu tư (portfolio management): “không nên để tất cả các quả trứng trong cùng một rổ”. Thông qua việc đầu tư vào nhiều linh vực, có chu kỳ kinh doanh khác nhau, nhà quản lý có thể bù trừ, thao túng kết quả kinh doanh chung của doanh nghiệp, qua đó đảm bảo, trong mọi hoàn cảnh, một kết quả ổn định và mức lợi tức tối thiểu ở mức chấp nhận được đối với các cổ đông. Mặt khác, tiền lương, thưởng, ưu đãi (dưới dạng “quyền chọn mua bán cổ phiếu – stock options”, “cổ tức chia thêm” và các khoản thù lao phụ khác) của nhà quản lý thường gắn liền với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, vốn thường rất lớn đối với các tập đoàn. Điều này ngược với mục đích và gây thiệt hại cho các cổ đông, vì sự bù trừ giữa các hoạt động, lĩnh vực kinh doanh, tăng lương thưởng của nhà quản lý cũng đồng nghĩa với việc tỉ suất lợi nhuận và lợi tức của doanh nghiệp không đạt mức tối đa hóa.
Ở chiều ngược lại, các cổ đông cũng có thể giảm rủi ro đầu tư theo nguyên tăc tài chính và quản trị danh mục đầu tư (portfolio management), bằng cách tự đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác nhau, hoặc buộc doanh nghiệp đầu tư vào các doanh nghiệp, dự án khác, theo họ là có tiềm năng và làm tăng giá trị cổ phiếu. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ đe dọa đến vị trí và an toàn nghề nghiệp của nhà quản lý, ví dụ trong trường hợp hợp nhất doanh nghiệp, giám đốc sẽ là người khác hay quy mô doanh nghiệp vượt tầm hạn quản lý của nhà quản lý. Vì vậy, nhà quản lý sẽ cân nhắc rất kỹ khi quyết định mở rộng quy mô hay đa dạng hóa ngành nghề trên nguyên tắc tối đa hóa tiện ích của mình.
Phân tích sâu vào các loại hình đa dạng hóa, quyết định của nhà quản lý theo một trong hai hướng:
- Phát triển những hàng hóa dịch vụ mới, không có hay chưa có sản phẩm thay thế (differentiation), từ đó tạo ra thị trường mới cho doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh thu của doanh nghiệp biến động theo hai hướng:
- Doanh số bán tăng trong giai đoạn giới thiệu sản phẩm, chủ yếu do khách hàng dùng thử sản phẩm mới. Tiếp theo, tăng trưởng giảm dần đến khi khách hàng nhận thấy sản phẩm không đáp ứng đúng nhu cầu họ. Sau cùng, doanh số giảm mạnh và sản phẩm được rút khởi thị trường.
- Sau giai đoạn đầu thử nghiệm, doanh số bán tăng mạnh do sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng. Khi thị trường bão hòa, doanh số bán vẫn tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn.
Trên thực tế, loại hình đa dạng hóa này thường không được các nhà quản lý ưu tiến do phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, mặc dù có khả năng tối đa hóa tăng trưởng nhanh. Vì đầu tư này mang tính dài hạn, ngược với quỹ thời gian giới hạn chế của nhà quản lý; và đặc biệt tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể không mang lại hiệu quả mong muốn, làm mất uy tín và làm ảnh hưởng tới sự nghiệp của nhà quản lý. Ngược lại đối với các cổ đông, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lại đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và lợi tức của họ trong dài hạn. Đây cũng là một vấn đề lớn, tiềm ẩn phát sinh trong dài hạn giữa nhà quản lý và cổ đông.
- Phát triển những hàng hóa dịch vụ đã tồn tại trên thị trường (imitation), khi đó doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp phụ thuộc ít nhiều vào các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Trong trường hợp này, tối đang hóa tăng trưởng doanh thu, gắn liền với tăng trưởng tổng cầu của doanh nghiệp, sẽ được quyết định bởi hai yếu tố sau:
- Số lượng sản phẩm mới đưa vào thị trường trong một giai đoạn nhất định, gọi là hệ số đa dạng hóa d (diversification rate), hệ số này tăng đồng nghĩa với tổng cầu và doanh thu của doanh nghiệp tăng.
- Hệ số thành công k bằng tỉ lệ giữa số sản phẩm thành công trên tổng số sản phẩm mới đưa vào thị trường. Hệ số này có thể tăng tùy theo mức độ rào cản thị trường, chiến lược giá thấp, chi phí quảng cáo lớn, tiếp thị bán hàng … Do vậy, nó phụ thuộc vào mức lợi nhuận mong muốn m (profit margin), tính bằng tỷ lệ giữa tổng lợi nhuận và tổng thu nhấp đối với mỗi sản phầm mới. Đồng thời, hệ số k giảm nếu hệ số đa dạng hóa d tăng vì trên thực tế, d càng tăng, nguồn lực và phương tiện sẵn có, vốn giới hạn, của doanh nghiệp, khi phân bổ để phát triển mỗi sản phẩm mới sẽ giảm, cơ hội thành công thấp cũng giảm dần.
Hệ số thành công k tăng khi độ chênh lệch lợi nhuận m và tỷ lệ đa dạng hóa d giảm, thể hiện qua công thức :
k = k (m,d); δk/δm < 0; δk/δd < 0
Tốc độ tăng trưởng cầu tổng thể cD của doanh nghiệp do vậy biến đổi theo quan hệ sau :
cD = c(k(m,d),d) = f(m,d); δcD/δm < 0; δcD/δd < 0
Từ đó suy ra, d tăng sẽ dẫn tới tăng mạnh cD, đồng nghĩa với tổng doanh thu của doanh nghiệp cũng sẽ tăng.
2. Tăng trưởng về vốn
Hệ số tăng trưởng vốn được tính bằng tỷ lệ giữa đầu tư và vốn của doanh nghiệp. Giá trị của nó vì vậy phụ thuộc trực tiếp nguồn lực tài chính hiện có và phụ thuộc gián tiếp chính sách đa dạng hóa và chính sách biên lợi nhuận (profit margin) được tạo ra từ nguồn lực này. Nguồn tài chính bổ sung có được từ lợi nhuận không phân phối (undistributed profits), từ các hoạt động phát hành thêm cổ phần, các khoản vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu. Vai trò của chúng phụ thuộc vào tỉ suất lợi nhuận b, được tính bằng tổng lợi nhuận g chia cho vốn K: tỉ suất lợi nhuận cao đồng nghĩa với giá trị lợi nhuận không phân phối sẽ lớn; đồng thời sẽ tạo được niềm tin về lợi nhuận tương lai đối với các cổ đông, điều này sẽ thúc đẩy họ mua thêm cổ phiếu của doanh nghiệp; cuối cùng, nguồn vốn này cũng góp phần đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp.
Theo Marris (1963), trong dài hạn, hệ số tăng trưởng vốn cK có xu hướng tăng cùng với tỉ suất lợi nhuận b theo một hệ số tỷ lệ h:
cK = hg/K = hb
Với biên lợi nhuận m (profit margin) được tính toán bằng cách lấy lợi nhuận g chia cho tổng doanh thu R, cho biết mỗi đồng doanh thu thu về tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận cho doanh nghiệp (m = g/R), tỉ suất lợi nhuận b có thể được biểu diễn theo biên lợi nhuận m như sau:
b = g/K= m/(K/R)
Tỷ số K/R thể hiện quan hệ giữa vốn và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phụ thuộc vào hệ số đa dạng hóa d. Như đã trình bày ở trên, hiệu quả điều hành và quản lý của nhà quản lý ban đầu sẽ cùng với d, nhưng sau đó giảm khi đã vượt một ngưỡng nhất định nào đó. Biết rằng, tỉ suất lợi nhuận phụ thuộc vào biên lợi nhuận m và hệ số đa dạng hóa d: b = b(m,d), khi đó hệ số tăng trưởng vốn bằng:
cK = hb (m,d)
Như vây, hệ số tăng vốn cK tăng tùy theo giá trị của biên lợi nhuận m; với d, nó tăng ban đầu, sau đó sẽ giảm dần khi d tăng. Hệ số tỷ lệ h được xác định tùy theo mức độ an toàn mà nhà quản lý cần đảm bảo, đây cũng chính là một yếu tố giới hạn tăng trưởng vốn của doanh nghiệp đối với nhà quản lý.
Nhìn chung việc đa dạng hóa và phát triển doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn phải đối diện với nhiều thách thức. Thứ nhất là về khả năng quản lý giới hạn của nhà quản lý, điều này sẽ làm tăng qui mô của doanh nghiệp, do phải tuyển dụng thêm và làm giảm hiệu quả quản lý hành chính của doanh nghiệp, do những thành viên mới cần phải được đầu tư đào tạo và hòa nhập (cả về thời gian và kinh phí), họ chỉ có thể thực sự tham gia đóng góp cho doanh nghiệp sau một khoảng thời gian nhất định. Thứ hai là những rủi ro đến tình hình tài chính khó khắn của doanh nghiệp phát sinh do những đầu tư không hiệu quả của nhà quản lý; vì điều này sẽ khiến họ bị đuổi việc, hoặc giá trị cổ phiếu giảm sẽ khiến một số cổ đông ra đi và xuất hiện các cổ đổng mới dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc vồn và có thể kéo theo những thay đổi về ban lãnh đạo doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhà quản lý thường rất thận trọng trong các quyết định đầu tư của mình, luôn đảm bảo khả năng thanh khoản của doanh nghiệp.
3. Mức tăng trưởng tối ưu
Mặc du theo đuổi mục tiêu tối đa hóa tăng trưởng, nhưng nhà quản lý bị ràng buộc trong quan hệ quản lý phải cân nhắc mức tăng trưởng tối ưu với mục tiêu của cổ đông. Theo Marris (1963), doanh nghiệp đạt sự tăng trưởng tối ưu hay cân băng c* khi hệ số tăng trưởng cầu hay doanh thu bằng với hệ số tăng trưởng vốn:
cD = cK
f (m,d) = hb (m,d)
Mức tăng trưởng tối ưu này phụ thuộc ba quyết định của nhà quản lý: về chính sách tài chính và lựa chọn giá trị h; về hệ số đa dạng hóa d; về biên lợi nhuận m. Nếu chính sách tài chính được xác định trước, chúng ta sẽ có thể thiết lập phương trình biểu diễn hai biến số d và m, gọi là tập giá trị d* và m*. Từ đó, có thể biểu diễn mức độ tăng trường tối ưu c* theo d* hoặc m*.
Marris (1963) chỉ ra rằng: phương trình biểu diễn c* tồn tại một cực, tại đó c* đạt giá trị lớn nhất. Giá trị của d* và m* tương ứng với tốc độ tăng trưởng tối ưu c* sẽ cho phép xác định tỉ suất lợi nhuận b* cần thiết để đảm bảo tăng trưởng tối ưu. Trên cơ sở đó, tối đa hóa tốc độ tăng trưởng sẽ cho phép tối đa hóa tỉ suất lợi nhuận; mục tiêu tối đa hóa tăng trưởng và lợi nhuận, trong trường hợp giá trị h đã được xác định, sẽ không mâu thuẫn nhau.
Hệ số tỉ lệ h thể hiện thái độ của nhà quản lý trước rủi ro mất việc, vì vậy do nhà quản lý quyết định và tùy thuộc vào mỗi nhà quản lý. Dù sao, cũng có thể thấy rằng an toàn nghề nghiệp cũng là một yếu tố ràng buộc quan trọng đối với nhà quản lý khi theo theo đuổi mục tiêu tối đa hóa tiện ích của mình.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 227-230.
13 Th11 2019
13 Th11 2019
4 Th2 2019
13 Th11 2019
13 Th11 2019
13 Th11 2019