Thái độ linh động của nhà quản lý (dynamic principal-agent relationship)

Như đã phân tích, mọi quyết định và hành động của nhà quản lý diễn ra theo nguyên tắc tối đa hóa tiện ích; tuy nhiên, nhà quản lý bị ràng buộc bởi khả năng bị cách chức, đuổi việc hay phạt từ phía các cổ đông. Là người có suy tính (human rational behavior), vì vậy, nhà quản lý tìm cách dung hòa mục đích của mình và mục đích của các cổ đông. Nhà quản lý đánh giá phản ứng của cổ đông về những quyết định của mình và so sánh những hậu quả có thể phải chịu và lợi ích cá nhân mà mình đạt được, trên cơ sở đó ra những quyết đích thỏa mãn ở ngưỡng chấp nhận được, chứ không phải cao nhất, đối với các cổ đông và thỏa mãn cao nhất có thể các mục đích của mình. Đây chính là thái độ linh động của nhà quản lý tùy vào bối cảnh hiệu quả công việc và sự giám sát của các cổ đông.

Đối với những nhà quản lý ở các cấp khác nhau, anh ta đánh giá mức hài lòng của cổ đông, nếu thấy họ không thỏa mãn về chính sách hiện tại của doanh nghiệp, anh ta tác động để có thể loại bỏ nhằm thay thế các nhà quản lý khác đang ở vị trí cao hơn mình thông qua biểu quyết tại HĐQT hay Đại HĐCĐ. Nếu thấy không thế, anh ta có thể tác động trên thị trường tài chính bằng những hành động không nhằm tối đa hóa hay giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều này sẽ khiến lợi tức giảm, đồng nghĩa với việc giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ giảm trên thị trường tài chính. Và sự tham gia của các cổ đông mới, từ việc mua lại cổ phần của một số cổ đông nhỏ không hài lòng, sẽ có thể dẫn tới việc tái tổ chức lại ban lãnh đạo và quản lý của doanh nghiệp. Đây chính là cơ hội để nhà quản lý thảo mãn các mục đích của mình về thăng tiến, quyền lực và thù lao. Tuy nhiên, việc giá trị cổ phiếu giảm cũng đồng nghĩa rằng nhà quản lý cũng có thể phải chịu một số chi phí như lương giảm, khó khăn trong quản lý và thu hút nguồn vốn. Do vậy, nhà quản lý thường cân nhắc kỹ và cũng không quá mạo hiểm làm sai lệch hoạt động của doanh nghiệp đi quá xa so với mục đích của chủ sở hữu.

Mặt khác, thái độ của nhà quản lý còn tùy thuộc vào cấu trúc sở hữu tập trung hay rải rác của doanh nghiệp. Nếu cấu trúc vốn tập trung trong tay một hay một nhóm các cổ đông, nhà quản lý sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn và buộc phải ưu tiên thỏa mãn lợi ích của các cổ đông, đồng nghĩa lợi ích của anh ta sẽ bị hạn chế. Ngược lại, trong các doanh nghiệp có cấu trúc vốn rải rác trong tay một số lượng lớn các cổ đông nhỏ lẻ, doanh nghiệp sẽ dưới quyền thao túng của các nhà quản lý. Trong trường hợp này, các nhà quản lý sẽ quyết định và hành động:

  • Tối đa hóa doanh thu và thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp chứ không phải tối đa hóa lợi nhuận như các các cổ đông mong muốn (Baumol, 1959).
  • Phung phí vào một số chi tiêu, chủ yếu chi phí nhằm đảo bảo danh vọng của họ (Williamson, 1963);
  • Xây dựng “đế chế” của mình theo mô hình tập đoàn thông qua các hoạt động mở rộng sản xuất theo đuổi tăng trưởng và đa ngành đa nghề (diversification), xa rời mục đích (lợi tức) của các cổ đông (Marris, 1963);

Ba xu hướng hành động này của nhà quản lý có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình vận hành của doanh nghiệp trong mối quan hệ đại diện với các cổ đông; và sẽ lần lượt trình bày chi tiết trong phần tiếp theo đây.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 220-221.