Thay đổi mật độ (density), số lượng (quantity) và sức ỳ (inertia) cơ cấu tổ chức doanh nghiệp trước thay đổi

1. Mật độ doanh nghiệp và biến động số lượng trong hệ sinh thái

Thuyết hệ sinh thái doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào quá trình phân tách và phối hợp có liên quan trực tiếp đến tính đa dạng của doanh nghiệp. Khi quá trình phân tách chiếm ưu thế, một số loại hình doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại trong những thiếu sót cấu trúc xã hội do bị ảnh hưởng của các yếu tố ràng buộc; dẫn đến hạn chế tính đa dạng của doanh nghiệp. Do đó, cần thiết phải loại bỏ các ranh giới nhằm gia tăng tính đa dạng của các loại hình. Stinchcombe (1965) giải thích về tầm quan trọng của các yếu tố ràng buộc đối với quá trình hình thành các loại hình doanh nghiệp mới. Kết luận chính của ông củng cố và làm rõ quan điểm về cấu trúc xã hội cũ, với những ràng buộc về thể chế/tổ chức và cơ sở hạ tầng, phải bị phá vỡ vì sự đa dạng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các quá trình phân tách và sự đa dạng lại phức tạp hơn nhiều so với những gì đã được lưu ý trước đây. Đó là, những thiếu sót trong cấu trúc xã hội vẫn có khả năng làm tăng thêm tính đa dạng của doanh nghiệp. Xem xét quá trình loại trừ tính cạnh tranh đối với một quần thể có khuynh hướng loại bỏ tất cả những quần thể cùng chung một bộ tài nguyên. Theo đó, sự tồn tại bền vững của các ranh giới có thể làm hạn chế (khoanh vùng) những cuộc cạnh tranh (tức là, quá trình cạnh tranh hoạt động mạnh mẽ chủ yếu trong vùng được giới hạn). Mặc dù sự loại trừ tính cạnh tranh có thể xảy ra trong phạm vi một vài hoặc tất cả các lĩnh vực được giới hạn, nhưng không chắc rằng, một loại hình doanh nghiệp đơn lẻ có thể vượt ra khỏi các loại hình đối nghịch nhau về nhiều lĩnh vực; cộng thêm sự giảm bớt của một ràng buộc tạo ra ranh giới thường dẫn đến một cuộc cạnh tranh giữa các quần thể mà trước đây chưa từng có hoặc rất yếu ớt.

Ví dụ như trường hợp xoá bỏ các ràng buộc về pháp luật và thể chế có thể làm giảm tính đa dạng của doanh nghiệp trong khu vực tài chính, như một hình thức để chi phối các hoạt động phân chia ngân hàng và môi giới chứng khoán trước đây. Khi đó, các loại hình doanh nghiệp có thể được sao chép lại, tình trạng thiếu các rào cản về thể chế sẽ cho phép một loại hình đơn lẻ chi phối trên nhiều lĩnh vực; nhưng nếu tồn tại ranh giới mạnh mẽ, sự mô phỏng sẽ được khoanh vùng; tức là nó sẽ xảy ra chủ yếu trong phạm vi ranh giới. Như vậy, sự giảm bớt của các ranh giới có thể hạn chế sự đa dạng trong những hoàn cảnh như vậy.

Hai luận điểm trên đây cho thấy, vấn đề loại bỏ các ranh giới cùng với những ràng buộc giúp duy trì chúng, có thể làm giảm bớt tính đa dạng, là những minh chứng cho một nhận định tổng quát: Tương tự như các nguyên tắc trong hệ sinh thái nói chung, sự đa dạng của các loại hình doanh nghiệp tỷ luôn tỷ lệ thuận với tính đa dạng cuả các tài nguyên cũng như các yếu tố ràng buộc (Hannan và Freeman, 1977). Như vậy, mối quan chính trong việc khám phá những ảnh hưởng mang tính chất không liên tục về sự đa dạng trong doanh nghiệp là việc tạo ra hoặc loại bỏ ranh giới làm tăng hoặc giảm số lượng của các tài nguyên và ràng buộc riêng biệt.

Theo Delacroix và Carroll (1983), các mô hình thành lập doanh nghiệp có tính chất chu kỳ qua thời gian thường được giải thích dựa trên những ảnh hưởng của quá trình thành lập và thất bại trước đó lên các tài nguyên có sẵn. Do vậy, doanh nghiệp giải thể ở hiện tại có thể sẽ tạo ra các nguồn tài nguyên freefloating và tập hợp lại thành các doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, một số lượng lớn doanh nghiệp bị tan rã có thể sẽ gây nguy hiểm, ngăn cản sự thành lập của các nhà doanh nghiệp tiềm năng, nên luôn tồn tại giới hạn nhất định trong những ảnh hưởng này, dẫn đến mối quan hệ “curvilinear-phi tuyến tính” giữa quá trình thành lập hiện tại và thất bại trước đây của các doanh nghiệp. Tương tự như vậy, các doanh nghiệp tiền thân cũng chịu ảnh hưởng phi tuyến tính. Ban đầu, các doanh nghiệp tiền thân khuyến khích sự hình thành của các doanh nhân tiềm năng bằng cách báo hiệu một vị trí thuận lợi có khả năng phát triển. Nhưng, khi số lượng doanh nghiệp tham gia quá lớn, làm gia tăng tính cạnh tranh về nguồn tài nguyên, họ sẽ thực hiện can ngăn sự thành lập của các doanh nghiệp mới.

Ngoài ra, sự tổng hợp các ý tưởng về doanh nghiệp và hệ sinh thái của Hannan (1986) cũng đề cập đến mật độ (density dependence) trong tỷ lệ thành lập doanh nghiệp. Thuyết về mật độ được cho là phổ biến nhất (Hannan và Freeman, 1989) trong một loạt những lý thuyết-phụ được phát sinh từ hệ sinh thái doanh nghiệp nhằm giải thích các nguyên nhân dẫn đến sự hình thành và giải thể của một doanh nghiệp bất kỳ. Học thuyết bàn tới một chức năng phi tuyến- curvilinear, thể hiện quá trình hợp thức hóa xã hội tạo ra các doanh nghiệp cùng sự cạnh tranh có chọn lọc về số lượng của chúng. Phạm vi ban đầu của mật độ tự hợp pháp hoá các loại hình doanh nghiệp và hỗ trợ gia tăng tỷ lệ sáng lập. Nhưng khi mật độ trở nên nhiều hơn, quá trình hợp pháp bắt đầu bị chi phối bởi quá trình cạnh tranh, dẫn đến làm giảm tỷ lệ sáng lập. Tương tự như tầm ảnh hưởng lên tỷ lệ tử vong, mật độ cũng có tác động không monotonic đối với tỷ lệ thành lập, ngoại trừ những tác động từ tích cực đến cấm đoán. Và mô hình này có thể được mở rộng trong sự cạnh tranh giữa quần thể của các loại hình doanh nghiệp, bằng cách mô hình hóa những ảnh hưởng về mật độ dân số chéo (Hannan và Freeman, 1989).

Theo đó, những bằng chứng ủng hộ cho mô hình giả thuyết không monotonic về sự phụ thuộc của mật độ trọng sự thành lập là rất mạnh mẽ, đặc biệt từ những nghiên cứu thiết kế cụ thể để phân tích mô hình (Hannan và Freeman, 1987). Trong đó, quan trọng phải mô phỏng cùng một lúc các lý luận về mật độ và biến động số lượng, bởi vì những biến động số lượng này có liên quan đến biến động mật độ và sự thay đổi trong các cấp mật. Các biến động số lượng có thể yếu hơn những ảnh hưởng của mật độ khi cả hai được mô phỏng cùng nhau. Điều này sẽ rất hữu ích trong quá trình nghiên cứu tính tổng quát của các kết quả thu được và tìm hiểu các nguyên nhân gây ra sự khác biệt về dân số (nếu được quan sát).

2. Sức ỳ cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp trước thay đổi

Trong sinh vật học, do các doanh nghiệp cá thể tại một quần thể đã được mã hoá dựa trên vật chất di truyền mang tính ỳ, nên chúng chỉ có thể và đôi lúc làm biến đổi về cơ bản trong chiến lược và cấu trúc. Còn trong doanh nghiệp, ngay cả khi tính ổn định của các loại hình và các quần thể có thể được xác định, vấn đề áp dụng các mô hình sinh thái học cho các doanh nghiệp vẫn rất phức tạp, do các doanh nghiệp cá thể hoàn toàn có thể thay đổi chiến lược và cấu trúc của họ. Như vậy, nếu các doanh nghiệp có thể thực hiện những thay đổi cơ bản một cách nhanh chóng và thường xuyên, thật khó để khẳng định rằng các quần thể có đặc tính thống nhất một cách rõ ràng. Theo đó, Hannan và Freeman (1977) chỉ ra các ràng buộc về thay đổi cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp theo thuyết sinh thái học: ”Đối với các quần thể lớn của các doanh nghiệp, tồn tại nhiều áp lực tạo sức ỳ lớn về cơ cấu tổ chức, vì cả cấu trúc bố trí bên trong (ví dụ, chính sách nội bộ) và môi trường sống bên ngoài (ví dụ, tính hợp pháp chung về hoạt động ) của doanh nghiệp” – (Hannan và Freeman, 1977, trang 957).

Sức ỳ về cơ cấu tổ chức trước thay đổi (Inertia and Rates of Organizational Change) bắt nguồn chính từ các yếu tố nội tại doanh nghiệp, bao gồm 4 yếu tố cơ bản sau: Thứ nhất, đầu tư của doanh nghiệp vào nhà xưởng, thiết bị và nhân sự chuyên môn – là những tài sản không dễ chuyển nhượng cho các nhiệm vụ và chức năng khác.

Thứ hai, các nhà hoạch định doanh nghiệp phải đối mặt với những ràng buộc về thông tin nhận được. Arrow (1974) khẳng định: “hoạt động phối hợp và sử dụng các kênh thông tin mang tính bất định, khó phân định, và có cường độ truyền thông khác nhau bao hàm xử lý các vấn đề về (a) cấu trúc và hành vi thực tế của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngẫu nhiên (lịch sử), và (b) quá trình theo đuổi hiệu quả sản xuất kinh doanh có thể khiến doanh nghiệp cứng nhắc và phản ứng thiếu nhanh nhạy trước thay đổi hay biến động” (trang 49).

Thứ ba, chính sách nội bộ cũng góp phần tạo ra sức ỳ trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp. Do phải thực hiện phân bổ lại nguồn lực giữa các đơn vị con khi thực hiện thay đổi cấu trúc từ những nguồn lực cố định, nên sẽ tồn tại một số đơn vị con có khả năng chống lại bất kỳ sự tái cấu trúc nào của doanh nghiệp. Trong trường hợp sức chống cự mạnh, nó có thể ngăn chặn hoàn toàn sự thay đổi. Tái cấu trúc thường được thiết kế để mang lại lợi ích chung cho toàn doanh nghiệp, và sẽ phải mất một thời gian đáng kể để được thực hiện công việc này. Các nghiên cứu trong việc đưa ra các quyết định gần đây cho thấy, “hầu hết các cá nhân đều có khuynh hướng tăng tác dụng cho những tổn thất tiềm tàng hơn là cho những lợi ích tiềm năng tương đương” (Kahneman, Slovic và Tversky, 1982).

Cuối cùng, lịch sử doanh nghiệp tạo ra những ràng buộc về sự thay đổi cơ bản. Một khi các quy trình chuẩn cùng với sự phân bổ các nhiệm vụ và quyền hạn trở thành đối tượng thỏa thuận có tính quy chuẩn (normative agreement), chi phí thay đổi sẽ tăng lên đáng kể. Các thỏa thuận này có thể hạn chế/ ràng buộc sự thích ứng bằng cách đưa ra những dẫn chứng chính đáng (ngoại trừ lợi ích cá nhân) cho các đối tượng với mong muốn chống đối lại việc tái cơ cấu tổ chức. Đồng thời, ngăn cản các nghiên cứu về nhiều phản ứng quan trọng đối với mọi thách thức và cơ hội tồn tại trong môi trường. Ví dụ như một vài nghiên cứu về khả năng thích ứng khi thực hiện giảm thiểu số lượng tuyển sinh bằng cách loại bỏ yếu tố giảng dạy tại một vài trường đại học; cách thức được lựa chọn này sẽ gây ra thách thức cho các quy chuẩn thuộc tổ chức trung tâm.

Tiếp theo, sức ỳ cơ cấu tổ chức trước thay đổi phát sinh từ các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp, bao gồm ít nhất ba yếu tố. Thứ nhất, rào cản pháp lý và tài chính đối với việc thâm nhập cũng như rời bỏ thị trường. Theo như các thảo luận về tổ chức công nghiệp, rào cản khi thâm nhập thị trường thường là giấy phép độc quyền. Rào cản khi rời bỏ thị trường cũng có khả năng biểu hiện tính ỳ tại một số trường hợp, trong đó các quyết định chính trị và pháp luật ngăn cản các doanh nghiệp từ bỏ một số hoạt động nhất định. Chẳng hạn, tiểu bang California đã bác bỏ rất nhiều yêu cầu để đường sắt Liên minh Thái Bình Dương được phép kết thúc dịch vụ hành khách và hoàn thành chuyên chở hàng hóa. Tất cả những ràng buộc thâm nhập và rời bỏ như vậy đều bị giới hạn khả năng thích ứng.

Thứ hai, ràng buộc bên trong song song với ràng buộc bên ngoài về tính sẵn có của thông tin. Vấn đề thu thập thông tin về môi trường sống liên quan là rất tốn kém, đặc biệt trong những tình huống bất thường. Ngoài ra, các cá nhân luôn có xu hướng sử dụng các kênh chuyên dụng, ngay cả khi các kênh khác/mới có thể cung cấp thông tin tốt hơn. “Đây là một loại chi phí ngầm (sunk cost), một sự tích lũy vốn đặc trưng của con người” (Arrow 1974). Tính chuyên dụng này làm hạn chế phạm vi nhận và xử lý thông tin về môi trường doanh nghiệp, do đó làm giảm khả năng thay đổi thích ứng.

Thứ ba, môi trường cũng áp đặt các ràng buộc về tính hợp pháp. Tính hợp pháp cấu thành lên tài sản trong quá trình duy trì các nguồn lực từ môi trường. Nếu sự thay đổi khả năng thích ứng vi phạm các yêu cầu hợp pháp, các doanh nghiệp phải chịu một mức án phí cụ thể. Ví dụ như khi thực hiện loại bỏ giảng dạy đại học trong một Viện Đại học Nghiên cứu có thể tạo ra những vấn đề lớn liên quan đến tính hợp pháp với cựu sinh viên, cơ sở, cơ quan lập pháp nhà nước, …

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyên, Nguyễn Thị Hồng Nga (2019), Học thuyết doanh nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 130 – 134.