1. Vấn đề liên quan đến mới hình thành (ít tuổi)
Trong các nghiên cứu thuyết hệ sinh thái, các doanh nghiệp chịu quy luật mới hình thành (liability of newness); theo đó, các doanh nghiệp mới thành lập (ít tuổi) có khả năng tồn tại thấp, tử vong (giải thể) cao. Stinchcombe (1965) lập luận rằng: tỷ lệ thất bại của các doanh nghiệp mới luôn cao hơn so với các doanh nghiệp cũ; với nguyên nhân xuất phát từ cả môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mới phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tạo dựng lên thói quen, vai trò cũng như sự tin tưởng từ các thành viên. Đồng thời, họ cũng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác có cùng chung nhóm đối tượng khách hàng. Sự thất bại trong quá trình lôi kéo các ngành nghề kinh doanh từ đối thủ cạnh tranh (đã tồn tại) là một trong những yếu tố chính khiến doanh nghiệp mới dễ bị loại trừ.
Trong những năm gần đây, có khá nhiều dẫn chứng được đưa ra nhằm ủng hộ cho giả thuyết của Stinchcombe (1965). Điển hình là nghiên cứu phổ biến nhất của Carroll (1983); ông đã tiến hành kiểm tra vấn đề mới hình thành của 52 nhóm doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp đa dạng như bán lẻ, in ấn, sản xuất hoá chất, công nghiệp kim loại và saloons. Theo đó, Carroll (1983) ước tính mức độ suy giảm trong tỷ lệ tử vong theo độ tuổi. Kết quả cho thấy, tỷ lệ này có khuynh hướng giảm mạnh khi “về già”. Ông và các cộng sự tiếp tục khám phá vấn đề này bằng cách thu thập các số liệu phong phú hơn từ công ty báo chí, hiệp hội lao động và công ty sản xuất chất bán dẫn. Nghiên cứu này của Freeman, Carroll và Hannan (1983), về sau được gọi là nghiên cứu FCH, đã thực hiện phân tích quá trình hoạt động (lịch sử) của 476 hiệp hội cấp quốc gia, bao gồm các thành viên đến từ AFL, CIO, và AFL/CIO cùng với một số “hiệp hội độc lập lớn- major independent unions”. Họ vẫn sử dụng tới các mô hình của Gompertz và Makeham và thu về kết quả là: tỷ lệ tử vong giảm mạnh so với độ tuổi, ngay cả khi xét đến quy mô ban đầu của doanh nghiệp.
Một nghiên cứu khác, Hannan và Freeman (1984) bổ sung cho vấn đề mới hình thành. Họ cho rằng, những loại hình doanh nghiệp có mức độ tin cậy cao về khả năng thực hiện và trách nhiệm giải trình thường được ưu tiên hơn thông qua các nhận định liên quan đến bản chất của quá trình chọn lọc trong xã hội hiện đại. Độ tin cậy và trách nhiệm của các loại hình doanh nghiệp luôn đòi hỏi sự tái tạo ở cấp độ cao từ cơ cấu tổ chức. Nhờ có quá trình tìm hiểu, phối hợp và xã hội hoá bên trong cũng như hợp thức hóa và phát triển các mạng lưới trao đổi bên ngoài của doanh nghiệp, nên khả năng tái tạo cơ cấu tổ chức đều xu hướng tăng dần theo độ tuổi. Khi khả năng này tốt hơn sẽ làm tăng cường sức ỳ về cơ cấu tổ chức, dẫn đến các doanh nghiệp ngày càng trở nên bền vững với thời gian. Theo đó, tỷ lệ tử vong của doanh nghiệp sẽ giảm xuống cùng với mức độ trưởng thành.
Ngoài ra, vấn đề mới hình thành còn liên quan tính “không xác thực- spurious”, theo nghĩa chỉ phản ánh tính không đồng nhất (heterogeneity), không quan sát được ngoại trừ tính phụ thuộc tuổi tác (age dependence) trong các loại hình doanh nghiệp. Giả sử, mỗi loại hình doanh nghiệp đều khác nhau về các đặc điểm khó phát hiện như năng lực quản lý, sự hài hòa chính trị giữa các phòng ban… Và, đối lập với luận điểm của Stinchcombe (1965), những đặc điểm này không thay đổi theo độ tuổi. Khi đó, các doanh nghiệp có đặc điểm không thích hợp để tồn tại trong môi trường kinh tế xã hội sẽ sớm bị ‘tử vong’. Ở đây, do quá trình này diễn ra trên một thước đo theo độ tuổi, nên kết quả của tính hỗn tạp không quan sát được chính là khả năng đưa ra các chỉ số thực nghiệm về sự phụ thuộc tuổi tác vào tỷ lệ. Đây là một ví dụ tiêu biểu cho nguyên tắc tổng quát với các chỉ dẫn thực nghiệm tương tự liên quan tới tính hỗn tạp (sự không đồng nhất) và sự phụ thuộc thời gian (time dependence). Theo đó, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là phải mô hình hóa các biến số liên quan trong nhiều quần thể cũng như kiểm tra các kết quả tích luỹ một cách rõ ràng.
2. Vấn đề trong quá trình trưởng thành
Leblibici và Salancik (1982) trình bày nội dung quan điểm giao dịch (transaction) phản ánh trình tự các bước theo thời gian thông qua những hợp đồng ký kết giữa các bên, dẫn đến sự sống còn trong những mối quan hệ với khoảng thời gian ban đầu ổn định. Theo đó, quá trình trao đổi là không thực sự chính xác do chúng xảy ra theo thời gian. Giao dịch “bắt đầu với một trao đổi tiềm năng, tiếp tục với một thỏa thuận nhằm thống nhất các điều khoản cụ thể như thời gian, địa điểm… và kết thúc với sự trao đổi thực tế. Tuy nhiên khoảng thời gian ngắn giữa thỏa thuận và cam kết làm tăng tính không chắc chắn của giao dịch, nên quá trình giao dịch luôn cần thời gian dài để hoàn thiện” (Leblibici và Salancik, 1982, trang 228).
Bất kỳ mối quan hệ nào dựa trên một cuộc trao đổi cũng cần một khoảng thời gian trước khi có kết quả trao đổi; và, trong khoảng thời gian này, mối quan hệ sẽ không bị đe doạ bởi các kết quả tiêu cực. Đối với một số mối quan hệ, một kết quả tiêu cực có thể không đủ để gây ảnh hưởng tới mối quan hệ, nhưng nó sẽ kéo dài mối quan hệ ở mức thấp.
Kiesler (1971) định nghĩa “cam kết là vật thế chấp hoặc điều bắt buộc đối với các hành vi hành động của cá nhân… tại đó cam kết có khả năng làm cho một hành động đi đúng hướng”. Theo đó, nếu một nhân tố xã hội, một cá nhân hay một doanh nghiệp, cam kết với một mối quan hệ (ví dụ như hành động), tức là họ đã bị ràng buộc với mối quan hệ đó. “Cam kết này đóng vai trò như một sự hạn chế đối với những hành động tương lai, mối quan hệ càng nhiều sự cam kết sẽ tạo càng nhiều rào cản ngăn cản các nhân tố phá vỡ mối quan hệ” (Salancik, 1977, trang 38). Khi bắt đầu doanh nghiệp mới (ví dụ: doanh nghiệp mới hoặc mối quan hệ trao đổi mới) thường phải có một mức độ thiện chí hợp lý, dẫn đến tạm thời không quan tâm đến các hành động hay kết quả bất lợi. Ngoài ra, theo Salancik (1977), cam kết cũng có thể là kết quả của một quá trình biện minh: Sau khi bắt đầu mối quan hệ mới, một người có thể không muốn thừa nhận rằng họ đã đưa ra một số quyết định không chính xác.
Các mối quan hệ cam kết, cho dù là kết quả của thiện chí, sự ưu tiên về niềm tin tưởng, đầu tư ban đầu hay các ảnh hưởng tâm lý, đều bao hàm một số hành vi diễn ra liên tục theo thời gian. Một nhân tố được cam kết trong mối quan hệ sẽ có ý nghĩa cao hơn trong việc đặt ra những ràng buộc lớn hơn đối với hành vi trong tương lai. Sức ì và các ràng buộc các hành vi trong tương lai có tác dụng giúp mối quan hệ này thoát khỏi các kết quả tiêu cực. Vì vậy, nếu thời kỳ ban đầu, mối quan hệ phải đối mặt với nhiều các kết quả tiêu cực, các cam kết mạnh hơn sẽ kéo dài khoảng thời gian đó và dễ dẫn đến thành công hơn.
Mức độ cao của tài sản ban đầu không đảm bảo rằng mối quan hệ sẽ kéo dài, nhưng nó góp phần quan trọng vào việc kéo dài thời gian hợp tác hơn. Giai đoạn này tạm được gọi là giai đoạn “trăng mật” của quan hệ hợp tác. Tài sản ban đầu như là một lớp đệm giúp cho mối quan hệ hợp tác không gặp phải những rủi ro ban đầu dễ dẫn đến thất bại. Do đó tài sản này càng lớn thì lớp đệm càng dày và rủi ro thất bại càng được giảm bớt.
Coi xác suất kết thúc của một mối quan hệ là một hàm của tài sản ban đầu và thời gian của mối quan hệ. Các mối quan hệ lâu đời có thể bền hơn vì những khó khăn đã được giải quyết hoặc các bên có thể đã thích nghi được với nhau để nâng cao chất lượng của sự hợp tác. Một ví dụ về tiến trình cuối cùng trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp là sự phát triển của tài sản cụ thể qua thời gian. Do đó, tỷ lệ kết thúc hợp tác có thể giảm theo thời gian không chỉ do kết quả của quá trình phân loại, mà còn do sự hiện diện của việc học hỏi và đầu tư có liên quan cụ thể.
Những lý thuyết này hàm ý rằng trong nhiều mối quan hệ khác nhau, xác suất của mối quan hệ kết thúc trong một khoảng thời gian nhất định sẽ tăng theo thời gian của mối quan hệ và sau đó giảm dần theo thời gian. Mô hình sau đây cho thấy các mối quan hệ sẽ thể hiện giai đoạn “trăng mật” và vấn đề trưởng thành.
Quy luật 1: Thời gian t \ t *> 0, tỷ lệ kết thúc của một mối quan hệ hoặc tổ chức tăng từ t = 0 đến t*. Với các tài sản lưu trữ ban đầu, khả năng mối quan hệ bị kết thúc sớm là tương đối thấp. Sau đó, những áp lực khi lựa chọn môi trường của các doanh nghiệp không phù hợp với các mối quan hệ trở nên rõ ràng hơn, tỷ lệ nguy hiểm sẽ tăng lên. Áp lực tuyển chọn loại bỏ các doanh nghiệp không phù hợp ngày càng gay gắt hơn. Hơn nữa, các quy trình thích ứng và sự phát triển của vốn đối ứng cụ thể làm cho mối quan hệ ít rủi ro hơn đối với sự sống còn của doanh nghiệp. Do đó, tỷ lệ nguy hiểm sẽ giảm theo thời gian. Đề cập đến giai đoạn đầu tiên, trong đó tỷ lệ nguy hiểm đang gia tăng theo thời kỳ đầu và xem các mối quan hệ là vấn đề trong quá trình trưởng thành, trái ngược với quan điểm của Stinchcombe (1965) về vấn đề mới hình thành.
Quy luật 2: Trong khoảng thời gian t*, tỷ lệ rủi ro sẽ thay đổi một cách tích cực với tài sản ban đầu của mối quan hệ hoặc doanh nghiệp. Tài sản ban đầu của mối quan hệ hoặc doanh nghiệp càng lớn, thì càng có nhiều cơ hội vượt qua khỏi áp lực lựa chọn ban đầu. Do đó, không chỉ biến động về mức tài sản ban đầu có xu hướng làm giảm mức độ nguy hiểm, mức độ khác nhau của tài sản ban đầu cũng sẽ có ảnh hưởng có tính hệ thống đến bản chất của thời gian phụ thuộc vào mô hình tử vong.
3. Vấn đề về tuổi tác (lâu đời)
Hannan và Freeman (1984) giả thuyết rằng: “một số kiểu thay đổi thường xuyên xảy ra trong các tổ chức, và đôi khi chúng còn có thể là những thay đổi từ ban đầu (trang 149). Nhưng bản chất của quá trình chọn lọc kiểu như vậy chính là các tổ chức với đặc tính ỳ có thể tồn tại lâu hơn (trang 155). Và theo thời gian, các tổ chức sẽ càng trở nên ỳ hơn (trang 157)”.
Aldrich và Auster (1986, trang 168-70) đã đề cập đến vấn đề về tuổi tác (liability of aging) của doanh nghiệp, một quá trình phát sinh từ sự kết hợp giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài; có thể dẫn tới sự giới hạn mạnh mẽ trong khả năng chuyển đổi của doanh nghiệp. Vấn đề này chứng minh khả năng thích nghi giảm sút của các doanh nghiệp có tuổi đời cao khi phải trải qua những thay đổi hoặc chuyển đổi theo thời gian. Trong số những yếu tố bên trong, yếu tố quyền lợi được đảm bảo bất di bất dịch là tăng bền vững theo độ tuổi, do sự phân bố quyền lực đã được thể chế hóa và các doanh nghiệp cũng trở nên đồng nhất nội bộ hơn làm giảm tính nhạy cảm đối với mọi sự thay đổi bên ngoài, dẫn đến, xu hướng của chúng bị thay đổi. Lý do bên ngoài chủ yếu là vì các doanh nghiệp cũ bị gán vào môi trường xung quanh và phát triển những mối quan hệ trao đổi làm giảm quyền tự chủ và khả năng thay đổi của họ.
Singh, Tucker và Meinhard (1988) nhận thấy trong cuộc tranh luận vấn đề về tuổi tác không có sự phân biệt giữa các quá trình thay đổi và hậu quả của chúng đối với tỷ lệ tử vong. Theo đó, Singh, Tucker và Meinhard (1988) đã phát triển một luận đề mang tính cứng nhắc về tuổi tác (rigidity-of- aging thesis) dựa trên tác phẩm văn học, quy định rõ: tỷ lệ thay đổi trong đặc điểm tổ chức sẽ bị giảm xuống theo độ tuổi của các doanh nghiệp. Dù cho tính cứng nhắc này là một vấn đề tồn tại riêng biệt và có thể được giải quyết một cách độc lập. Bên cạnh đó, họ cũng phát triển quan điểm lý thuyết cạnh tranh và luận đề mang tính lưu động về tuổi tác (fluidity-of-aging thesis), quy định rõ: tỷ lệ thay đổi trong đặc điểm tổ chức sẽ tăng lên theo độ tuổi của các doanh nghiệp. Các quan điểm về tính cứng nhắc gắn liền với tuổi tác thường phù hợp với các quan điểm hệ sinh thái về sức ỳ có cấu trúc (structural inertia) (Hannan và Freeman, 1984) và liên quan đến trách nhiệm pháp lý của độ tuổi (Aldrich và Auster, 1986); tính lưu động về tuổi tác lại dựa trên quan điểm của những người ra quyết định có năng lực tư duy hợp lý giới hạn, đang cố gắng thích nghi với môi trường liên tục thay đổi.
Boeker (1989) thấy rằng sự khác biệt giữa chiến lược ban đầu và chiến lược hiện tại đã tăng lên đáng kể theo tuổi, phù hợp với luận đề mang tính lưu động về tuổi tác… Tuy nhiên, theo như một phân tích về sự thay đổi vùng chiến lược trong một nhóm các trung tâm chăm sóc ban ngày, Baum (1989) lại không tìm thấy dẫn chứng cho luận đề mang tính cứng nhắc về tuổi tác. Thay vào đó, đầu tiên, tỷ lệ thay đổi chiến lược đạt mức tối đa trong giai đoạn thanh thiếu niên, sau đó bị giảm xuống; tiếp tục đạt đến đỉnh điểm trong giai đoạn lỗi thời, và lại bị giảm một lần nữa.
Như vậy, mặc dù vẫn tồn tại những mẫu thuẫn trong các nghiên cứu khác nhau. nhưng nhìn chung, việc phân biệt giữa các tính năng cốt lõi và ngoại vi trong vấn đề về tuổi tác rất hữu ích cho quá trình tìm hiểu về mức độ thay đổi trong các doanh nghiệp.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyên, Nguyễn Thị Hồng Nga (2019), Học thuyết doanh nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 134 – 138.
4 Th2 2019
11 Th11 2019
11 Th11 2019
11 Th11 2019
11 Th11 2019
11 Th11 2019