Loại hình doanh nghiệp (organizational forms) trong hệ sinh thái

1. Định nghĩa và phân loại các loại hình doanh nghiệp trong hệ sinh thái

Loại hình doanh nghiệp (organizational forms) thể hiện các đặc điểm mang tính thống nhất cho một quần thể doanh nghiệp (ngành – lĩnh vực kinh doanh). Áp dụng quan điểm sinh thái học dân số, thuyết hệ sinh thái tiếp cận khái niệm loại hình doanh nghiệp trong hệ sinh thái dưới các góc độ sau:

Thứ nhất, quy luật “di truyền học” (organizational genetics) xem xét, một cách trừu tượng, cơ chế di truyền sản sinh ra các loài sinh vật có thể được coi như những bản kế hoạch chi tiết: “cấu trúc của các phân tử DNA chứa một tập hợp các quy trình xây dựng cấu trúc sinh học” (Monod, 1971). Theo đó, có thể định nghĩa các loại hình doanh nghiệp giống như quy trình xây dựng và thực hiện các hoạt động tập thể. Hình ảnh tượng trưng bản kế hoạch đề cập đến các mô hình định tính – một bộ kế hoạch chi tiết với các quy trình riêng lẻ, cho phép những biến đổi về cấu trúc ở những bản kế hoạch tương tự.

Thứ hai, quy luật “phân loại dựa trên di truyền học” (taxonomy based on organizational genetics) nghiên cứu hoạt động phân loại các hình thức tổ chức doanh nghiệp tương tự như phân loại các loài sinh vật trên cơ sở những nét tương đồng giữa các gien cá biệt. Trước tiên, xét về những thói quen phối hợp sản xuất cơ bản trong các doanh nghiệp tương tự như các gien điều tiết trong sinh học. Ngay cả khi năng lực của mỗi cá nhân đều được chuẩn hóa qua các doanh nghiệp, theo từng ngành nghề và nghề nghiệp nhất định, các hoạt động phối hợp vẫn có xu hướng rất cụ thể đối với các loại hình doanh nghiệp cũng như doanh nghiệp riêng biệt (Nelson và Winter, 1982). Chẳng hạn, sẽ rất khó để phân biệt sự khác nhau giữa trường đại học (công lập và tư thục) nếu chỉ ghi lại một cách đơn giản danh sách năng lực của các thành viên.

Tiếp theo, xét về quá trình truyền đạt thông tin trong cấu trúc. Đối với sinh học, hầu như tất cả các cơ cấu quản lý thông tin đều được chuyển từ cha mẹ sang con trong một trường hợp sinh sản duy nhất. Sự di truyền của một cá thể về cơ bản là liên tục và trong suốt cuộc đời trừ những đột biến trong sinh sản tế bào. Đối với doanh nghiệp, tồn tại 2 sự khác biệt quan trọng đó là: (1) sự truyền đạt không phải là duy nhất, (2) thông tin đến từ nguồn khác nhau. Bên cạnh đó, thông tin xây dựng cấu trúc của một doanh nghiệp không bao giờ chấm dứt bởi vì luôn xuất hiện các thành viên đến và đi liên tục trong suốt cuộc đời của nó. Những điều này làm phức tạp thêm triển vọng xây dựng hệ thống phân loại tiến hóa của các doanh nghiệp.

Thứ ba, quy luật “tính hai mặt của thích hợp và loại hình” (duality of niche and form) nghiên cứu các loại hình tổ chức doanh nghiệp dưới dạng các cấu trúc thích hợp (niche) của quần thể (ngành). Một quần thể phù hợp bao gồm sự kết hợp giữa nguồn tài nguyên phong phú và sự ràng buộc có thể phát sinh và tồn tại đối với các thành viên. Tính nhân đôi xuất hiện cơ bản ở đây: sự thích nghi xác định các loại hình và các loại hình xác định sự thích nghi. Cấu trúc thích nghi (niche) có thể được tóm tắt bởi một chức năng thích hợp, đó là một quy tắc liên kết giữa cấp độ điều kiện môi trường với tốc độ tăng trưởng của dân số. Theo đó, có thể sử dụng ước tính thực nghiệm của các chức năng thích hợp để quyết định xem một sự phân biệt được yêu cầu giữa một cặp quần thể tương tự có thể phản ánh một vài sự khác biệt cơ bản về loại hình hay không. Tuy nhiên, các chức năng này lại không thể quan sát trực tiếp và dự toán cũng rất tốn kém; nên nhiều nghiên cứu được yêu cầu chỉ để xác định các loại hình theo cách này.

Thứ tư, quy luật “cấu trúc tương đương” (structural equivalence) (White, 1963; Lorrain và White, 1971), đã trở nên phổ biến trong cấu trúc chính thức và các quy trình hoạt động của mô hình khối (blockmodeling) – tập hợp các mối quan hệ giữa một số quần thể của các tác nhân. DiMaggio (1986) cho rằng các loại hình “phụ thuộc bền vững trên tính logic của cấu trúc tương đương”. “Khả năng của quan điểm sinh thái học dân số, trong một số trường hợp, có thể được nâng cao thông qua định nghĩa hoạt động thích nghi và loại hình được xác định bởi các mô hình quan hệ có thể quan sát thấy giữa các tác nhân” (trang 360). Ý tưởng chính nhằm thu thập số liệu dồn về các nguồn lực giữa các doanh nghiệp và sử dụng quy trình mô hình khối để xác định các doanh nghiệp có cấu trúc tương đương. Các doanh nghiệp như vậy sau đó sẽ được coi như các quần thể với cùng một loại hình doanh nghiệp và chiếm cùng một vị trí phù hợp (niche). Đề xuất này có lợi thế là hướng sự chú ý đến các mô hình phụ thuộc vào môi trường sống bao gồm cả các quần thể doanh nghiệp khác. Nhưng, thực tế, những thay đổi nhỏ trong mối quan hệ của một hệ thống, (có thể từ sự sụp đổ của một trong các doanh nghiệp trước đó) đều có thể dẫn tới quá trình phân cụm số lượng và mang lại các cấu trúc khối tương đối khác nhau. Như vậy, cách tiếp cận này sẽ gặp khó khăn khi thực hiện xác định các cơ sở bền vững trong đặc điểm tổ chức của quần thể.

Thứ năm, quy luật “tập trung biên giới” (focus on boundaries) nhấn mạnh đến nội dung và mối quan hệ theo từng cặp quần thể – giữa các ngành. Theo đó, để tạo sự thống nhất trong phạm vi quần thể (ngầnh), phải xác định rõ những yếu tố liên quan tới động lực học tại các ranh giới trong không gian một quần thể doanh nghiệp (với các quần thể khác). Bước đầu tiên để xác định cấu trúc và động lực học của sự thích nghi là định vị, duy trì các ranh giới trong quá trình phân chia các loại hình doanh nghiệp. Khi xem xét các ranh giới xung quanh các loại hình, những vấn đề chủ yếu được đề cập đều có liên quan đến quá trình tách biệt và quá trình phối hợp. Tính liên tục của mọi doanh nghiệp phụ thuộc vào sức bền tương đối của các quy trình đối nghịch và, trong một số trường hợp, là các điều kiện ban đầu. Nếu quá trình tách biệt chiếm ưu thế, đặc điểm phân biệt giữa các loại hình sẽ cho thấy sự khác nhau thực tế về chất lượng. Nếu quá trình phối hợp chiếm ưu thế, đặc điểm phân biệt giữa các loại hình thức có thể thay đổi tùy ý hơn.

2. Biến động về loại hình doanh nghiệp

Quá trình chọn lọc điều chỉnh doanh nghiệp và loại hình doanh nghiệp trong hệ sinh thái theo luận điểm tiến hóa của Darwin. Theo đó, những thay đổi dài hạn của doanh nghiệp trong hệ sinh thái phản ánh lên kết quả được tích lũy trong sự khác biệt ngắn hạn về thực trạng tỷ lệ giải tán của các quần thể khi phải đối mặt với môi trường nguồn lực hạn hẹp. Chuyển từ sinh thái học dân số sang thuyết tiến hóa của doanh nghiệp cần phải bổ sung thêm một bước để liên kết các mô hình thay đổi dài hạn với các mức biến độ ngắn hạn hoặc thậm chí với các mô hình tiêu biểu hiện tại. Nói cách khác, điều này liên quan đến việc xác định sự kết hợp giữa các quá trình ngắn hạn nhằm tạo ra sự thay đổi về đặc điểm doanh nghiệp trong một thời gian dài.

Thuật ngữ “tiến hóa – evolution” trong ngành sinh vật học được định nghĩa theo 2 cách tiêu biểu sau:

Định nghĩa 1: “[Tiến hóa] không được sử dụng để chỉ ra tất cả các dạng thay đổi. . . Tồn tại sự thay đổi không ngừng trên bề mặt đại dương, nhưng đó lại không phải là quá trình tiến hóa. Sự tiến hóa luôn liên quan đến một số phạm vi tư tưởng đối lập với sự tồn tại. Đó chính là quá trình biến đổi tích luỹ” (Wright, 1968). Như vậy, sự tiến hoá (mang nghĩa hẹp) là sự biến đổi tích luỹ làm nảy sinh những vấn đề đang tồn tại bên trong các ứng dụng doanh nghiệp.

Định nghĩa 2 (mang hàm ý rộng hơn): tiến hóa “có nghĩa là chúng ta quan tâm đến sự thay đổi trạng thái của vũ trụ nào đó theo thời gian. Dù chúng ta có nhìn vào sự tiến hóa của xã hội, ngôn ngữ, giống loài, đặc điểm địa lý hay những vì sao, luôn tồn tại một đại diện chính thức phổ biến chung cho tất cả” (Lewontin, 1974). Trong đó, đại diện chính thức bao gồm các quy luật chuyển đổi từ nhận biết trạng thái trước sang dự đoán trạng thái sau của một hệ thống; đồng thời loại trừ khả năng thay đổi chu kỳ cũng như các chuyển động mang tính ngẫu nhiên trong phạm vi thay đổi của sự tiến hóa.

Từ đây, thuyết tiến hóa cũng được hình thành trong nội dung của học thuyết Đắc-uyn, với ba quan niệm cơ bản. Thứ nhất, những người sáng lập của Modern Synthesis (thuyết tiến hóa Darwin và di truyền học dân số Mendelian) cho rằng những lập luận về thực tế tiến hóa cũng như lời giải thích cho quá trình chọn lọc tự nhiên của Darwin là hết sức thuyết phục. Trong đó, tiến hóa đề cập đến một tập hợp các cơ sở thực nghiệm xung quanh những mô hình lịch sử trong sự thay đổi của thế giới sinh học. Quá trình chọn lọc tự nhiên cung cấp một bộ quy tắc liên kết các phân loại trước và sau đó. Theo quan niệm này, thuyết tiến hóa là học thuyết chuyên sử dụng để giải thích những sự kiện thực nghiệm như vậy.

Thứ hai, tác phẩm của Darwin cũng nói đến tính liên tục của các quá trình cơ bản. Dobzhansky (1951) tóm tắt luận điểm của Darwin thành 3 ý chính, gồm: “(1) Sự sống ngày nay được bắt nguồn từ những sự sống đã từng tồn tại trong quá khứ; (2) các biến đổi gián đoạn được quan sát tại thời điểm hiện tại. . . đang dần phát sinh … (3) tất cả những thay đổi này xuất phát từ các hoạt động đang diễn ra và theo đó, có thể được nghiên cứu thực nghiệm”. Bằng cách này, chương trình sinh học tiến hóa sẽ kết hợp cơ sở thực tế về nguồn gốc và sự thay đổi trong loại hình sinh học với những khẳng định lý thuyết về bản chất của quá trình. Như vậy, quan niệm thứ hai của thuyết tiến hóa chính là một chương trình nghiên cứu có sự kết hợp giữa lời tuyên bố thực sự và tầm nhìn cụ thể về bản chất của sự thay đổi.

Quan niệm thứ ba của thuyết tiến hóa liên quan đến sự thay đổi, phụ thuộc vào mức độ tối đa của tỷ lệ (fitness) theo một số cơ chế truyền dẫn đặc biệt, chẳng hạn như sự kế thừa Mendelian. Fitness là tỷ lệ tạo ra bản sao của sự di truyền qua các thế hệ. Do tính đơn giản của cơ chế truyền dẫn trong sinh vật học, nên tỷ lệ dân số bất kỳ được xác định dưới dạng các kiểu hình đều có thể được định nghĩa như tỷ lệ tử vong ròng = tỷ lệ sinh / tỷ lệ tử.

Theo sinh thái học dân cư, sự xuất hiện tại mọi thời điểm của các loại hình doanh nghiệp mới nhằm đương đầu với những nhu cầu thiết thực đang diễn ra ở môi trường sống. Trong đó, mức độ biến đổi của doanh nghiệp là do “đột biến – mutation” (những ý tưởng mới ngẫu nhiên), “tái kết hợp- recombination” (hòa lẫn và phối chọn các ý tưởng cũ với nhau) và “lai chéo – cross-over” của các loại hình. Trường hợp lai chéo ở các doanh nghiệp xảy ra khi thực hiện đưa ý tưởng từ lĩnh vực này vào một lĩnh vực khác – ví dụ như mô hình tiến hóa về sinh học được áp dụng và mở rộng trong các định nghĩa về doanh nghiệp.

Hiện nay, có một số loại hình doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại và ngày càng phù hợp với môi trường hơn so với những loại hình doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái. Những loại hình này được tạo ra bởi quá trình chọn lọc tự nhiên (đáng tin cậy-reliablecó trách nhiệm-accountable). Nhà sinh thái học dân cư thường đánh giá quá trình chọn lọc tương tự như tỷ lệ tái tạo của một loại hình doanh nghiệp. Đặc biệt, mức độ biến đổi và chọn lọc của doanh nghiệp không nhất thiết phải là tối ưu (ví dụ như đột biến tốt nhất) hay Lamarckian- học thuyết Lamac (những đặc điểm truyền từ các doanh nghiệp tiền thân được phép áp dụng). Như vậy, loại hình doanh nghiệp được chọn sẽ tiếp tục tồn tại và trở nên phổ biến nếu nó thực sự phù hợp (trong số những loại hình có thể hoạt động được) và khởi sắc. Đa số những loại hình doanh nghiệp được lựa chọn, tái tạo và thể chế hóa là tương đối lâu dài (ví dụ: Chính phủ, trường học, nhượng quyền thương mại, v.v.), giống như trong sinh vật học, những loài có tỷ lệ thích nghi và sinh sản cao đều có xu hướng tăng trên toàn thế giới – như vịt Mallard, chim sáo đá xanh, v.v…

Các học giả sinh thái học doanh nghiệp xác định khả năng duy trì bằng cách tập trung vào tỷ lệ thành lập và tử vong của doanh nghiệp. Ví dụ, như ngành bán lẻ ở Hoa Kỳ, trong những năm 1940 và 1950, các cửa hàng như Woolworth đều phổ biến khắp nước Mỹ; nhưng đến những năm 1980, doanh nghiệp này đã phải nhường chỗ cho một doanh nghiệp bán lẻ khác (Walmart). Ngày nay, qua 100 năm biến động, môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục thay đổi, và đưa một nhà bán lẻ mới (Amazon.com) lên nắm giữ thị trường.

Tóm lại, trong mỗi giai đoạn, luôn tồn tại những vị trí phù hợp (niche) cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi số lượng các doanh nghiệp trong hệ sinh thái ngày càng nhiều sẽ dẫn đến sự cạnh tranh lẫn nhau, và thông qua quá trình chọn lọc, doanh nghiệp nào có các điều kiện phù hợp hơn sẽ được giữ lại, tiếp tục phát triển, còn lại một số lượng lớn các doanh nghiệp bị loại bỏ.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyên, Nguyễn Thị Hồng Nga (2019), Học thuyết doanh nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 125 – 130.