“Bản chất doanh nghiệp – The nature of the Firm” – Ronald Coase (1937)

Bài viết tóm tắt ý chính từ nghiên cứu nổi tiếng “Bản chất doanh nghiệp – The nature of the Firm” của Ronald Coase đăng trên tạp chí Economica năm 1937. Thời kỳ này, các nhà kinh tế học thường bỏ qua việc xây dựng cơ sở lý thuyết, dẫn tới những khoảng trống giữa lý thuyết và thực tế trong các nghiên cứu về doanh nghiệp. Trong bài báo này, Coase không chỉ đưa ra định nghĩa rõ ràng về “doanh nghiệp”, mà còn giải thích sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp từ thị trường trao đổi hàng hóa truyền thống trước đó.

I – Hệ thống kinh tế thông thường

Khi nghiên cứu về doanh nghiệp tư bản (the firm), Coase (1937) coi hệ thống kinh tế “được điều phối bởi cơ chế giá cả (price mechanism)” (tr.387) hay nói cách khác là thị trường. Theo các nhà kinh tế thời kỳ này, “hệ thống kinh tế thường tự vận hành. Hoạt động hiện tại của hệ thống này không chịu sự kiểm soát tập trung, và không cần đến các cuộc khảo sát tập trung” (tr.387). “… Cơ chế giá cả quyết định việc phân bổ các yếu tố sản xuất phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau” (tr. 387). “… Hệ thống kinh tế tự vận hành; nhưng không có nghĩa không cần đến sự hoạch định của con người” (tr.387). Hơn nữa, Coase cho rằng “… tồn tại các hoạt động hoạch định trong hệ thống kinh tế, hoạt động này khác với việc lập kế hoạch cá nhân hay các hoạt động tương tự như lập kế hoạch kinh tế thường được biết đến” (tr.388) trước đó.

Bên ngoài doanh nghiệp, biến động giá cả [hay thị trường] điều hướng sản xuất được điều phối bởi một chuỗi các giao dịch trao đổi trên thị trường. Trong nội bộ doanh nghiệp, các giao dịch thị trường này bị loại bỏ; thay vào đó, cấu trúc thị trường phức tạp, với các giao dịch trao đổi, được thay thế bằng các nhà điều phối chủ doanh nghiệp, những người chịu trách nhiệm chỉ đạo hoạt động sản xuất” (tr.388).

II – Tại sao doanh nghiệp hình thành?

Giải thích tại sao doanh nghiệp hình thành trong nền kinh tế trao đổi chuyên biệt, theo Coase, vì “ tồn tại chi phí khi doanh nghiệp sử dụng cơ chế giá cả (cost of using the price mechanism). Chi phí rõ ràng nhất của việc “tổ chức” sản xuất bằng cơ chế giá là chi phí tìm ra mức giá thích hợp. Chi phí này có thể giảm, nhưng không thể loại bỏ, bởi xuất hiện các chuyên gia bán các thông tin liên quan cần thiết. Ngoài ra, chi phí đàm phán và ký kết hợp đồng riêng biệt cho mỗi giao dịch trao đổi diễn ra trên thị trường cũng phải được tính đến” (tr.390-391).

Doanh nghiệp […] là hệ thống các mối quan hệ xuất hiện khi dòng chảy của các nguồn lực phụ thuộc vào một chủ doanh nghiệp” (tr.393). Coase (1937) lập luận rằng “… ký kết các hợp đồng dài hạn, thay vì ngắn hạn, giúp tránh được một số chi phí nhất định khi thực hiện hợp đồng” (tr.391). Vì vậy, “đặc trưng của doanh nghiệp là sự thay thế cơ chế giá cả” (tr.389). Từ đó, ông khẳng định “… doanh nghiệp sẽ hình thành, trong trường hợp này, khi các hợp đồng ngắn hạn không tối ưu nữa” (tr.391).

Tiếp theo, Coase (1937) thảo luận về sự thay đổi quy mô của doanh nghiệp. “Quy mô doanh nghiệp tăng khi các giao dịch bổ sung (có thể là các giao dịch trao đổi được điều phối thông qua cơ chế giá) được chủ doanh nghiệp tổ chức thực hiện; và giảm quy mô khi chủ doanh nghiệp từ bỏ tổ chức thực hiện các giao dịch đó” (tr.394).

Coase tiếp tục đặt câu hỏi: Tại sao mọi hoạt động sản xuất không thể thực hiện bởi chỉ một doanh nghiệp lớn? Và giải thích: “Thứ nhất, khi quy mô doanh nghiệp tăng, lợi nhuận có thể giảm do chi phí tổ chức các giao dịch bổ sung trong doanh nghiệp tăng”. “Thứ hai, khi số lượng các giao dịch gia tăng, chủ doanh nghiệp có thể sẽ không sử dụng được tối ưu các yếu tố sản xuất, nói cách khác các yếu tố sản xuất được sử dụng không mang lại hiệu quả cao nhất” (tr.394-395).

Trên thực tế, có tồn tại các giao dịch mua bán trên thị trường, qua đó các chủ doanh nghiệp có thể so sánh chi phí tổ chức thực hiện một số lượng các giao dịch nhất định trong doanh nghiệp, với chi phí thực hiện (như đi mua, thuê thực hiện) các giao dịch trao đổi kia trên thị trường mở. Sau đó, họ có thể quyết định mở rộng doanh nghiệp hay không. Vì vậy, “một doanh nghiệp có xu hướng mở rộng quy mô khi chi phí tổ chức nội bộ thêm một giao dịch bằng với chi phí thực hiện cùng một giao dịch đó thông qua trao đổi trên thị trường mở hoặc chi phí tổ chức trong một doanh nghiệp khác” (tr.395).

Như vậy, trong trường hợp các yếu tố khác không đổi, một doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô khi:

  1. chi phí tổ chức càng thấp và các chi phí này càng tăng chậm khi các giao dịch được tổ chức thực hiện trong nội bộ doanh nghiệp tăng lên.
  2. khả năng mắc sai lầm của chủ doanh nghiệp càng ít và sự gia tăng sai lầm càng thấp khi các giao dịch được tổ chức thực hiện trong nội bộ doanh nghiệp tăng lên.
  3. giá các yếu tố sản xuất của doanh nghiệp khi sản xuất với quy mô lớn hơn giảm càng mạnh (hoặc tăng càng chậm)” hơn so với các đối thủ cạnh tranh (tr.396-397).

III – Tại sao doanh nghiệp tồn tại?

Giải thích tại sao doanh nghiệp tồn tại trong nền kinh tế trao đổi chuyên biệt, theo Coase (1937): “Lý do tồn tại của doanh nghiệp là phân công lao động […]. Doanh nghiệp là “kết quả của phân công lao động ngày càng trở nên phức tạp hơn … Phân hóa kinh tế gia tăng tạo ra nhu cầu tích hợp các lực lượng sản xuất; nếu không có sự phân hóa này, nền kinh tế sẽ sụp đổ trong hỗn loạn; gia tăng phân hóa kinh tế cũng là lực lượng tích hợp trong một nền kinh tế phân hóa với nhiều ngành công nghiệp khác nhau”” (tr.398).

Tuy nhiên, “điều này dẫn đến hai đặc điểm quan trọng nhất của tổ chức xã hội. Trước hết, hàng hóa được sản xuất cho thị trường trên cơ sở dự đoán nhu cầu hoàn toàn phi cá nhân, không phải để thỏa mãn nhu cầu của chính nhà sản xuất. Nhà sản xuất có trách nhiệm dự báo nhu cầu của người tiêu dùng. Thứ hai, hoạt động dự báo, cùng với phần lớn hoạt động định hướng công nghệ và kiểm soát sản xuất, vẫn chỉ tập trung vào một nhóm số ít các nhà sản xuất; và ở đây tạo nên một chức vị kinh tế mới, đó là chủ doanh nghiệp …” (tr.399-400).

Khi doanh nghiệp thực hiện nhiều giao dịch hơn, các giao dịch sẽ trở nên đa dạng hoặc được tổ chức thực hiện ở nhiều địa điểm khác nhau. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao hiệu quả doanh nghiệp giảm khi quy mô hoạt động tăng. Các ý tưởng mở rộng quy mô thông qua tập hợp các yếu tố sản xuất lại, cùng với giảm khoảng cách phân bố không gian, có xu hướng làm tăng quy mô doanh nghiệp. Một số cải tiến như điện thoại và điện báo làm tăng quy mô doanh nghiệp nhờ giảm bớt chi phí tổ chức về mặt không gian. Mọi thay đổi tập trung cải thiện kỹ thuật quản lý sẽ làm tăng quy mô doanh nghiệp” (tr.398).

IV – Đường cong chi phí của doanh nghiệp

Doanh nghiệp thường được cho là bị giới hạn về quy mô trong điều kiện cạnh tranh hoàn hảo nếu đường cong chi phí của nó hướng lên; trong điều kiện cạnh tranh không hoàn hảo, doanh nghiệp bị giới hạn về quy mô tại điểm doanh nghiệp dừng không trả tiền để sản xuất nhiều hơn sản lượng, mà tại đó chi phí cận biên bằng doanh thu cận biên. Nhưng rõ ràng, doanh nghiệp có thể sản xuất nhiều hơn một sản phẩm; và do đó, không đủ bằng chứng giải thích tại sao đường chi phí hướng lên trong trường hợp cạnh tranh hoàn hảo, hoặc thực tế không phải lúc nào quy mô doanh nghiệp cũng bị giới hạn khi chi phí cận biên, vốn không phải lúc nào cũng thấp hơn doanh thu cận biên trong trường hợp cạnh tranh không hoàn hảo” (tr.401-402).

Để xác định quy mô doanh nghiệp, [Coase (1937)] cho rằng phải căn cứ vào chi phí marketing (tức chi phí sử dụng cơ chế giá), và chi phí tổ chức của các chủ doanh nghiệp, từ đó sẽ có thể xác định mỗi doanh nghiệp nên sản xuất bao nhiêu sản phẩm; và giá thành sản xuất mỗi sản phẩm bằng bao nhiêu” (tr.403).

V – Sự phù hợp của khái niệm doanh nghiệp với thực tế

Cuối cùng, Coase (1937) đặt vấn đề rằng “…các khái niệm doanh nghiệp trước đó liệu có phù hợp với thực tế không” “khi phân tích mối quan hệ pháp lý thường được gọi là quan hệ “chủ tớ” hay quan hệ giữa “người sử dụng lao động và người lao động”“ (tr.403).

Ông khẳng định “… định nghĩa [của mình] về doanh nghiệp có tính thực tế cao […] khi phân tích doanh nghiệp lớn hoạt động hiệu quả như thế nào theo nguyên tắc cận biên” (tr.404). “Quản lý phù hợp chỉ đơn thuần là phản ứng với những thay đổi giá cả, sắp xếp lại các yếu tố sản xuất trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp” (tr.405).

Kết lại, bài báo này của Coase (1937) là nền tảng lý luận cho các hướng nghiên cứu về chi phí giao dịch (transaction cost) và quyền sở hữu (property rights) – hai nội dung lý luận quan trọng của kinh tế học doanh nghiệp hiện đại phát triển rực rỡ sau này. Nghiên cứu đã có tác động lớn đến lĩnh vực kinh tế vi mô, đặc biệt về sự hình thành và phát triển của các học thuyết doanh nghiệp sau này.

Với bài báo này, năm 1991, Coase đã được trao Giải thưởng Nobel Kinh tế. Tính đến tháng 3 năm 2019, bài báo này đã được trích dẫn hơn 40.000 lần theo Google Scholar, và tiếp tục truyền cảm hứng cho các lĩnh vực nghiên cứu mới, ví dụ gần đây sang lĩnh vực blockchains.

 

Nguồn: Coase Ronald (1937), “The Nature of the Firm”, Economica, New Series, Vol. 4, No. 16, pp. 386-405. doi.org/10.1111/j.1468-0335.1937.tb00002.x