Bên cạnh khả năng nhận thức bị giới hạn của các cá nhân, chủ nghĩa cơ hội (opportunism) của các tác nhân tham gia cũng có ảnh hưởng đến giao dich và chi phí. Williamson (1985) định nghĩa chủ nghĩa cơ hội là sự “theo đuổi lợi ích cá nhân có lừa dối” (self-interest seeking with guile) (trang 47). “Chủ nghĩa cơ hội là sự thiếu công bình hay trung thực trong giao dịch, bao gồm cả theo đuổi lợi ích cá nhân có lừa dối” (Williamson, 1975, trang 9). “Một cách khái quát, chủ nghĩa cơ hội là sự tiết lộ thông tin không đầy đủ hay đã bị bóp méo, đặc biệt trong nỗ lực tính toán nhằm lừa dối, xuyên tạc, ngụy biện, gây xáo trộn hoặc nhầm lẫn” (Williamson, 1985, trang 47).
Tính cơ hội là một phần bản chất của con người và là cách ứng xử mang tính chiến lược của đối tương tham gia giao dịch nhằm tìm kiếm lợi ích cá nhân, thậm chí làm hại đối phương tham gia hợp động bằng mưu mô, lừa đảo, gian lận… Williamson (1975, 1985) phân biệt hai loại chủ nghĩa cơ hội liên quan đến lựa chọn bất lợi (adverse selection) và suy giảm đạo đức (moral hazard).
- Chủ nghĩa cơ hội tiền giao dịch (ex ante opportunism) xảy ra khi có gian lận trước khi ký hợp đồng, thường do sự mất cân bằng hay che dấu thông tin (information asymmetry) (người này có thông tin nhưng người khác lại không có) do tính chất tài sản con người (ví dụ người bán cung cấp thông tin sai lệch). Chủ nghĩa cơ hội này gắn liền với vấn đề lựa chọn bất lợi (adverse selection), bối cảnh mà rất khó có thể đánh giá được các đặc điểm chính xác của sản phẩm và dịch vụ trong hợp đồng. Ví du, trong quá trình thương lượng hợp đồng lao động, các ứng viên sẽ hiểu rõ hơn nhà tuyển dụng về năng lực làm việc thực tế của mình.
- Chủ nghĩa cơ hội hậu giao dịch (ex post opportunism) xảy ra khi có gian lận trong quá trình thực hiện hợp đồng, hoặc đến lúc kết thúc hợp đồng. Chủ nghĩa cơ hội này gắn với tính không hoàn chỉnh của các hợp đồng, khả năng tư duy giới hạn và đặc thù của tài sản. Chủ nghĩa cơ hội này liên quan đến vấn đề suy giảm đạo đức (moral hazard), bối cảnh trong đó người đại diện lợi dụng thực tế mất rất nhiều chi phí để kiểm soát hành vi của anh ta, mà không tôn trọng những cam kết hợp đồng đã ký. Nếu không thể đo lường được đóng góp của từng cá nhân, mỗi người họ thường sẽ tự gán cho mình phần đóng góp lớn nhất có thể.
Tuy nhiên, không phải tất cả những ai tham gia giao dịch cũng đều theo chủ nghĩa cơ hội, nhưng bất kỳ ai cũng có thể như vậy, vì bản chất mỗi cá nhân đều tìm kiếm lợi ích cho riêng mình. Chủ nghĩa cơ hội gây ra sự nghi ngờ và không chắc chắn về cách hành xử. Chúng ta không thể biết trước người khác hành xử như thế nào. Giao dịch được thực hiện trong thời gian dài sẽ khiến quá trình triển khai hợp đồng đối diện với nguy cơ cao về chủ nghĩa cơ hội. Nếu các giao dịch được kết thúc một cách nhanh chóng thì chủ nghĩa cơ hội sẽ ít có cơ hội phát sinh.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 367-368.
14 Th11 2019
13 Th5 2021
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019