Đặc điểm của giao dịch: tính đặc thù của tài sản (asset specificity) và tần suất giao dịch (frequency)

Giao dịch khác với trao đổi khi không mang tính tức thời hay chớp nhoáng. Mỗi giao dịch bất kỳ có hai đặc điểm cơ bản: đặc thù của tài sản giao dịch và tần suất giao dịch. Giao dịch gồm ba giai đoạn: thỏa thuận ban đầu, hợp đồng trao đổi và chấm dứt hợp đồng sau khi trao đổi đã diễn ra. Thời gian và tính quan trọng của ba giai đoạn này tùy thuộc vào đối tượng được trao đổi.

Williamson (1985) định nghĩa “một giao dịch diễn ra khi một tài sản hoặc một dịch vụ được chuyển giao thông qua một giao diện công nghệ có thể phân tách. Một bước hoạt động kết thúc kết thúc và một bước khác bắt đầu” (trang 1). Trong trường hợp này, quan hệ hợp đồng mua-bán giữa hai thực thể độc lập về mặt pháp lý được hiểu giống với quan hệ chuyển giao đơn giản và không tạo ra trao đổi tiền tệ nào giữa hai phân xưởng của cùng một nhà máy. Hoạt động chuyển giao giữa các thực thể sinh lợi là đối tượng của hợp đồng. Một cách khái quát, khái niệm giao dịch trong phương pháp tiếp cận của Williamson được tóm gọn trong phạm vi hợp đồng.

Cùng phần tích các đặc điểm cơ bản của bất kỳ giao dịch nào, như sau:

1. Đặc thù của tài sản giao dịch

Bản chất của tài sản trong giao dịch có ảnh hưởng quan trọng đến hình thức giao dịch. Williamson (1985) định nghĩa đặc thù của một tài sản (Asset specificity) tồn tại trong trường hợp “… các tài sản chuyên dụng không thể tái triển khai mà không mất đi giá trị sản xuất trong trường hợp ngừng hoặc kết thúc sớm các hợp đồng” (trang 54). Thực vậy, khái niệm tài sản chuyên dụng liên quan đến khái niệm tài sản có thể tái triển khai và “… trong bối cảnh liên tục” (trang 54). Khả năng tái triển khai một tài sản kéo theo các chi phí và đặc biệt chi phí cơ hội. Các tài sản chuyên dụng tạo ra các chi phí không thể thu hồi, cụ thể là các chi phí cố định mà một doanh nghiệp không thể thu hồi được. Các chi phí này gắn liền với tính chất đặc biệt của tài sản, và tính chất này cản trở việc tái sử dụng các tài sản này vào mục đích khác với mục đích ban đầu mà các chi phí này được đầu tư.

Đặc thù của tài sản liên quan đến đầu tư bền vững được thực hiện nhờ vào các giao dịch riêng. Do đó, đặc điểm và thông tin về đối tác tham gia giao dịch rất quan trọng. Tính liên tục của mối quan hệ cũng được đề cao. Vấn đề đảm bảo hợp đồng và các tổ chức kinh tế là nhất thiết khi giao dịch gắn với các tài sản có mức chuyên dụng cao. Quá trình sử dụng các tài sản này trong quá khứ và kinh nghiệm đã thu được sẽ giới hạn khả năng tài sản đó được tái sử dụng mới. Đặc thù của tài sản dẫn đến sức ì và bền vững trong các mối quan hệ liên quan. Các tài sản chuyên dụng sẽ khó có thể chuyển nhượng và cần đến các phương thức giao dịch thích hợp để đạt được hiệu quả tối đa.

Williamson (1985) phân biệt bốn loại tài sản chuyên dụng như sau:

  • Tài sản chuyên dụng địa điểm (site specificity): địa điểm tạo nên tính chuyên dụng của tài sản khi địa điểm đó không thể hay mất rất nhiều chi phí để tái xây dựng lại. Ví dụ, lò thép đặt gần các mỏ than, hay địa điểm của siêu thị nằm tại trung tâm và mặt đường chính là các tài sản chuyên dụng của doanh nghiệp.
  • Tài sản mục đích chuyên dụng (dedicated assets): là các khoản đầu tư theo yêu cầu của một khách hàng duy nhất; ví dụ mở rộng một nhà máy do nhu cầu bổ sung của một khách hàng là một tài sản chuyên dụng. Khoản đầu tư này sẽ khó có thể thực hiện lại theo một cách khác, hay khó có thể hoặc sẽ tốn nhiều chi phí để có thể sử dụng vào các mục đích khác.
  • Tài sản vật chất chuyên dụng (physical asset specificity): xuất hiện, ví dụ, trong trường hợp phát triển máy móc chuyên làm ra một chi tiết đặc biệt cho một khách hàng. Điểm khác nhau của tài sản này so với tài sản mục đích chuyên dụng là nó gắn với các tính chất đặc thù của sản phẩm, tuy không phụ thuộc vào một yêu cầu riêng, nhưng cần những kiến thức cụ thể để thực hiện.
  • Tài sản con người chuyên dụng (human asset specificity) gắn với kết quả học hỏi của người đại diện. Họ sẽ trở thành chuyên gia thực hiện một nhiệm vụ, và sẽ không dễ để sử dụng tài sản con người chuyên dụng này vào việc khác trong chính cùng tổ chức, chưa kể ở tổ chức khác. Một công nhân mỏ là một tài sản chuyên dụng khi người này đặc biệt thông thạo với công việc ở các mỏ than; nhưng sẽ rất khó, hoặc không thể không mất phí đào tạo lại, nếu để người này có thể thực hiện một nhiệm vụ khác trong doanh nghiệp hay ở một tổ chức khác.

2. Tần suất giao dịch

Tần suất giao dịch (frequency) cũng có vai trò rất quan trọng trong việc xác định cấu trúc quản lý giao dịch. Thực vậy, số lượng giao dịch sẽ dẫn đến các chi phí lặp lại. Nếu các tài sản có tính chuyên dụng, nhiều giao dịch sẽ trở nên rất đắt. Vì vậy cần tập trung quản lý chúng trong một tổ chức để tiết kiệm chi phí giao dịch, nói cách khác nên tự đầu tư xây dựng và khai thác chúng.

Mặt khác, nếu số lượng giao dịch với các tài sản có tính chuyên dụng ít, đồng nghĩa số đối tượng có thể tham gia giao dịch cũng không nhiều. Khi đó, chủ nghĩa cơ hội càng có cơ hội bộc phát và gia tăng tính không chắc chắn của giao dịch.

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 353-372.