1. Chi phí giao dịch và sự tồn vong của doanh nghiệp
Coase (1937) đề xuất khái niệm về chi phí giao dịch bằng cách so sánh chi phí của thị trường và chi phí của doanh nghiệp. Trong một nền kinh tế trao đổi thông qua thị trường, hoạt động sản xuất và trao đổi được tổ chức và phối hợp theo hệ thống giá thị trường. Các cá nhân cần phải bỏ ra nhiều chi phí để nghiên cứu về các điều kiện của cuộc trao đổi mình muốn thực hiện và để tìm được đối tác mong muốn. Việc nghiên cứu này dẫn đến các chi phí thương lượng hợp đồng (trao đổi) riêng biệt cho mỗi giao dịch/trao đổi. Chi phí sản xuất ở đây nằm ngoài chi phí giao dịch.
Trước tình hình chi phí trao đổi/giao dịch tốn kém, doanh nghiệp (nội bộ hóa việc sản xuất và các giao dịch vào trong một tổ chức gọi là doanh nghiệp) đem lại lợi ích đáng kể cho các cá nhân. Doanh nghiệp giúp tiết kiệm chi phí sản xuất (bằng lợi ích kinh tế theo quy mô) và chi phí giao dịch. Lợi ích về chi phí giao dịch được thể hiện rõ qua việc tiết kiệm được chi phí nghiên cứu thông tin liên quan đến giá cả và chi phí thương lượng và kí kết hợp đồng. Lợi ích về chi phí đặc biệt đáng kể trong trường hợp hoạt động sản xuất cần đến một chuỗi các hoạt động, thao tác.
Lấy một ví dụ đơn giản là việc chế tạo một sản phẩm có ba bộ phận tách rời. Nếu mỗi bộ phận được chế tạo riêng lẻ bởi ba người khác nhau, để sản phẩm này được hoàn thành, ba người này phải nhất trí hợp tác trên thị trường. Điều này sẽ dẫn đến (1) quá trình nghiên cứu mất thời gian và tốn kém của mỗi người về giá của mỗi bộ phận mà họ thực hiện và (2) các chi phí không thể bỏ qua để thương lượng và kí kết ba hợp đồng khác nhau giữa ba người. Nhưng nếu một người đứng ra làm chủ bằng cách thành lập một doanh nghiệp, thực hiện thương lượng và kí kết trực tiếp hai hợp đồng với hai người kia thì ngay lập tức, doanh nghiệp có thể giúp đạt được một hợp đồng với tất cả chi phí sinh ra giữa hai người này so với cơ chế trước của thị trường. Chúng ta hãy tưởng tượng nếu số bộ phận tạo thành sản phẩm lớn hơn 3, chẳng hạn là 5: theo cơ chế thị trương, cần phải có 9 hợp đồng độc lập, nhưng thông qua doanh nghiệp, hoặc chỉ cần một người đứng ra làm chủ thì chỉ cần 4 hợp đồng trực tiếp với người này.
Hình 1: So sánh quan hệ giao dịch trên thị trường và với doanh nghiệp
Coase (1937) định nghĩa doanh nghiệp như một mối quan hệ quyền lực: “… một hệ thống các mối quan hệ được hình thành khi các nguồn lực được quản lý phụ thuộc vào một người chủ”. Doanh nghiệp thực hiện ký kết các hợp đồng bất đối xứng, theo đó người lao động chấp nhận tuân theo ý muốn của người sử dụng lao động. “Hợp đồng [lao động] là một hợp đồng mà theo hợp đồng này, người lao động tuân theo chỉ thị của chủ doanh nghiệp trong phạm vi giới hạn nhất định để được trả một khoản thù lao nhất định và khoản thù lao này có thể cố định hoặc thay đổi”. Mối quan hệ này đối lập với các mối quan hệ trên thị trường vì các chủ thể được xem như đối xứng với nhau trên thị trường và không có mối quan hệ quyền lực hay lệ thuộc.
Bản chất của doanh nghiệp tư bản dựa trên sự tồn tại của mối quan hệ lệ thuộc này. Quan hệ tiền lương là đặc thù trong tổ chức tư bản sản xuất: nó bao hàm quan hệ quyền lực, với quyền lực do người lãnh đạo trực tiếp đảm nhận hoặc những người đại diện cho người này (người được ủy quyền). Lao động được xem là sự chuyển nhượng tạm thời lực lượng lao động cho người sử dụng lao động. Người này có quyền sử dụng lực lượng lao động theo ý mình và tuân theo các điều khoản hợp đồng và quy định của pháp luật hiện hành.
Trên cơ sở làm rõ bản chất của doanh nghiệp, Coase (1937) tiếp tục tìm câu trả lời “…tại sao doanh nghiệp hình thành trong nền kinh tế thuần trao đổi” (trang 390), vì sao các cá nhân muốn hợp thành tổ chức, doanh nghiệp hay các thực thể kinh doanh khác thay vì trao đổi buôn bán và thỏa thuận qua hợp đồng và thị trường. Nếu hoạt động sản xuất và kinh doanh có thể thực hiện được mà không cần đến tổ chức, vậy tại sao và với điều kiện gì con người lại muốn thành lập doanh nghiệp.
Để giải thích, Coase (1937) đưa ra một khái niệm, là nền tảng của khoa học tổ chức sau này, khái niệm về “hiệu quả tổ chức” (organizational efficiency). Một tổ chức kinh tế được xem là hiệu quả khi giảm thiểu được “chi phí vận hành của hệ thống kinh tế” (costs of running the economic system) (Arrow, 1969, trang 48), bao gồm không chỉ chi phí sử dụng cơ chế thị trường mà cả chi phí sử dụng, duy trì, thay đổi … các thể chế hay tổ chức. Các chi phí vận hành này được gọi là chi phí giao dịch. Như vậy, đơn vị phân tích ở đây là các giao dịch, thường gắn liền với hợp đồng vốn mang bản chất của một loại hình tổ chức cụ thể nào đó.
Chi phí giao dịch, theo Coase (1937), gồm 3 loại:
- Chi phí xác định giá hợp lý: “Chi phí tổ chức sản xuất rõ ràng nhất có thể thấy theo cơ chế giá là chi phí xác định giá phù hợp”. Chi phí này không được Coase xác định rõ và chắc chắn một điều rằng cơ chế xác định giá sẽ rất tốn kém. Ví dụ: để vận hành một thị trường chứng khoán bao gồm các trụ sở và một mạng lưới thông tin với chi phí được phản ảnh trong mỗi giao dịch thực hiện trên thị trường; việc ước tính được các chi phí xác định giá này là có thể thực hiện được nhưng cũng như đối với các thị trường khác, việc xác định các thành phần của chi phí giao dịch này cực kì phức tạp. Ngoài ra, nhận thức về thị trường chưa được phát triển nên không có được các chỉ dẫn cụ thể về các chi phí này.
- Chi phí thương lượng và kí kết một hợp đồng: Mỗi giao dịch trên thị trường tạo thành một hợp đồng riêng biệt. Doanh nghiệp cũng ký kết hợp đồng nhưng số lượng hợp đồng ít hơn. “Một người tham gia sản xuất không phải kí kết hàng loạt hợp đồng với những người khác mà người này có hợp tác làm việc trong doanh nghiệp, điều này là cần thiết khi việc hợp tác này là kết quả trực tiếp của hoạt động cơ chế giá. Hàng loạt hợp đồng này sẽ được thay thế bằng một hợp đồng duy nhất”.
Williamson (1985) phân loại chi phí giao dịch cụ thể hơn, gồm: chi phí tiền giao dịch (ex ante costs) và chi phí hậu giao dịch (ex post costs). “Chi phí tiền giao dịch gồm chi phí soạn thảo, đàm phán và đảm bảo hợp đồng” (trang 20). Chi phí hậu giao dịch “… gồm (1) chi phí vì không phù hợp do giao dịch biến động vượt ngoài những thỏa thuận trong quan hệ hợp đồng, (2) chí phí trả giá từ những nỗ lực của đôi bên nhằm chỉnh sửa những sai lệch sau khi đã thống nhất hợp đồng, (3) chi phí thiết lập và vận hành gắn liền với cấu trúc quản trị (thường không được đàm phán) luôn phải xử lý, và (4) chi phí bảo lưu chắc chắn thực hiện các cam kết” (trang 21).
Chi phí tiền giao dịch và chi phí hậu giao dịch có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và cần phân tích trong tổng thể toàn diện, không nên xem xét từng phần. Định lượng chi phí giao dịch là công việc hết sức phức tạp. Các nghiên cứu thực nghiệm về chi phí giao dịch thường không định lượng chúng, mà tập trung tìm hiểu cấu trúc tổ chức quan hệ (thực hiện theo hợp đồng, cấu trúc quản lý) có phù hợp hay không với các thuộc tính của chi phí giao dịch (Williamson, 1985). Mục tiêu hướng đến là tìm ra một cấu trúc quản lý giao dịch tối ưu có thể làm giảm đồng thời chi phí giao dịch và chi phí sản xuất.
2. Quy mô doanh nghiệp
Theo Coase (1937), quy mô của doanh nghiệp bị giới hạn bởi số lượng giao dịch có thể thực hiện một cách hiệu quả. “Doanh nghiệp trở nên lớn hơn đồng nghĩa rằng các giao dịch bổ sung […] được chủ doanh nghiệp thực hiện và trở nên nhỏ hơn đồng nghĩa anh ta bỏ không thực hiện một số giao dịch nữa” (trang 393). Và, có những giao dịch lại được thực hiện tối ưu nhất bởi cơ chế thị trường. Vì vậy, “… nếu mở doanh nghiệp có thể loại bỏ được các chi phí và giảm được chi phí sản xuất, liệu có còn giao dịch nào nữa trên thị trường nữa không? Tại sao không phải tất cả mọi hoạt động sản xuất đều được thực hiện bởi một doanh nghiệp lớn?” (trang 394). Coase (1937) đưa ra ba giải thích cho vấn đề này.
“Thứ nhất, khi quy mô doanh nghiệp lớn hơn, lợi nhuận của chủ doanh nghiệp có thể sẽ giảm xuống và chi phí giao dịch bổ sung trong doanh nghiệp có thể sẽ tăng lên. Và lẽ dĩ nhiên đến một điểm nào đó chi phí giao dịch bổ sung trong phạm vi doanh nghiệp sẽ bằng với chi phí thực hiện giao dịch này trên thị trường hoặc do một chủ doanh nghiệp khác tổ chức.
Thứ hai, có thể là khi các giao dịch tăng lên, chủ doanh nghiệp không biết cách sử dụng hiệu quả các yếu tố sản xuất. Một lần nữa, doanh nghiệp sẽ tiến đến điểm mà tại đó, tổn thất do lãng phí nguồn lực bằng với chi phí tiếp thị của giao dịch trao đổi trên thị trường hoặc bằng với tổn thất nếu giao dịch do một chủ doanh nghiệp khác tổ chức.
Cuối cùng, giá cung cấp một hoặc hơn một yếu tố sản xuất có thể tăng vì “các lợi ích khác” (“other advantages”) của một doanh nghiệp nhỏ lớn hơn của một doanh nghiệp lớn. Điểm mà tại đó doanh nghiệp dừng phát triển có thể được xác định khi kết hợp các yếu tố nêu trên. Hai lý do đầu tiên được đưa ra ở trên có lẽ tương ứng với cụm từ sau của các nhà kinh tế: “giảm lợi nhuận của người quản lý” (Coase, 1937, p.394-395).
Hình 2: Quan hệ giữa quy mô và chi phí giao dịch của doanh nghiệp
Coase (1937) kết luận: “nếu mọi yếu tố khác như nhau, doanh nghiệp sẽ có xu hướng lớn dần khi:
- chi phí tổ chức giảm và các chi phí này, gắn với số lượng giao dịch thực hiện tăng thêm, tăng chậm hơn;
- chủ doanh nghiệp ít có khả năng mắc sai lầm và những sai lầm này, gắn với số lượng giao dịch thực hiện tăng thêm, tăng ít hơn;
- giá cung các yếu tố sản xuất giảm (hoặc tăng chậm) so với quy mô lớn hơn của doanh nghiệp” (trang 396 – 397).
Tuy nhiên hoạt động quản lý của doanh nghiệp tạo ra chi phí tỷ lệ thuận với số lượng giao dịch mà doanh nghiệp triển khai. Do đó, Coase (1990) tái khẳng định “nguyên tắc chủ nghĩa cận biên – Principle of marginalism”: “giới hạn về quy mô doanh nghiệp được xác định khi phạm vi các nghiệp vụ của nó mở rộng đạt đến ngưỡng tại đó chi phí tổ chức các giao dịch bổ sung vào doanh nghiệp vượt quá chi phí thực hiện cũng các giao dịch này thông qua thị trường hay tại một doanh nghiệp khác” (trang 19). Khi đó, quy mô doanh nghiệp đã đạt mức tối đa. Nếu quy mô tiếp tục tăng, chi phí giao dịch của doanh nghiệp sẽ tăng và cao hơn so với chi phí trao đổi hay mua từ thị trường để thực hiện các giao dịch phụ trội, khi đó doanh nghiệp sẽ hoạt động không hiệu quả hay lỗ (so với thị trường hay đi mua từ thị trường).
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 353-358.
13 Th5 2021
4 Th2 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019