Khả năng tư duy giới hạn (bounded rationality) của các tác nhân kinh tế

Tiếp cận khoa học quản trị và kinh tế theo quan điểm tâm lý học, Simon (1961) phát triển khái niệm tư duy giới hạn (bounded rationality), theo đó: “con người có khả năng tư duy, nhưng chỉ mang tính giới hạn (trang xxiv). “Giới hạn” ở đây không phải cá nhân có hành động phi lý, mà là cá nhân không có tất cả các điều kiện và nguồn lực cần thiết để thực hiện lựa chọn của mình một cách hợp lý hoàn hảo. Cụ thể, khả năng tư duy bị giới hạn về (a) trí tuệ trong thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý thông tin, tính toán, dự báo vì trí thông minh hạn chế và các phương tiện không đáp ứng được nhu cầu công việc và về (b) các rào cản ngôn ngữ khi không thể diễn tả hết được kiến thức và cảm tính của mình thành lời, thành các con số định lượng hay hình vẽ biểu đồ để người khác có thể hiểu được (Williamson, 1975, p.21). Do đó, cá nhân buộc phải suy nghĩ hướng đến các giải pháp mà họ thấy “có lý” hoặc “thỏa đáng”, mà có thể không phải tốt nhất.

Theo quan điểm khả năng tư duy giới hạn, hay đúng hơn là khả năng tư duy thủ tục (procedural rationality) trong quá trình ra quyết định, các tác nhân kinh tế tham gia giao dịch có khả năng nhận thức bị giới hạn và điều này ngăn cản họ tính toán hay dự kiến trước toàn bộ các trạng thái, tình huống có thể xảy ra để có thể lựa chọn giải pháp tốt nhất. “Hành vi thể hiện tư duy thủ tục khi nó là kết quả của quá trình thảo luận một cách phù hợp” (Simon, 1976, trang 67); nó phụ thuộc vào quá trình chọn một giải pháp nào đó hay cách để đạt lựa chọn đó (hơn là lựa chọn so sánh giữa các giải pháp).

Ngoài những giới hạn về khả năng nhận thức, việc xử lý toàn bộ thông tin có liên quan để đưa ra quyết định là không thể thực hiện được; cụ thể bởi 3 nhóm nguyên nhân sau:

  • Chi phí xử lý thông tin và việc tính toán phức tạp ảnh hưởng đến việc xác định quyết định tốt nhất;
  • Chi phí thu thập thông tin;
  • Tính không chắc chắn vốn có của hoạt động kinh tế, mà trong đó quyết định của mỗi người phụ thuộc vào quyết định của những người khác.

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 366-367.