1. Bàn tay vô hình và kết quả không mong đợi
Hậu quả do bàn tay vô hình gây ra được định nghĩa là tổng thể các kết quả không mong muốn với các đặc trưng nêu trên. Rothschild (2001) cho rằng từ “vô hình (invisible)” trong thuyết bàn tay vô hình và kết quả không mong đợi hàm ý “sự mù quáng” (blindness). Đồng thời, tác giả cho rằng Smith “nhìn nhận con người như những thẩm phán giỏi nhất về lợi ích của họ [. . .] Nhưng chủ thể của lời giải thích về bàn tay vô hình lại không thể nhìn thấy bàn tay mà họ được dẫn dắt” (Rothschild, 2001, trang 123).
Rothschild (2001) định nghĩa khái niệm “mù quáng” dưới 2 góc độ. Thứ nhất, khi xem xét nội dung quy định mà bỏ qua lợi ích cho bản thân hay người khác, khiến các nhà quản lý không thể nhìn nhận, đánh giá công sức của cá nhân đó. Smith (1789) giải thích rằng: “Trong các loại hình ngành công nghiệp nội địa, khi tư bản vốn có thể sử dụng, và từ đó sản xuất ra các giá trị lớn nhất, thì mỗi cá nhân, tùy vào hoàn cảnh của mình, rõ ràng có khả năng đánh giá lợi ích bản thân tốt hơn so với bất kỳ chính khách hay nhà lập pháp nào”(trang IV.2.10). Thứ hai, “sự mù quáng” áp dụng cho những cá nhân không có ý định gây ra hậu quả xã hội. Mỗi cá nhân bất kỳ không thể biết trước quyết định của những cá nhân khác, cũng như một số yếu tố bên ngoài có thể làm ảnh hưởng đến kết quả hành động của mình. Điều này vô tình đã gây ra hậu quả cho xã hội ngoài chủ định của cá nhân.
Tất cả các cá nhân trong xã hội; bao gồm các thương gia, các nhà lập pháp, thợ may, thợ đóng giày….đều có thể “mù quáng”. Các cá nhân không nhận thức trước được các hậu quả xã hội từ hành động của mình, và sẽ chỉ nhận ra khi lợi ích bản thân bị xâm hại. Vì vậy, trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, “cá nhân là những thẩm phán giỏi nhất đối với vấn đề của họ, tuy nhiên họ lại không thể đánh giá mức độ tác động đối với phần còn lại của xã hội (đây là “sự mù quáng” đối với lợi ích của người khác); do đó họ không nên cố gắng tạo ra những hậu quả xã hội” (Smith, 1789). Xã hội sẽ tốt hơn khi mỗi cá nhân hướng đến tạo ra hậu quả ở cấp độ cá nhân (ít nhất là đối với trường hợp mà ông sử dụng bàn tay vô hình); và xã hội sẽ có kết quả có lợi khi mỗi cá nhân hành động theo cách này.
Thuyết Bàn tay vô hình là một lý thuyết quan trọng trong kinh tế học, đòi hỏi có sự hiểu biết chính xác về khái niệm, đặc điểm, bản chất của những kết quả không mong đợi. Adam Smith (1976) nhấn mạnh rằng: “Các cá nhân có xu hướng ưu tiên hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước hơn nước ngoài, xuất phát từ mong muốn của họ bảo đảm an toàn cho bản thân; và định hướng ngành công nghiệp vận hành theo cách có thể sản xuất ra giá trị lớn nhất, cá nhân chỉ hướng đến lợi ích của mình; và khi đó, cũng như trong các trường hợp khác, cá nhân bị dẫn dắt bởi bàn tay vô hình phấn đầu vì một mục đích ngoài mong đợi của họ… Thông qua theo đuổi lợi ích riêng của mình, các cá nhân sẽ mang lại hiệu quả cho xã hội nhiều hơn là khi họ có ý định theo đuổi hiệu quả xã hội đó”(Smith, 1789: IV.2.9). Một cách khái quát, bàn tay vô hình chỉ ra mối quan hệ giữa quá trình theo đuổi lợi ích của mỗi cá nhân (tức là sự mong đợi của họ đều hướng tới cấp độ cá nhân) và các kết quả quả không mong đợi ở cấp độ xã hội. Theo đó, quá trình theo đuổi lợi ích của mỗi cá nhân tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và mang lại lợi ích cho xã hội.
2. Các quan điểm giải thích về bàn tay vô hình
Hiện có hai quan điểm giải thích bàn tay vô hình. Thứ nhất, theo quan điểm cơ bản (Invisible-hand explanations), sự tương tác giữa các cá nhân đang theo đuổi tư lợi tạo ra “bàn tay vô hình”, dẫn đến các hậu quả xã hội không mong đợi; từ đó, cho phép giải thích các quá trình gây ra các hiện tượng trong xã hội. Áp dụng định nghĩa về các hậu quả xã hội không mong đợi, thuyết bàn tay vô hình chỉ ra một số đặc trưng cơ bản của “kết quả xã hội không mong đợi”, cụ thể:
- Giải thích những biến động kinh tế trên thế giới;
- Giải thích cơ chế liên kết giữa các cá nhân trong các mối quan hệ với xã hội;
- Giải thích các hành xử của cá nhân và doanh nghiệp theo các điều kiện đã được quy định;
- Giải thích các hiện tượng, quy luật tự nhiên.
Thứ hai, theo quan điểm hiện đại (modern conceptions), lại có hai cách giải thích khác nhau về bàn tay vô hình. Quan điểm (i) kết quả cuối cùng (end-state interpretation) cho rằng học thuyết “bàn tay vô hình” của Smith (1976) là nền tảng thúc đẩy quá trình phát triển tiến bộ của nền kinh tế, điển hình là sự phát triển của thuyết “kinh tế học phúc lợi (theorems of welfare economics)” (Stiglitz, 1991). Cụ thể, các hoạt động của cá nhân có thể dẫn đến một kết quả có lợi cho xã hội; và tồn tại một trạng thái cân bằng hay tối ưu Pareto trong xã hội về vấn đề liên quan. Ví dụ, khi xuất hiện sự phân phối thu nhập (distribution of income), một sự cân bằng cạnh tranh hoàn hảo trong dài hạn (a long-run perfectly competitive equilibrium) sẽ mang lại sự phân bổ nguồn lực tối ưu (an optimum allocation of resources), và mọi sự phân bổ nguồn lực tối ưu đều là sự cân bằng cạnh tranh hoàn hảo trong dài hạn (Blaug, 1997). Nhưng hạn chế của thuyết “bàn tay vô hình” lại chính vì thiếu bằng chứng thực nghiệm về trạng thái cân bằng tối ưu (Pareto-optimum equilibrium proves), khi không đề cập đến những vấn đề như tăng trưởng lợi nhuận, các yếu tố bên ngoài, cạnh tranh không hoàn hảo, thời gian, bất ổn… (Stiglitz, 1991).
Theo quan điểm (ii) quá trình (process interpretation), “khái niệm Bàn tay vô hình phải được nhìn nhận như một phép ẩn dụ, minh chứng cho một quá trình trao đổi và cạnh tranh liên tục giữa các cá nhân, dẫn đến sự phối hợp giữa họ trong kế hoạch và mục đích. Đó không phải là một bức tranh về trạng thái cân bằng hoàn hảo cuối cùng, khi mọi kế hoạch đã khớp nhau, đồng nghĩa thể hiện các hành động của con người đã kết thúc. Hình ảnh bàn tay vô hình đề cập đến một quá trình thay đổi, điều chỉnh; chứ không phải trạng thái kết thúc hoàn hảo, ở đó các động lực thay đổi đều bị loại bỏ” (Barry, 1985, trang 138). Theo cách tiếp cận này, bàn tay vô hình là lý thuyết quan trọng, giải thích một quá trình xây dựng trật tự xã hội hài hòa trên cơ sở những kết quả không mong đợi của các cá nhân, vốn luôn theo đuổi lợi ích riêng của mình.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyên, Nguyễn Thị Hồng Nga (2019), Học thuyết doanh nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 36 – 38.
8 Th11 2019
8 Th11 2019
8 Th11 2019
1 Th2 2019