Adam Smith (1723 -1790), là một nhà triết học và một nhà kinh tế học lỗi lạc người Scotland. Ông được tôn vinh là cha đẻ của kinh tế học và quản trị học hiện đại ngày nay. Năm 15 tuổi, ông đã vào học tại đại học Glassgow, nghiên cứu triết học; năm 1740, ông học sau đại học tại trường Balliol College tại Oxford (một trong những trường được hợp lại thành đại học Oxford hiện nay). Năm 1762, ông được phong tặng tước hiệu Tiến sĩ luật. Ông giảng dạy tại trường đại học Glassgow, và xuất bản tác phẩm Lý Thuyết Cảm Tính Đạo Đức (The Theory of Moral Sentiments) năm 1759. Trong tác phẩm này, khái niệm cơ bản về bàn tay vô hình được đề cập đến khi ông phân tích sự phân bổ nguồn lợi xã hội. Sau đó, ông bắt đầu chú ý tới các quy luật kinh tế hơn là các lý thuyết về đạo đức. Trở về quê nhà sau thời gian giảng dạy và du lịch tại các nước Pháp, Thụy Sĩ và giao lưu với các học giả lớn như Turgot, Andre Morellet, Francois Quesnay, ông hoàn thành kiệt tác Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia – An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (thường được gọi là The Wealth of Nations) năm 1776.
Khái niệm “Bàn tay vô hình” được đề cập trong Quyển 4, Chương II; qua nghiên cứu các mô hình kinh tế, khái niệm này được Adam Smith phân tích gắn liền với hoạt động sản xuất, huy động và sử dụng vốn tài chính nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế nội địa của mỗi quốc gia. Cụ thể, Smith đã tuyên bố rằng, trong nền kinh tế thị trường tự do, mỗi cá nhân theo đuổi một mối quan tâm và xu hướng lợi ích riêng cho cá nhân mình, và chính các hành động của những cá nhân này lại có xu hướng thúc đẩy nhiều hơn và củng cố lợi ích cho toàn cộng đồng thông qua một “bàn tay vô hình”. Ông biện luận rằng, mỗi một cá nhân đều muốn thu lợi lớn nhất cho mình sẽ làm tối đa lợi ích của cả cộng đồng, điều này giống như việc cộng toàn bộ tất cả các lợi ích của từng cá nhân lại. Smith chỉ sử dụng thuật ngữ “bàn tay vô hình” ba lần trong ba tác phẩm của ông; nhưng sau này, thuật ngữ này đã được sử dụng rộng rãi trở thành một lý luận kinh tế học.
Các nội dung chính của học thuyếtXem tất cả
Khái quát lại, thuyết “Bàn tay vô hình” là lý luận đầu tiên về cơ chế kinh tế thị trường và sự vận hành của nền kinh tế, chế ngự nền kinh tế thế giới trong suốt thể kỉ XIX. Theo Adam Smith (1976), chính quyền mỗi quốc gia không cần can thiệp sâu vào hoạt động của các cá nhân và doanh nghiệp, vốn có thể tự vận động trong thị trường. Trong nền kinh tế thị trường tự do, động lực cải thiện điều kiện kinh tế và xã hội của mỗi cá nhân sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của của xã hội. Tuy nhiên, Smith (1976) cho rằng, việc theo đuổi tư lợi trên quy mô rộng lớn của các doanh nhân có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chung, đến sự phát triển của cả quốc gia. Cụ thể, thuyết bàn tay vô hình giải thích các chiến lược và quy luật áp dụng trong kinh doanh, như trong đầu tư vốn để thu lại lợi nhuận tối đa từ “sự áp bức” trên cơ sở độc quyền trong hàng hóa, sự kiểm soát giá cả thi trường và khả năng ràng buộc các tổ chức lao động. Theo Smith (1976), tất cả các vận động tư lợi với chính quyền của các thương gia và nhà sản xuất đều là những nỗ lực nhằm lừa gạt và áp bức xã hội. Ví dụ, nếu các thương gia theo đuổi tư lợi thao túng chính trị, họ sẽ chỉ tìm cách lật đổ thị trường tự do vì tư lợi của mình và những người liên quan.
Một cách khái quát, trong bài này, chúng tôi đã trình bày học thuyết bàn tay vô hình của Smith (1976): từ bối cảnh lịch sử hình thành, phát triển và ứng dụng có giá trị hiện nay. Lý thuyết đã tổng hợp, giải thích các vấn đề về tự do thương mại, lợi nhuận, độc quyền, cạnh tranh gắn với tư lợi của các thương gia, nhà sản xuất đến sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, thuyết bàn tay vô hình bộc lộ một số hạn chế, vì vậy, các cá nhân, tổ chức nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cần nghiên cứu chi tiết, đồng thời áp dụng thuyết bàn tay vô hình phù hợp tới tình hình kinh doanh và thực trạng nền kinh tế.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), “Chương 1: Thuyết bàn tay vô hình”, trong sách Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 30-42.
4 Th2 2019
4 Th2 2019
4 Th2 2019
4 Th2 2019
4 Th2 2019
4 Th2 2019