Khái niệm và bản chất Bàn tay vô hình (the Invisible hand) của Adam Smith

“Bàn tay vô hình” là một phép ẩn dụ, một tư tưởng kinh tế do Adam Smith đưa ra khái niệm trong thế kỉ thứ 18, mà giá trị của nó, đến nay, vẫn còn được công nhận. Thuật ngữ này được Adam Smith sử dụng trong ba tác phẩm của ông. Lần đầu tiên là bài luận Lịch sử Thiên văn học – The History of Astronomy (trước 1758, chương II.2), sau đó là trong tác phẩm chính của ông về triết học đạo đức Lý thuyết cảm tính đạo đức – The Theory of Moral Sentiments (1959, IV.i.10), và cuối cùng là trong cuốn Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia – The Wealth of Nations (1976, IV.ii.9). Tuy nhiên, khái niệm về “bàn tay vô hình” chỉ được thể hiện rõ trong tác phẩm Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia (Smith, 1976).

Trong tác phẩm Lý thuyết cảm tính đạo đức – The Theory of Moral Sentiments năm 1759, Phần IV, Chương 1, Adam Smith mô tả một địa chủ ích kỷ, bị dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình, phân bổ thu hoạch vụ mùa cho những người làm công: “Địa chủ tự hào và vô cảm quan sát cánh đồng rộng lớn của mình, và không hề suy nghĩ đến những người khác, trong tâm trí mình, ông ta nghĩ mình sẽ là người hưởng thụ toàn bộ vụ thu hoạch … [Nhưng] khả năng hấp thụ không tỷ lệ thuận với sự thèm khát … phần còn lại ông ta buộc phải phân phát cho người khác, những người phục vụ, một cách tốt nhất, trong đó [1] một phần để bản thân ông ta tiêu dùng, [2] một phần cho những người phục vụ cung điện, [3] cho những người phân phối và giữ trật tự trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế; tất cả dường như đều xuất phát từ sự sang trọng và độc đoán của địa chủ, nhưng mọi thứ cần thiết trong cuộc sống đều được tự động chia sẻ đến những người khác hơn là sự trông chờ vô ích của họ vào lòng nhân từ hoặc công lý từ địa chủ… Người giàu … được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình, thực hiện tương tự như sự phân bổ các nhu yếu phẩm cuộc sống trong xã hội, phân bổ đất đai thành các phần bằng nhau cho các cư dân, và do đó, một cách vô ý thức thúc đẩy sự phát triển và tạo ra các lợi ích xã hội …”.

Trong tác phẩm Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia, đoạn 9, chương II, quyển IV, Smith (1776) giải thích thuyết bàn tay vô hình: nếu tất cả các cá nhân theo đuổi lợi ích riêng của bản thân, mà không hề có ý định hướng đến lợi ích cộng đồng, thì “bàn tay vô hình” của thị trường tự do sẽ điều khiển quá trình giúp tạo ra lợi ích cộng đồng. “Khi tất cả các cá nhân cố gắng hết sức tận dụng của cải của mình để phát triển công nghiệp nội địa, đầu tư để ngành công nghiệp đó tạo ra những giá trị lớn nhất, họ sẽ cần phải lao động để tạo ra nguồn lợi nhuận hàng năm lớn nhất có thể. Họ không có ý định thúc đẩy lợi ích cộng đồng, và cũng không biết họ đang thúc đẩy nó nhiều như thế nào. Bằng việc hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp trong nước hơn là ngành công nghiệp nước ngoài, họ chỉ có ý định giảm thiểu rủi ro, và việc đầu tư giúp nền công nghiệp tạo ra giá trị tốt nhất, họ cũng chỉ có ý định tạo ra lợi nhuận của riêng mình; qua sự điều phối của một bàn tay vô hình, kết quả cuối cùng mang lại vốn không nằm trong ý định ban đầu của các cá nhân”.

Trong một đoạn khác (đoạn 4, chương II, quyển IV), Adam Smith (1776) cũng nhắc đến nội dung thuyết bàn tay vô hình mặc dù không đề cập đến khái niệm này: “Mọi cá nhân luôn cố gắng tìm ra cách sử dụng nguồn vốn, của cải mình có để có lợi nhất cho bản thân. Trong cách nhìn của cá nhân, nó vốn là lợi ích riêng của bản thân, không liên quan gì đến lợi ích xã hội. Nhưng quá trình tối đa hóa lợi ích của bản thân một cách tự nhiên hay đúng hơn là một cách cần thiết đã đưa cá nhân đến thúc đẩy lợi ích cho cộng đồng”.

Trong tác phẩm Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia còn có rất nhiều đoạn tương tự đề cập đến nội dung thuyết bàn tay vô hình. Một cách khái quát, “Bàn tay vô hình” được hiểu như sau: Trong nền kinh tế thị trường, vốn gắn liền với bản chất tư lợi của các thương gia, sẽ dẫn đến kết quả không mong đợi là sự xã hội hóa và lợi ích lợi ích chung cho xã hội. Một cách tự nhiên, những mâu thuẫn lợi ích cá nhân sẽ dẫn đến cạnh tranh; cạnh tranh thúc đẩy các cá nhân sản xuất ra những thứ mà xã hội cần, góp phần củng cố lợi ích chung cho cả cộng đồng. Bản chất mỗi con người đều bị thúc đẩy bởi tư lợi, cụ thể là lòng ham muốn của cải; tính ích kỷ là căn cốt cho các hành động của con người; nhưng chính tính ích kỷ cá nhân này lại đã đem tới lợi ích chung cho xã hội: Mỗi người cố gắng làm lợi cho chính mình một cách đều đặn, không ngừng, sẽ dẫn tới sự thịnh vượng cho quốc gia của họ.

Phân công lao động và tích lũy tư bản dẫn tới một thị trường mới mà ở đó khi nhu cầu về một sản phẩm bất kỳ nào đó tăng, sẽ dẫn đến giá bán của sản phẩm đó tăng; giá tăng kéo các nhà sản xuất đầu tư vào lĩnh vực đó. Từ đây, bản chất tư lợi của các nhà sản xuất sẽ khiến họ phải lựa chọn và tiến hành sản xuất một cách có hiệu quả nhất, với chi phí thấp nhất nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Sự cạnh tranh giữa chính các nhà sản xuất, giữa chính các bên thương mại và giữa hai tác nhân này với nhau khiến giá bán của sản phẩm giảm dần: mỗi khi có một nhà sản xuất tận dụng vị thế trên thị trường để bán sản phẩm với giá cao, sẽ có hàng chục đối thủ khác bán rẻ hơn để tranh giành thị phần. Một “Bàn tay vô hình” dẫn dắt họ, trong khi làm việc có lợi cho mình, đồng thời giúp ích cho xã hội trên cơ sở khuyến khích phương pháp sản xuất nào hiệu quả nhất, cũng có nghĩa nhiều lợi nhuận nhất trong xã hội. Xã hội hay người tiêu dùng nói chung sẽ hưởng lợi từ những sản phẩm tốt nhất với giá thành hợp lý nhất. Bên cạnh đó, “Bàn tay vô hình” cũng điều khiển mối quan hệ hữu cơ giữa giá bán, doanh thu và số lượng sản phẩm được sản xuất (Smith, 1976).

Ngoài ra, thuyết bàn tay vô hình cũng đề cập đến khía cạnh đạo đức: nếu tất cả mọi người cùng theo đuổi lợi ích riêng của bản thân thì lợi ích cộng đồng sẽ được gia tăng tối đa. Smith viết về đạo đức chủ yếu trong cuốn Lý thuyết cảm tính đạo đức (1759). Ông cho rằng đạo đức là bản năng vốn có của con người; con người luôn có xu hướng đồng cảm (thấu hiểu, cảm thông lẫn nhau) với những cảm xúc của người khác. Ví dụ: nếu một người là nạn nhân của bất công, những người xung quanh chứng kiến sẽ đặt mình vào vị trí của người đó và có xu hướng cảm thông với những cảm xúc oán giận của người đó. Vì vậy, mọi người đều cho rằng thể hiện bất bình đối với bất công là đúng về mặt đạo đức, nếu sự bất bình của nạn nhân được kiềm chế ở mức độ mà một người khách quan có thể thông cảm được. Sự cảm thông như vậy là cơ sở cho khái niệm đạo đức của Smith. Còn trong tác phẩm Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia, Smith (1976) khẳng định rằng nguyên tắc cơ bản về hành vi kinh tế của con người là tính tư lợi (coi trọng lợi ích cá nhân), cố gắng để cải thiện điều kiện kinh tế và xã hội của mình. Tính tư lợi và sự cảm thông là hai nguyên tắc rất khác nhau, và chính sự mâu thuẫn này đã khiến nhiều học giả Đức cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX đặt câu hỏi về tính thống nhất trong các tác phẩm về vấn đề đạo đức của Smith và tự hỏi liệu có phải Smith đã thay đổi quan điểm về sự phát triển của loài người khi viết Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia.

Kể từ giữa thế kỉ XX, nhìn chung các học giả đều đã thống nhất rằng: Smith hoàn toàn nhất quán và không thay đổi quan điểm của mình về khái niệm bàn tay vô hình. Mâu thuẫn tồn tại là hiển nhiên, vì thực tế, Smith phải đối mặt với hai vấn đề khác nhau. Thứ nhất, trong Lý thuyết Cảm tính đạo đức, ông mô tả nguồn gốc của sự phán xét các quan niệm đạo đức đúng sai, và nguồn gốc các quan niệm đạo đức của con người; và tính cảm thông là nền tảng của những phán xét và nguồn gốc này. Nhưng Smith không nói nó là nhân tố thúc đẩy quan trọng các hành động của con người dù cho sự phán xét đúng sai về đạo đức đôi khi có thể tạo tác động tới con người. Trong các tác phẩm kinh tế của ông, tính tư lợi là nhân tố thúc đẩy chính của các hoạt động kinh tế. Nó là động lực, không phải nguồn gốc hay cơ sở của các quan niệm. Mặc dù “tư lợi” không phải là động lực duy nhất cho các hành động trong nền kinh tế, nhưng nếu xét về lĩnh vực kinh tế thì nó chắc chắn là động lực chiếm ưu thế hàng đầu. Như vậy, vấn đề thứ nhất có thể dễ dàng giải thích khi chúng ta nhận ra rằng tính cảm thông là nguồn gốc của các quan niệm đạo đức, còn tính tư lợi là động lực của kinh tế.

Xét đến vấn đề thứ hai trong quan điểm của Smith về khía cạnh đạo đức của tính tư lợi, nếu ông không dùng lý thuyết bàn tay vô hình để đánh giá về mặt đạo đức của việc theo đuổi lợi ích cá nhân, vậy cách nhìn nhận của ông như thế nào? Trước tiên, chúng ta có thể nhận thấy rằng Smith ý thức được khả năng dùng thuyết bàn tay vô hình để đánh giá về tính tư lợi, đó là một đề tài mà các học giả về đạo đức thời đại ông thường đề cập. Trong đó, có quan điểm cho rằng: tính tư lợi giúp thúc đẩy nền kinh tế là một sự thiếu đạo đức. Sự xa xỉ, theo đuổi và phô trương sự giàu có của bản thân vốn được coi là một tính xấu trong xã hội từ thời đại Roma. Tuy nhiên, đến giữa thế kỉ XVIII, nhiều học giả đã đồng ý coi sự ham muốn giàu có là điều bình thường trong xã hội (không tốt không xấu). Và đến bây giờ, trong xã hội hiện đại, con người dùng thuyết bàn tay vô hình để cho thấy việc theo đuổi sự giàu có xa xỉ không nên được coi là xấu. Tuy nhiên, trong cuốn Lý thuyết Cảm tính Đạo đức, Smith cũng nhắc đến “sự xa xỉ”, và sự coi thường xa xỉ của Smith là rất rõ ràng, nhưng ông không coi nó là sai về đạo đức. Nhưng, để suy từ sự trung lập đạo đức (không đúng không sai) của sự xa xỉ đến sự trung lập của tính tư lợi trong kinh tế, chúng ta cần xem xét những điểm khác trong triết học của Smith.

Với Smith, theo đuổi lợi ích kinh tế bản thân vốn không phải là sai về đạo đức, nhưng sẽ vô đạo đức nếu là nguyên nhân gây ra các hành động xấu hoặc nó tiêu diệt tất cả các động lực khác. Tính tư lợi có thể là động lực để con người giúp đỡ người khác hơn là hãm hại họ, ví dụ: người bán thịt, người bán bánh mì, người sản xuất bia, họ đang theo đuổi lợi nhuận của bản thân nhưng không hại ta, mang lại thực phẩm cho ta. Như vậy, Smith coi động lực của tính tư lợi là trung lập (không đúng không sai về đạo đức); mức độ và cách thực thực hiện mới là vấn đề sai đúng của đạo đức. Nhưng Smith không dùng lý thuyết bàn tay vô hình để lý giải điều này, thay vào đó, ông dùng khái niệm về sự tự do tự nhiên và quy luật tự nhiên.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyên, Nguyễn Thị Hồng Nga (2019), Học thuyết doanh nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 30 – 34.