1. Khái niệm và bản chất
“Kết quả không mong đợi của con người” là những kết quả không được con người mong muốn tại một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, để hiểu được chính xác ý nghĩa khái niệm này cần phân biệt rõ 3 vấn đề, cụ thể:
Thứ nhất, khái niệm về “mong đợi (intention)”: Mong đợi của một cá nhân thể hiện mục đính hoặc kế hoạch nhất định của cá nhân đó. Tuy nhiên, theo (Keller,1994, trang 11): “Mặc dù, mong đợi chỉ ra rằng mỗi cá nhân phải có một mục đích, nhưng không cần thiết phải có một kế hoạch. Đơn giản, các cá nhân có thể không có kế hoạch để thực hiện một vấn đề, nhưng họ vẫn có mục đích”. Quan điểm một lần nữa khẳng định “sự mong đợi” là mục đích của một cá nhân, chứ không phải là một kế hoạch cụ thể.
Thứ hai, khái niệm về “kết quả (consequence)”: Một cách chung nhất, kết quả là kết quả của một hành động ngoài ý muốn. Trong tác phẩm Những kết quả không mong đợi của các hành động xã hội có chủ định – The Unanticipated Consequences of Purposive Social Action, Merton (1936) đã đưa ra giới hạn “kết quả” của một hành động như sau: “Nói một cách chặt chẽ, kết quả của hành động có chủ ý được giới hạn bởi các yếu tố trong bối cảnh xảy ra, thường duy nhất và phát sinh từ các hành động liên quan; tức là, các yếu tố đó sẽ không xảy ra nếu hành động không diễn ra”(trang 895). Trong đó, “kết quả” (result) được Keller (1994) định nghĩa như sau: “Kết quả của một hành động “A” là một sự kiện diễn ra do hành động đó được cho rằng đã thực hiện xong” (Keller, 1994, trang 64). Như vậy, kết quả của một ý định cá nhân bất kỳ nên cân nhắc dựa trên các hành động mà cá nhân thực hiện.
Thứ ba, khái niệm “kết quả không mong đợi (unintended consequence)”, thực tế xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân này hạn chế kết quả mong muốn, đồng thời gây cản trở quá trình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Trong nghiên cứu của mình, Merton (1936) đã sử dụng “kết quả ngoài dự kiến (unanticipated consequences)” thay thế cho “kết quả không mong đợi (unintended consequence)”, và cho rằng tất cả kết quả không mong đợi của một cá nhân đều là những thứ nằm ngoài mong đợi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có trường hợp kết quả là kết quả mong muốn xảy ra nhưng chưa được dự tính; và ngược lại, có những trường hợp kết quả được dự tính sẵn nhưng lại không xảy ra như mong đợi. Như vậy, kết quả do “bàn tay vô hình” gây ra có thể có hoặc không được dự đoán trước đó.
“Kết quả xã hội không mong đợi” là tập hợp vô số các hành động ngoài ý muốn của cá nhân; và có một số đặc trưng như sau:
- Kết quả được xác định ở cấp độ xã hội;
- Kết quả không phải là sự mong đợi của bất kỳ cá nhân nào;
- Kết quả không mong đợi ở cấp độ xã hội do những cá nhân không mong muốn thay đổi hoặc gây ra (đây là bước đầu tiên để phân biệt các kết quả của bàn tay vô hình với kết quả xã hội không mong đợi);
- Hành vi của một cá nhân không đủ để tạo ra kết quả (xã hội) không mong đợi;
- Các cá nhân không theo đuổi cùng một mục đích chung (tức mong muốn tập thể bị loại trừ);
2. Phân loại
Merton (1936) liệt kê một số yếu tố có thể gây ra kết quả không mong đợi đối với các doanh nghiệp, như “thiếu hiểu biết (ignorance)”, “sai sót (error)” và “lợi ích trước mắt (imperious immediacy of interests)”. Đồng thời, tác giả cũng phân loại các hậu quả không mong đợi: “Những hậu quả tổng thể hoặc cụ thể này có thể được phân chia thành (a) hậu quả đối với (các) tác nhân, (b) hậu quả đối với những người trung gian khác thông qua (1) cấu trúc xã hội, (2) văn hoá và (3) nền văn minh”(Merton, 1936, trang 895). Các hành động được phân thành hai loại: “(a) không tổ chức – unorganized và (b) có tổ chức chính thức – formally organized” (Merton, 1936, trang 896).
Cách phân loại này phân biệt giữa hậu quả không mong đợi do hành động cá nhân và hậu quả không mong đợi do hành động xã hội. Trong đó, “Xã hội” ở đây đơn giản có nghĩa là tập thể: một hiện tượng được coi là xã hội nếu liên quan đến nhiều tác nhân là con người mà các hành động hoặc kế hoạch của họ có liên quan đến nhau” (Collin, 1997, trang 5) và hành động thực hiện có thể có hoặc không tuân theo các quy định của một doanh nghiệp nhất định.
Như vậy, trên thực tế, có nhiều hành động có thể gây ra hậu quả không mong đợi, bao gồm hành động có tổ chức và hành động phi tổ chức, hoặc hành động cá nhân và hành động xã hội.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyên, Nguyễn Thị Hồng Nga (2019), Học thuyết doanh nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 34 – 36.
8 Th11 2019
1 Th2 2019
8 Th11 2019
8 Th11 2019