Khả năng tư duy hoàn hảo và giới hạn (perfect and bounded rationality) của tác nhân kinh tế

1. Giả thuyết về tư duy toàn diện và hành vi tối ưu hóa lợi nhuận

Trong thời kỳ sơ khai kinh tế học cổ điển, các tác nhân kinh tế được giả định có khả năng tư duy toàn diện (perfect rationality), từ đó đưa ra được các quyết định và lựa chọn tốt nhất (Kœnig, 1998, trang 13). Cụ thể:

  • Họ có khả năng dự kiến mọi lựa chọn có thể, cũng như có đủ thời gian cần thiết để đánh giá chúng;
  • Họ nắm giữ hết các thông tin cần thiết, và có thể đánh giá trước được hậu quả hay kết quả của mỗi lựa chọn có thể. Những thông tin này có thể có mà không phải trả tiền;
  • Họ có thể xắp xếp các chọn lựa này theo thứ tự ưu tiên theo một công thức nhất định, nếu thích A hơn B, B hơn C thì tất nhiên A hơn C;
  • Người ra quyết định sẽ chọn giải pháp mình ưa thích nhất; theo cách này, người ra quyết định không bị ràng buộc hay giới hạn về khả năng tính toán, logic hay vật liệu, phương tiện cần dùng.

Theo giả thuyết này, chủ doanh nghiệp với tư cách là người ra quyết định chủ đạo sẽ thể hiện hành vi tối ưu hóa chủ yếu nhằm tạo ra lợi nhuận cao nhất (profit-maximizing behavior) cho doanh nghiệp của mình. Và các nhà quản lý cũng như nhân viên sẽ phải tuần thủ và theo đuổi các mục tiêu hướng đến tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Các quyết định trong doanh nghiệp sẽ dựa trên khối lượng nguồn lực, tài sản sử dụng, số lượng hàng sản xuất gắn liền với, không kể trong kho, số lượng hàng đã bán … dựa trên thị trường, theo giá cả hàng hóa dịch vụ đầu vào và ra, theo quy trình và năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Các quyết định này gồm:

  • Lựa chọn kỹ thuật, dây chuyền sản xuất hiệu quả nhất;
  • Sử dụng khối lượng nguồn lực, tài sản hợp lý và tiết kiệm để giảm thiểu chi phí sản xuất;
  • Lựa chọn số lượng sản phẩm nhằm tối đa hóa chênh lệch giữa tổng thu và tổng chi phí ẩn và cụ thể, nói cách khác tối đa hóa lợi nhuận;

Tối đa hóa lợi nhuận doanh nghiệp thường bị ràng buộc bởi 2 yếu tố (Kœnig, 1998, trang 14):

  • Khả năng sản xuất xác định bởi mối quan hệ đầu vào đầu ra;
  • Những điều kiện thị trường nơi mà doanh nghiệp tham gia với tư cách người bán hay người mua. Trong cạnh tranh hoàn hảo, doanh nghiệp phải theo giá xác định bởi thị trường. Ngược lại, trong cạnh tranh không hoàn hảo, doanh nghiệp có thể tác động thay đổi giá hoặc độc lập hoặc trong quan hệ qua lại với các đối thủ cạnh tranh khác. Doanh nghiệp cũng phải chú ý tới, trong chức năng mục đích của mình, mối quan hệ giữa giá này với khối lượng hàng hóa được yêu cầu.

Giải quyết các vấn đề tối ưu hóa này cho phép xác định những điều kiện phải thỏa mãn nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận.

2. Tư duy giới hạn, tư duy thực tế và tư duy thủ tục

Tiếp cận khoa học quản trị và kinh tế theo quan điểm tâm lý học, Simon (1961) phát triển khái niệm tư duy giới hạn (bounded rationality) đối lập với giả thuyết khả năng tư duy toàn diện (perfect rationality), theo ông: “con người có khả năng tư duy, nhưng chỉ mang tính giới hạn (trang xxiv), do bị giới hạn về (a) trí tuệ trong thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý thông tin, tính toán, dự báo vì trí thông minh hạn chế và các phương tiện không đáp ứng được nhu cầu công việc và về (b) các rào cản ngôn ngữ khi không thể diễn tả hết được kiến thức và cảm tính của mình thành lời, thành các con số định lượng hay hình vẽ biểu đồ để người khác có thể hiểu được (Williamson, 1975, p.21). Chính vì tư duy giới hạn, chủ doanh nghiệp buộc phải chia sẻ hay ủy quyền quản lý cho người đại diện hay các nhà quản lý, cũng như chấp nhận sự tham gia đồng sở hữu và chia sẻ lợi nhuận với các cổ đông khác nhằm đảm bảo đạt được mức lợi nhuận mong muốn.

Theo quan điểm trên, khi phân tích tâm lý người đại diện (hay nhà quản lý), Simon (1976) xây dựng hai khả năng tư duy của người đại diện khi ra quyết định trong doanh nghiệp: (1) tư duy thực tế (substantive rationality), và (2) tư duy thủ tục (procedural rationality). “Hành vi thể hiện tư duy thực tế khi nhằm hướng đến đạt được các mục đã đề ra một cách phù hợp trong bối cảnh giới hạn bởi các điều kiện và ràng buộc cụ thể” (Simon, 1976a, trang 66). Theo khái niệm này, hành vi được tư duy phụ thuộc vào các tác nhân ở duy nhất một điểm là về mục đích. Với các mục đích xác đinh, hành vi được hình thành hoàn toàn bởi các đặc điểm môi trường mà nó tốn tại. Trong doanh nghiệp, tư duy thực tế chỉ đủ để phân tích các tình huống đơn giản không tính đến các yếu tố rủi ro. Nó tương ứng với tư duy cá nhân toàn diện (perfect rationality), theo đó, phân tích cổ điển đã cho rằng doanh nghiệp và các nhà quản lý theo đuổi tối đa hóa lợi nhuận hay tối đa hóa lợi ích.

Hành vi thể hiện tư duy thủ tục khi nó là kết quả của quá trình thảo luận một cách phù hợp” (Simon, 1976, trang 69). Nó phụ thuộc vào quá trình chọn một giải pháp nào đó hay cách để đạt lựa chọn đó (hơn là lựa chọn so sánh giữa các giải pháp). Thực tế, các điều kiện chọn lựa, một cách khái quát, thường không có sẵn với người ra quyết định. Anh ta phải trải qua một tiến trình tìm kiếm, nghiên cứu nhằm khám phá, tìm ra chúng. Vì vậy các phương pháp nghiên cứu nên áp dụng tính đến khái niệm tư duy của người ra quyết định, bị giới hạn bởi lượng thông tin anh ta có, và bởi khả năng sử lý chúng của anh ta. Các quy trình hợp lý này dẫn tới các giải pháp không tương ứng với giải pháp tối ưu, nhưng thỏa mãn các mức khát vọng của người ra quyết định (Kœnig, 1998, trang 47).

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 243-245.