Nhóm chiến lược (strategic groups) phân tích cạnh tranh tổng thể ngành kinh doanh của doanh nghiệp

Chiến lược là định hướng và phạm vi của một doanh nghiệp trong dài hạn để đạt được lợi thế, từ đó tạo ra lợi nhuận. Nhóm chiến lược là khái niệm được sử dụng trong quản lý chiến lược nhằm phân tích cấu trúc cạnh tranh ngành thông qua nhóm cạnh tranh gộp các doanh nghiệp cùng ngành áp dụng một hay một vài chiến lược tương đồng nhau.

Trong nghiên cứu của mình, Hunt (1972) lần đầu tiên nhận thấy sự có sự khác nhau về hiệu quả hoạt động giữa các nhóm doanh nghiệp trong cùng một ngành. Ông sử dụng khái niệm “nhóm chiến lược” (strategic groups) để miêu tả “một nhóm các doanh nghiệp cùng ngành tương đồng nhau về cấu trúc chi phí, mức độ tích hợp theo chiều dọc, và mức độ khác biệt hóa sản phẩm, tổ chức chính thống, hệ thống kiểm soát, cơ chế thưởng phạt, và quan điểm cá nhân và những ưu tiên đối với sản phẩm đầu ra” (Hunt, 1972).

Michael Porter (1980) phát triển khái niệm này trong nghiên cứu phân tích chiến lược doanh nghiệp. Ông giải thích các nhóm chiến lược tương tự như các rào cản tồn tại trong chính ngành kinh doanh. Nhóm chiến lược khác với chiến lược chung khi phản ánh sự đa dạng về phong cách chiến lược của các doanh nghiệp trong một ngành.

Theo Porter (1980), “một nhóm chiến lược (Strategic Group) gồm tập hợp nhóm các doanh nghiệp cùng áp dụng một (hay một vài) chiến lược tương đồng, sử dụng các nguồn lực tương đồng trên cùng một thị trường mục tiêu”. Phân tích nhóm chiến lược nhằm mục tiêu phân định và xếp loại các doanh nghiệp trong ngành thành các nhóm chiến lược theo chiến lược mà họ đang triển khai; từ đó có đánh giá chính xác về bối cảnh cạnh tranh trong ngành.

Các nhóm chiến lược trong ngành được xác định thông qua 2 yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của doanh nghiệp, thường là: mức độ khác biệt hoá của sản phẩm dịch vụ, thương hiệu, chính sách giá, phương thức phân phối, quy mô, dịch vụ hậu mãi, chất lượng sản phẩm, trình độ công nghệ … Trên cơ sở hai yếu tố trên, vị trí của từng doanh nghiệp sẽ được thiết lập thành các điểm trên hình vẽ, từ đó xác định được các nhóm gồm nhiều điểm doanh nghiệp có vị trí gần nhau.

Trong cùng một nhóm cũng có sự cạnh tranh và có sự cạnh tranh giữa các nhóm. Mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và giữa các nhóm phụ thuộc vào số lượng nhóm và “khoảng cách” giữa các nhóm. Trên cơ sở xác định được vị trí của mình, thuộc nhóm nào và mức độ cạnh tranh, các doanh nghiệp có thể rút ra được các chiến lược riêng cho mình như: tiếp tục củng cố vị trí tại nhóm hiện tại; hay thâm nhập nhóm có vị trí thuận lợi hơn; hay tạo ra một nhóm chiến lược mới ở những vùng trống.

Trích dẫn 1: Phân tích ngành kinh doanh phần mềm bán hàng tại Việt Nam

Chúng ta tiếp tục phân tích ví dụ phân tích ngành kinh doanh phần mềm bán hàng tại Việt Nam, để hiểu chi tiết về nội dung và phương pháp phân tích mô hình nhóm chiến lược. Trên cơ sở các thông tin thu thập được từ nghiên cứu thị trường, hai yếu tố thành công quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp trong ngành này là giá thành (điểm – 90 triệu VND; trung bình – 10 triệu; thấp – 1 triệu) và loại sản phẩm (điểm 0 là chuẩn hóa không thay đổi; 0,5 – tùy trường hợp có thể thay đổi chức năng, giao diện, kịch bản sử dụng theo ý khách; 1 – thay đổi chức năng, giao diện, kịch bản sử dụng theo yêu cầu khách hàng).

Bốn nhóm chiến lược chính được xác định như hình dưới:

Nguồn: Điều tra thị trường 2014

  • Nhóm thứ nhất theo xu hướng giá cả thấp, dưới mức trung bình bao gồm các doanh nghiệp phần mềm nhỏ lẻ, tự phát. Các doanh nghiệp này tuy dùng giá để cạnh tranh nhưng luôn có xu hướng muốn tăng giá sản phẩm để ít nhất đạt mức giá trung bình.
  • Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp Open way, Phương Nam, ACMAM, APR, ATO có giá bán ở mức trung bình, cung cấp các loại sản phẩm chuẩn. Cạnh tranh trong nhóm khiến cho APR có nhu cầu giảm giá sản phẩm trong khi ACMAM có xu hướng chuyển dần sang nhóm chiến lược ba với các sản phẩm theo yêu cầu; ATO có xu hướng tăng giá và chuyển sang các sản phẩm theo yêu cầu để tăng quy mô bán cũng như hướng đến nhóm chiến lược thứ tư. Open way và Phương Nam có xu hướng đứng yên để chiễm lĩnh thị phần.
  • Nhóm thứ ba gồm HKT, HOSCO RES, Tin học trẻ và OOS SRM nằm trong phân khúc sản phẩm theo yêu cầu có giá trung bình. HKT nhờ các nguồn lực sẵn có, đảm bảo được thị phần khi tăng giá sản phẩm nên có xu hướng gia nhập vào thị trường sản phẩm giá cao của IPOS và R.KEEPER. Tin học trẻ không có đủ khả năng cạnh tranh trong thị phần phần mềm theo yêu cầu nên có xu hướng đẩy sản phẩm về chuẩn.
  • Nhóm thứ tư gồm IPOS và R.KEEPER chiếm lĩnh ở thị trường sản phẩm cao cấp bao gồm cả chuẩn và theo yêu cầu. IPOS nhận thấy cần có những chuyên biệt riêng về sản phẩm nên có xu hướng chuyển sang dòng sản phẩm theo yêu cầu giá hợp lý để còn lại R.KEEPER chuyên doanh mảng này.

Mô hình phân tích nhóm chiến lược cung cấp thông tin cho các nhà quản trị chiến lược về thực trạng bối cảnh cạnh tranh và xu hướng biến động trong ngành phát triển. Về cơ bản, phân tích nhóm chiến lược giúp xác định đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhất của doanh nghiệp là ai và cạnh tranh dựa trên yếu tố nào. Lập bản đồ nhóm chiến lược cho phép xác định được định hướng và thời cơ thực hiện chiến lược rút khỏi, duy trì hay gia nhập một nhóm chiến lược khác.

Mô hình có hạn chế chính là các yếu tố cơ bản trong cạnh nhóm chiến lược có thể luôn thay đổi, dẫn đến nhóm chiến lược cũng không cố định trong dài hạn. Mô hình nhóm chiến lược được xác định hoàn toàn dựa trên cơ sở đánh giá chủ quan của các nhà quản lý về các yếu tố thành công cũng như vị trí tương đối của các đối thủ trên thị trường. Vì vậy, mô hình này hoàn toàn dựa vào năng lực của nhà quản lý trong việc xây dựng và phân tích. Mặt khác, rủi ro thông tin không chính xác và đầy đủ có thể khiến các nhà quản lý xác định sai mô hình, từ đó đưa ra các chiến lược không phù hợp.

Xem thêm các ví dụ áp dụng phân tích doanh nghiệp thực tế tại đây.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 175-177.