Học thuyết bàn tay hữu hình (The Visible Hand)

Alfred DuPont Chandler (1918- 2007) là giáo sư lịch sử kinh doanh tại trường đại học Harvard và Đại học Johns Hopkins. Những năm đầu thế kỉ 20, ông bắt đầu nghiên cứu về quy mô doanh nghiệp và cơ cấu quản lý của các tập đoàn kinh tế. Thuật ngữ “Bàn tay hữu hình” (The Visible Hand) xuất hiện trong tác phẩm Bàn Tay Hữu Hình – Cuộc Cách Mạng Quản Lý Trong Các Doanh Nghiệp Hoa Kỳ (The Visible Hand: The Managerial Revolution in American Business), do Chandler biên soạn và công bố năm 1977. Các luận điểm trong tác phẩm hoàn toàn trái ngược với những lý luận trước đó, cụ thể là thuyết “Bàn tay vô hình” của Adam Smith.

Mô hình cạnh tranh hoàn hảo, theo Chandler (1977), không cho phép hiểu rõ cấu trúc và vận hành của các doanh nghiệp hiện đại; vì đó là mô hình cấu trúc thị trường trong đó: (1) cả người bán và kẻ mua đều không đủ khả năng để tác động đáng kể tới thị trường; (2) hai bên đều nắm rõ các cơ hội giao dịch, hiểu được phương pháp xác định nguồn cung và cầu của sản phẩm…; (3) và sản phẩm khác biệt không tồn tại. Nói cách khác, không tồn tại sự cạnh tranh; doanh nghiệp không đổi mới, không cập nhật công nghệ, phương pháp vận hành và sản xuất hiệu quả nhất; và họ cũng không nhất thiết phải giảm giá.

Có thể nói, tác phẩm này của Chandler đã phân chia lịch sử chủ nghĩa tư bản thành hai giai đoạn: giai đoạn kinh tế thị trường cạnh tranh hoàn hảo, các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh tự do và giai đoạn từ 1850 với sự xuất hiện của các doanh nghiệp quản lý. Sau năm 1850, sản lượng bị chi phối bởi các nhà quản lý của các doanh nghiệp thay vì cơ chế thị trường. “Bàn tay hữu hình” ra đời khi đó đi kèm với cuộc cách mạng công nghiệp. Toàn bộ nền kinh tế đều dưới sự điều phối của những bàn tay hữu hình của các nhà quản lý; khái niệm chiến lược kinh doanh cũng xuất hiện tiềm ẩn trong hoạt động quản lý và điều hành của các nhà quản lý doanh nghiệp.

Chandler (1977) chỉ ra 8 điểm đề giải thích tại sao bàn tay hữu hĩnh thay thế bàn tay vô hình của Adam Smith:

  1. Mô hình doanh nghiệp đa bộ phận Hoa Kỳ đã thay thế mô hình doanh nghiệp truyền thống, với nhiều lợi thế hơn về lợi nhuận nhờ hoạt động điều phối hành chính hơn là đơn thuần theo cơ chế thị trường;
  2. Cấu trúc tổ chức quản lý đã được xây dựng trong các doanh nghiệp đa bộ phận;
  3. Các doanh nghiệp đa bộ phận xuất hiện lần đầu trong lịch sử nhân loại cùng thời gian với quy mô của các hoạt động kinh doanh đạt đến ngưỡng mà sự điều phối hành chính thể hiện tính hiệu quả hơn sự điều phối theo cơ chế thị trường;
  4. Khi mà cấu trúc quản lý đã được thiết lập và hoàn thành nhiệm vụ điều phối hành hành chính, chính cấu trúc này trở thành một nguồn lực, một lợi thế bền vững và liên tục phát triển;
  5. Nghề quản lý được trả lương ngày càng trở nên chuyên nghiệp và kỹ thuật hơn;
  6. Các doanh nghiệp đa bộ phận phát triển mạnh về quy mô và đa dạng hóa mạnh mẽ, kéo theo các nhà quản lý trong đó cũng trở nên chuyên nghiệp hơn, hoạt động quản lý cũng trở nên tách rời quyền sở hữu hơn;
  7. Các nhà quản lý theo đuổi các chính sách hướng đến sự ổn định và phát triển dài hạn trên cơ sở tối đa hóa lợi nhuận hiện tại của doanh nghiệp;
  8. Các doanh nghiệp lớn tiếp tục lớn mạnh và kiểm soát các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế báo hiệu sự cần thiết phải có cấu trúc tổ chức tổng thể của từng lĩnh vực này cũng như của cả nền kinh tế.

Các nội dung chính của học thuyếtXem tất cả

Bàn tay hữu hình thực sự là một lịch sử của cuộc Cách mạng Quản lý trong Kinh doanh ở Hoa Kỳ giữa thế kỷ 18. Nhưng không có nghĩa là các doanh nghiệp quản lý hiện đại thay thế cơ chế thị trường trong điều phối các hoạt động và và phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế. Thay vào đó, doanh nghiệp hiện đại là đối tượng của bàn tay vô hình của thị trường. Và doanh nghiệp hiện đại là một phần không thể tách rời của bàn tay vô hình của thị trường. Sự xuất hiện của doanh nghiệp quản lý hiện đại được Chandler coi là quan điểm đổi mới lớn trong nền kinh tế Mỹ giữa thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Nhưng sự xuất hiện của loại hình doanh nghiệp hiện đại này, thực tế, là sản phẩm của bàn tay vô hình của thị trường và sự phát triển của các doanh nghiệp hiện đại là một phần quá trình phát triển lịch sử của bàn tay vô hình của thị trường, mở ra thời kỳ mới nghiên cứu về hoạt động tổ chức và quản lý nội bộ của các doanh nghiệp.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), “Chương 10: Thuyết bàn tay hữu hình”, trong sách Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 193-204.