Cuối thế kỉ thứ 19, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại và công nghệ đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tối ưu hóa sản xuất, phát triển về quy mô sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Trên thị trường, cung bắt đầu cao hơn cầu, chức năng sản xuất của doanh nghiệp không còn đóng vai trò độc tôn trong quy trình vần hành của doanh nghiệp. Mặt khác, các công trình nghiên cứu về chức năng này cũng đã dần bão hòa cả về số và chất lượng. Nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu tập trung khám phá bên trong “hộp đen” doanh nghiệp. Trên cơ sở học thuyết về quyền sở hữu, họ phân tích mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và những nhà quản lý được trả lương, cũng như các vân đề điều hành và quản lý doanh nghiệp. Những điều kiện khách quan thuận lợi cả về mặt thực tiễn và lý luận này đã tạo ra sự chuyển dịch đồng loạt từ mô hình doanh nghiệp tư bản (capitalist firm) sang mô hình doanh nghiệp quản lý (managerial firm), và kéo theo một cuộc cách mạng về phương pháp quản lý doanh nghiệp.
Khởi đầu của sự tách rời giữa quyền sở hữu và quyền quản lý
Năm 1906, Mr. Clarence Mackay gửi đến chủ tịch Frederick Fish của AT&T một bức thư rằng: Từ năm 1905 đến 1907, Mr. Mackay đã mua khoảng 70.000 cổ phần của AT&T, chiếm 5% tổng cổ phần và gấp 4 lần cổ đông lớn thứ hai của doanh nghiệp. Như vậy, “không ai trong số 8 giám đốc sở hữu trên 2.000 cổ phiếu”, vì vậy sẽ hợp lý hơn nếu “một cổ đông sở hữu trên 70.000 cổ phiếu được có mặt trong Hội đồng quản trị”. Bất chấp tiềm lực tài chính của mình, Mr. Mackay đã không thể đạt được mục đích của mình, quyền kiểm soát vẫn nằm trong tay các nhà quản lý AT&T thông qua bỏ phiếu, khi mà 36% cổ phiếu thuộc quỹ của doanh nghiệp và do chính các giám đốc AT&T đại diện biểu quyết. Chủ tịch Fish đã trả lời trong thư rằng: mỗi giám đốc có nghĩa vụ phải đại diện cho “mỗi một và tất cả các cổ đông” và không thực sự cần thiết “phải có bất kì đại diện sở hữu đặc biệt nào trong HĐQT”.
Trong nghiên cứu của mình, Berle và Means (1932) đã lấy trường hợp AT&T làm ví dụ cho xu hướng mà tác giả gọi là “nguy hiểm” này: các doanh nghiệp tư bản dần bị thay thế bởi các tập đoàn lớn dưới sự kiểm soát của một nhóm nhỏ các nhà quản lý nắm rất ít hoặc không nắm quyền sở hữu doanh nghiệp. Còn đối với Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC – Federal Communications Commission, 1930), “tai nạn” của Mr. Mackay là một ví dụ điển hình về sự tách rời giữa quyền sở hữu và quyền quản lý; và kết quả là các chủ sở hữu sẽ mất quyền kiểm soát doanh nghiệp. |
Sự xuất hiện của doanh nghiệp quản lý gắn liền với sự tách rời quyền quản lý và sở hữu của doanh nghiệp, phát sinh khi các cổ đông (người ủy quyền) ủy thác cho nhà quản lý (người được ủy quyền) thực hiện hoạt động điều hành và quản lý doanh nghiệp theo lợi ích của cổ đông. Chính sự tách rời giữa quyền sở hữu và quyền quản lý doanh nghiệp này đã dẫn đến hậu quả là “giám đốc của các doanh nghiệp này trở thành những người quản lý tài chính của người khác … một cách bất cẩn và lãng phí” chứ không “thực sự nghiêm túc như cách mà những người chủ doanh nghiệp xử lý vốn của chính họ” (Smith, 1776). Đây chính là mô hình doanh nghiệp quản lý hiện đại ngày nay cũng như những vấn đề cơ bản mà mô hình này luôn phải đối mặt và xử lý. Các doanh nghiệp hiện đại được tổ chức và điều hành, không bởi “Bàn tay vô hình”, mà dưới “Bàn tay hữu hình” của các nhà quản lý.
Các học thuyết doanh nghiệp trong thời kỳ nàyXem tất cả
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), “Phần II: Doanh nghiệp và các nhà quản lý”, trong sách Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 191-192.
17 Th12 2018
4 Th2 2019
13 Th11 2019
13 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019