Thông lệ vận hành của doanh nghiệp là kết quả của những bài học kinh nghiệm mà doanh nghiệp và các thành viên trong doanh nghiệp có được dù không trải qua (Levitt và March, 1988). Các thông lệ vận hành lan truyền trong doanh nghiệp thông qua chia sẻ giữa các thành viên cá nhân và sau đó được lưu vào trong bộ nhớ tập thể của doanh nghiệp. Các thông lệ này độc lập với các cá nhân thực hiện chúng và chúng có thể tồn tại ngay cả khi có sự thay đổi đáng kể nhân sự (Levitt và March, 1988). Trong trường hợp này, không chỉ thành viên cá nhân học hỏi mà tổ chức doanh nghiệp cũng có thể học hỏi. Cook và Yanow (1993) cho rằng kiến thức trong một tổ chức không nằm ở bất cứ cá nhân cụ thể nào mà trong toàn bộ tổ chức. Và tổ chức không có kiến thức ngay từ đầu khi được thành lập mà phải học hỏi để có được kiến thức đó.
Học hỏi của tổ chức bắt nguồn từ học hỏi của cá nhân. Tổ chức học thông qua các cá nhân thành viên trong tổ chức (Cyert và March, 1963; Kim, 1993; Argyris và Schön, 1978). Đã có nhiều nghiên cứu về việc phổ biến tri thức dựa trên các kinh nghiệm ở trong nội bộ tổ chức và giữa các tổ chức với nhau được thực hiện, trong đó nổi bật là nghiên cứu của Nonaka (1994) về quy trình biến đổi và truyền tải kiến thức trong bộ nhớ của tổ chức doanh nghiệp.
Hình 1: Các phương pháp tạo ra kiến thức trong bộ nhớ doanh nghiệp
Nguồn: Nonaka (1994, trang 17)
Giai đoạn đầu, Nonaka (1994) phát triển bốn phương thức tạo ra tri thức, tương ứng với bốn cách thức chuyển đổi giữa kiến thức tiềm ẩn và kiến thức rõ ràng, còn gọi là mô hình SECI model of knowledge dimensions. Trong đo, phương thức đầu tiên là phương pháp Xã hội hoá (socialisation) cho phép chuyển đổi hoặc tạo các tri thức tiềm ẩn thông qua tương tác giữa các cá nhân thành viên trong tổ chức. Sự tương tác sẽ giúp việc chia sẻ kinh nghiêm và gia tăng niềm tin. Chúng ta sẽ không học được kiến thức tiềm ẩn qua ngôn ngữ giải thích mà phải qua quan sát, bắt chước, thực hành, hay trải nghiệm (Polanyi, 1966; Cohen và Levinthal, 1990; Kogut và Zander, 1992; Nonaka, 1994).
Phương thức thứ hai là phương thức kết hợp (Combination), dùng để kết hợp các kiến thức rõ ràng mà cá nhân học được thông qua quá trình trao đổi và phối hợp giữa cá nhân với nhau. Khi cá nhân cấu trúc lại các thông tin thông qua quá trình phân loại, bổ sung, đặt vào bối cảnh của kiến thức tiềm ẩn, những kiến thức mới có thể được tạo ra.
Theo phương thức thứ 3 và thứ 4, các kiến thức tiềm ẩn và kiến thức rõ ràng sẽ bổ sung cho nhau và phát triển thông qua quá trình tương tác hoặc chuyển đổi lẫn nhau. Quá trình chuyển đổi từ kiến thức tiềm ẩn thành kiến thức rõ ràng là quá trình mở rộng (Externalization), quá trình chuyển đổi từ kiến thức rõ ràng thành kiến thức tiềm ẩn là quá trình nội bộ hóa (Internalization). Hoạt động hay trải nghiệm thuộc quá trình nội bộ hóa. Quá trình mở rộng thì phức tạp hơn, đòi hỏi các thành viên phải tưởng tượng để từ đó có được quan điểm riêng của mình và thu được kiến thức tiềm ẩn (khó diễn đạt) trong đó (Nonaka, 1994).
Việc tạo ra kiến thức tổ chức được thực hiện khi tất cả các mô hình tạo ra kiến thức tổ chức được quản lý theo chu trình liên tục. Mô hình “vòng xoắn ốc tri thức – Spiral of organizational knowledge creation” của Nonaka (1994) là một chuỗi biến đổi giữa các mô hình chuyển đổi kiến thức khác nhau. Mô hình mô tả các mối quan hệ giữa các cấp độ khác nhau trong tổ chức (cá nhân, nhóm và tổ chức nội bộ). Theo mô hình vòng xoắn ốc này, kiến thức được chuyển đổi giữa kiến thức tiềm ẩn và kiến thức rõ ràng theo chiều hướng đi lên trong tổ chức từ cá nhân, nhóm đến toàn bộ tổ chức. Hơn nữa, kiến thức sẽ được mở rộng hơn và diễn ra nhanh hơn ở mỗi cấp độ, có nghĩa là ngoài những kiến thức mà cá nhân có được, ở cấp độ nhóm và cấp độ toàn bộ tổ chức, có những kiến thức gắn liền với cấp độ đó mà ở cấp độ cá nhân không có.
Hình 2: Vòng xoắn ốc tri thức trong doanh nghiệp
Nguồn: Nonaka (1994, trang 20)
Như vậy, theo mô hình của Nonaka (1994), chúng ta thấy được cách thức các kiến thức của tổ chức được phát triển và truyền tải trong tổ chức. Trong mô hình nghiên cứu quá trình tiếp thu kinh nghiệm, chúng ta sẽ xem xét tổ chức lựa chọn kiến thức và phát triển, truyền tải tri thức đó như thế nào theo mô hình vòng xoắn ốc của Nonaka (1994).
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 466-469.
14 Th11 2019
14 Th11 2019
4 Th2 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019