Phương pháp học đi đôi với hành (learning by doing)

Phương pháp học hỏi kinh nghiệm đầu tiên được biết đến là phương pháp “học đi đôi với hành – learning by doing” dựa trên nền tảng đường cong kinh nghiệm. Theo học thuyết học hỏi, thông qua việc lặp lại các nhiệm vụ giống nhau, các nhân viên của doanh nghiệp ngày càng trở nên có kinh nghiệm, và điều này cho phép doanh nghiệp có thể có được năng suất tốt hơn. Ở mức độ tổ chức, có thể thấy ví dụ trong ngành hàng không Mỹ: Sỹ quan Wright đã quan sát trong ngành hàng không Mỹ những năm 30 và chỉ ra rằng với thời gian và đặc biệt là phụ thuộc vào việc sản xuất máy bay tích lũy, số giờ làm việc cần thiết cho mỗi đơn vị sản phẩm giảm dần và mỗi lần sản xuất tích lũy tăng gấp đôi thì tiết kiệm được 20% thời gian. Nói chung, đường cong kinh nghiệm cho thấy việc giảm giá thành đơn vị của tổ chức (hay đúng hơn là nhà sản xuất) có liên hệ tới việc gia tăng sản lượng sản xuất tích luỹ. Điều này được giải thích không chỉ qua ảnh hưởng trực tiếp của việc học hỏi mà còn qua việc tiến hành tiết kiệm quy mô lớn và áp dụng đổi mới (Yelle, 1979; Argote và cộng sự, 1990; Epple và cộng sự, 1991).

Trong tổ chức, phương pháp “học đi đôi với hành” được xem là phương pháp hiệu quả, thậm chí độc đáo, cho phép tổ chức tiếp thu được các kiến thức tiềm ẩn (Tsang, 2002), đó là những kiếm thức không giảng dạy được bằng ngôn ngữ, những kiến thức khó diễn dịch được trên giấy tờ và không thể chuyển giao qua giao tiếp. Chính vì vậy nhiều tổ chức đã sử dụng phương pháp này trong việc tổ chức các khóa đào tạo nhằm chuyển giao kiến thức tiềm ẩn. Kiến thức tiềm ẩn có vai trò hết sức quan trọng; và so với kiến thức cụ thể, đó là là nhân tố quyết định đến hiệu năng hoạt động của tổ chức (Phan, 2012).

Với các hoạt động có khối lượng sản xuất tăng nhanh chóng, đường cong kinh nghiệm là một công cụ phân tích chiến lược hiệu quả: vấn đề là phải đi xuống càng nhanh càng tốt dọc theo đường cong kinh nghiệm để có mức giá thành đơn vị sản xuất thấp nhất có thể. Việc giảm chi phí từ kết quả kinh nghiệm có được có thể trở thành rào cản cho các nhà sản xuất mới xâm nhập thị trường, bởi thời gian đầu họ sẽ phải chấp nhận chi phí cao hơn và khả năng sinh lời thấp hơn. Rào cản xâm nhập này cũng là rào cản ra khỏi thị trường. Các doanh nghiệp khi có được kinh nghiệm sẽ tìm cách tận dụng và tăng số lượng sản xuất để bù đắp cho mức đầu tư vào đó. Khi gia tăng quy mô số lượng, giá thành đơn vị sản xuất bắt đầu giảm. Đây là hiện tượng rõ ràng trong các phân tích, việc tiết kiệm quy mô lớn cho thấy sự đầu tư đáng kể trong việc mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng. Dù rằng khấu hao cho quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian, việc giảm chi phí cố định ở ngắn hạn do các đường cong học hỏi cho phép tăng đáng kể lợi nhuận trên chi phí sản xuất. Do vậy, nó giải thích cho việc tiết kiệm quy mô lớn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất với các khoản đầu tư lớn vượt mức, hiệu quả học hỏi giảm như trong trường hợp của cá nhân (có nghĩa là tăng tốc mạnh lúc ban đầu nhưng càng về sau càng khó khăn hơn), lợi nhuận thu được sẽ không bù đắp được cho các khoản khấu hao, chi phí cố định giảm lại làm tăng chi phí sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp có thể đa dạng hóa các dòng sản phẩm để thu được lợi nhuận đáng kể. Theo logic, nếu doanh nghiệp đa dạng hóa một dòng sản phẩm mới, doanh nghiệp có thể thu lợi từ chi phí quản trị, tối ưu hóa các nguồn lực dư thừa hiện có. Nhưng đến một mức độ nhất định, việc đa dạng hóa sản phẩm cũng gặp vấn đề. Công việc sẽ trở nên phức tạp hơn khiến nhà quản lý không thể đảm đương được hết và xuất hiện nhu cầu nguồn lực bổ sung khi tiến hành đa dạng hóa. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bước vào tình trạng chi tiêu vượt mức quy mô lớn, có thể dẫn tới những thiệt hại trong công tác quản trị và đòi hỏi những khoản đầu tư tài chính mới.

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 443-444.