Mô hình học hỏi phản ứng – kích thích (stimulus-response model)

Theo định hướng hành vi, doanh nghiệp được đặt trong môi trường hoạt động của mình. Các nhà nghiên cứu theo góc độ này đã mở rộng mô hình phản ứng – kích thích được Watson và Thorndike (trích dẫn bởi Merriam và Caffarella, 1999) ở cấp độ tổ chức. Theo họ, môi trường được coi là nguồn gốc của các tác nhân kích thích mà các doanh nghiệp dựa vào đó để có phản ứng. Hành vi của một tổ chức như vậy sẽ chịu tác động đồng thời của môi trường quá khứ và hiện tại (Cyert và March, 1963; Haleblian và Finkelstein, 1999).

Ở đây, các điều kiện trước đó rất quan trọng và các điều kiện hiện tại có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của các đối tác. Nếu tổ chức hiện tại có hoạt động tương tự như các dự án khác do đối tác thực hiện, nhiều khả năng hành vi trong quá khứ có thể sẽ được áp dụng trở lại giống như phản ứng đã được hình thành. Nếu hoạt động của tổ chức chỉ là một sự đa dạng hóa, tổ chức có thể không áp dụng lại hành vi trong quá khứ. Đó là tiến trình phổ cập và phân biệt phù hợp các kinh nghiệm tương tự giống và không tương đồng với bối cảnh cần áp dụng, do Haleblian và Finkelstein (1999) phát triển.

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 444.