Mô hình học hỏi tình huống (Situated learning) của doanh nghiệp

Mô hình học hỏi tham gia xã hội được hình thành từ định hướng xã hội hay tình huống được Lave và Wenger (1991) phát triển. Theo định hướng xã hội hay tình huống, cá nhân học hỏi thông qua quan sát hoạt động của người khác. Từ những quan sát đó, cá nhân thấy được những hậu quả của những hành động đó. Từ đó, cá nhân có thể có quan điểm về những gì có thể xảy ra khi hành động theo cách này hay cách khác.

Lave và Wenger (1991) đã đưa ra mô hình học hỏi tình huống (situated learning), thay vì xem quá trình học hỏi nhằm thu được kiến thức, các tác giả đặt cá nhân vào trong những mối quan hệ xã hội – các tình huống đòi hỏi sự hợp tác tham gia. Theo quan điểm của Lave và Wenger (1991), có rất nhiều các cộng đồng khác nhau như cộng đồng nơi làm việc, trong trường học, tại gia đình hay các cộng đồng có cùng sở thích, cùng mối quan tâm xã hội… Có thể với cộng đồng này, cá nhân có vai trò chủ chốt nhưng với cộng đồng khác cá nhân chỉ đóng vai trò phụ. Ban đầu, cá nhân tham gia vào cộng đồng và học hỏi. Sau đó, càng có chuyên môn cao hơn thì cá nhân càng tiến gần tới vai trò trung tâm hơn. Việc học hỏi được xem như một quá trình tham gia xã hội. Theo cách tiếp cận này, việc học chính là nhằm tạo ra một ý nghĩa trong cộng đồng. Học hỏi là tăng cường tham gia vào cộng đồng và “học hỏi là tổng thể các quan hệ luôn luôn phát triển liên tục” (Lave và Wenger, 1991, trang 50).

Trong mô hình này, tổ chức học hỏi với mục đích tham gia vào cộng đồng các tổ chức. Các doanh nghiệp được nghiên cứu trong mối quan hệ xã hội và tình hình hợp tác liên doanh giữa với nhau. Các doanh nghiệp có ảnh hưởng lẫn nhau, hành động của doanh nghiệp này có thể dẫn tới thay đổi của doanh nghiệp khác. Tổ chức có thể là thành viên của cộng đồng, ví dụ: các doanh nghiệp cùng ngành, các hiệp hội doanh nghiệp…

Theo quan điểm này, việc học hỏi kinh nghiệm của tổ chức có mục đích tăng cường sự tham gia của tổ chức vào cộng đồng, kết nối với các doanh nghiệp cùng ngành và đạt được kiến thức một cách độc lập hoặc theo tập thể (cùng với các tổ chức học hỏi khác). Ban đầu, tổ chức nằm ở vòng ngoài của cộng đồng và phải tuân thủ tất cả các quy tắc cũng như rào cản gia nhập và pháp luật. Theo thời gian, tổ chức ngày càng phát triển và chuyên nghiệp hơn, là kết quả của việc học hỏi kinh nghiệm, và trở thành trung tâm trong cộng đồng doanh nghiệp đó. Khi đã đứng ở vị trí trung tâm như thành phần chủ chốt, tổ chức học hỏi có thể ảnh hưởng tới cộng động bằng cách thay đổi trực tiếp hoặc gián tiếp các quy tắc tồn tại ban đầu.

Quá trình tham gia xã hội của tổ chức

 

Nguồn: Lave và Wenger (1991, trang 49)

Thực tế, mô hình học hỏi tham gia xã hội của tổ chức gắn với đường cong kinh nghiệm (Cyert và March, 1963; Levitt và March, 1988), quy trình quốc tế hoá (Johanson và Vahlne, 1977), và trào lưu “mới sẽ nhiều bất lợi” (liability of newness) theo cách tiếp cận sinh thái (Freeman và cộng sự, 1983). Ban đầu, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do thiếu những kiến thức liên quan đến ngành; qua quá trình đầu tư liên tục, năng lực của doanh nghiệp được hình thành và khả năng sinh tồn của doanh nghiệp càng ngày càng mạnh hơn. Hơn nữa, mô hình này cho phép làm sáng tỏ mục đích của tổ chức học hỏi, kết quả của quá trình học hỏi và vị trí của doanh nghiệp khi tiến hành học hỏi thành công. Doanh nghiệp trở thành thành viên chủ chốt có thể quản lý và thay đổi các quy tắc đã tồn tại của cộng đồng doanh nghiệp.

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 448-449.