Các kinh nghiệm tổng thể liên quan đến các kinh nghiệm trực tiếp mà tổ chức đã thu được toàn bộ hay một phần từ các thành viên trong tổ chức. Quy trình tiếp thu các kinh nghiệm tổng thể liên quan đến quy trình thử nghiệm – mắc lỗi được đề cập trong mục trước. Ngược lại, các kinh nghiệm gián tiếp là các kinh nghiệm “trực tiếp của các tổ chức khác” (Levitt và March, 1988). Tổ chức có thể tiếp thu các kinh nghiệm gián tiếp mà không phải bỏ ra chi phí đầy đủ để triển khai và thực nghiệm, mà chỉ cần quan sát hoạt động của những tổ chức khác (March, 1991; Terlaak và Gong, 2008). Quy trình học hỏi này, hay còn được gọi là “học hỏi gián tiếp”, phát triển khi tổ chức “thay đổi hành vi của mình theo với những hành vi của tổ chức khác” (Srinivasan và cộng sự, 2007, trang 18).
Trong lý thuyết về học hỏi của tổ chức, nhiều nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc học hỏi các kinh nghiệm gián tiếp của tổ chức: Các kinh nghiệm gián tiếp này đôi khi có thể thay thế các kinh nghiệm tổng thể, đặc biệt là trong trường hợp chấp nhận các thực tiễn, công nghệ và vị trí chiến lược mới (Srinivasan và cộng sự, 2007; Terlaak và Gong, 2008). Thực vậy, quy trình và cơ chế tiếp thu và phổ biến kinh nghiệm gián tiếp chủ yếu dựa trên hoàn cảnh xã hội của việc học hỏi của tổ chức (Lave và Wenger, 1991).
Theo hoàn cảnh xã hội, tổ chức được xem như một tổ chức học hỏi tìm cách tham gia vào cộng động doanh nghiệp trong nước. Cơ chế nền tảng của việc học hỏi gián tiếp xuất phát ban đầu từ việc tổ chức chú ý tới một hành vi cụ thể của tổ chức khác mà tổ chức học hỏi muốn tham khảo (Terlaak và Gong, 2008). Sau đó, tổ chức ghi nhớ, đồng hoá và ứng dụng kinh nghệm vào trong các tình huống khác nhau. Quy trình học hỏi kinh nghiệm gián tiếp này không liên quan tới việc học hỏi thông qua thử nghiệm – mắc lỗi. Tuy nhiên, tổ chức có thể chuyển kinh nghiệm học hỏi thành kinh nghiệm tổng thể đơn giản bằng cách ứng dụng lại kinh nghiệm đó trong tổ chức bằng một trong những phương pháp học hỏi kinh nghiệm tổng thể (xem phần trước). Trong trường hợp này, kinh nghiệm cụ thể của các tổ chức khác được xem như một giả thiết đối lập với hiện thực của tổ chức: Đường cong học hỏi của Kolb (1984) có thể bắt đầu từ giai đoạn 4, giai đoạn thử nghiệm; Mô hình của Argyris và Schön (2002) bắt đầu từ chiến lược hành động dựa trên các giá trị, chuẩn mực, chiến lược mà tổ chức khác đã tiếp nhận. Như vậy, quy trình học hỏi sử dụng các phương pháp tiếp nhận các kinh nghiệm tổng thể đã được thừa nhận.
Với quan điểm này, Levitt và March (1988) chỉ ra rằng việc học kinh nghiệm từ các tổ chức khác đạt được nhờ sự chuyển giao các kinh nghiệm đã mã hoá dưới dạng công nghệ, các dữ liệu mã hoá, quy trình hay thông lệ vận hành tương tự. Tiếp sau đó, các tác giả đề cập đến 3 cơ chế học hỏi (bắt buộc, bắt chước và chuẩn hoá), tương ứng với 3 kiểu bắt chước trong cách tiếp cận tổ chức của DiMaggio và Powell (1983):
- Cơ chế đầu tiên biểu hiện khi 1 kinh nghiệm đơn giản được phổ biến trong toàn bộ các tổ chức, ví dụ như các quy định của chính phủ, đoàn thể, hiệp hội thương mại, hiệp hội nghề nghiệp;
- Cơ chế thứ 2 liên quan đến việc mở rộng liên hệ giữa các tổ chức chưa có kinh nghiệm với những tổ chức có nhiều kinh nghiệm. Điều đó thường được thực hiện giữa các tổ chức hoạt động trong cùng ngành, cũng lĩnh vực, ví dụ như liên hệ giữa các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giữa các công ty tư vấn hay việc luân chuyển nhân sự giữa các công ty này;
- Cơ chế cuối cùng gồm 2 giai đoạn : (a) Phổ biến lan truyền trong một nhóm nhỏ các tổ chức và (b) Mở rộng ra toàn bộ các tổ chức thông qua các tổ chức giáo dục chính thống hoặc không chính thống, các chuyên gia hay các ấn phẩm thương mại…
Việc học hỏi gián tiếp này có thể mang lại lợi ích cho các tổ chức học hỏi, những cũng có thể mang lại lợi ích hoặc tổn thất cho các tổ chức nắm kinh nghiệm đầu tiên (Levitt và March, 1988; Terlaak và Gong, 2008). Những tác động này thể hiện dưới 2 dạng: Hiệu quả kỹ thuật và tính hợp thức. Việc học hỏi gián tiếp này có ý nghĩa tích cực như trong trường hợp phổ biến hoạt động kế toán (giúp các doanh nghiệp có thể thống nhất với nhau trong liên kết thị trường) hoặc tiêu cực (các bí mật công nghệ, kỹ thuật) đối với tổ chức bị bắt chước.
Trong khuôn khổ nghiên cứu này, chúng tôi sẽ không chỉ đưa ra các tác động này mà còn xác định khả năng hoạt động của tổ chức trong quá trình tham gia thị trường thông qua những phân tích về sự hình thành, phát triển của tổ chức từ lúc bắt đầu hoạt động tới khi có kinh nghiệm trên thị trường. Những vấn đề này sẽ được đề cập tới trong các phần tiếp theo.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 447-448.
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
4 Th2 2019