Môi trường kinh doanh đã thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ trở lại đây. Vai trò của các nguồn lực truyền thống cho phép doanh nghiệp đạt lợi thế cạnh tranh cũng đã biến đổi. Khoa học công nghệ phát triển tạo ra nhiều cơ hội cũng như rủi ro trong nỗ lực tìm kiếm, xây dựng và duy trì lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần liên tục thích ứng với môi trường kinh doanh mới hoặc tạo đột phá thay đổi môi trường hiện tại. Ngoài việc tinh giản cơ cấu, quy trình để tăng hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải tạo ra các kiến thức mới để tăng tính sáng tạo, đột phá. Kiến thức, với đặc tính rất khó bắt chước và rất phức tạp, trở thành nguồn lực quan trọng nhất đảm bảo sự thành công của doanh nghiệp. Học thuyết kiến thức (Knowledge – Based View) khẳng định chỉ có tạo ra các kiến thức mới, tạo sự khác biệt về kiến thức và khả năng sử dụng kiến thức đảm bảo lợi thế cạnh tranh bền vững cho các doanh nghiệp.
1. Khái niệm và bản chất của kiến thức
Kiến thức (knowledge) gồm những dữ kiện, thông tin, sự mô tả, hay kỹ năng có được nhờ trải nghiệm hay thông qua giáo dục. Kiến thức có thể được hình thành từ các thông tin hay kinh nghiệm hoặc là tổng hợp từ chúng. Kiến thức là câu trả lời cho câu hỏi “như thế nào”, “tại sao”; bao hàm phương thức thu thập và xử lý thông tin một cách hợp lý. Việc tiếp nhận kiến thức phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người, định hướng của mỗi doanh nghiệp. Kiến thức được phân thành các loại như sau:
- Kiến thức chuyên môn (know-how) là những kiến thức thực hành tích lũy được cho phép triển khai thực tiễn công việc một cách có hiệu quả;
- Kiến thức cụ thể rõ ràng (explicit knowledge) là những phần đã được thể hiện và hệ thống hóa tương đối cụ thể, ví dụ như các con số, công thức, các mô hình lý thuyết. Đây là loại kiến thức chính thức và có hệ thống trong tự nhiên, có thể truyền đi từ người này sang người khác mà không bị mất mát hay sai lệch trong lời nói về tổng thể;
- Kiến thức tiềm ẩn hay ngầm (tacit knowledge): Hầu hết kiến thức của con người ở dạng này. Kiến thức ngầm mang tính chất cá nhân, phụ thuộc vào bối cảnh và kinh nghiệm thực tế. Loại kiến thức này không thể hoặc rất khó có thể thể hiện bằng lời, không thể truyền đạt bằng ngôn ngữ giao tiếp. Trong thực tế, việc truyền đạt kiến thức ngầm được thông qua sự chia sẻ kinh nghiệm và tham gia thực tế (Nonaka và Takeuchi, 1995).
Về mặt khái niệm, cần phân biệt rõ kiến thức với một số loại đặc thù khác. Thứ nhất là dữ liệu (data), là một tập hợp các giá trị của các biến định tính hoặc định lượng, không có nghĩa (về nội dung, bản chất) ngoài sự tồn tại của nó. Mỗi mẩu dữ liệu là các thông tin riêng biệt. Dữ liệu thô, tức là, dữ liệu chưa qua xử lý, dùng để chỉ một tập hợp các con số, ký tự và là một thuật ngữ tương đối. Dữ liệu thực nghiệm là dữ liệu thực tế được ghi nhận của một cuộc điều tra khoa học bằng cách quan sát và ghi âm. Các dữ liệu này được đo, thu thập, tổng hợp và phân tích để tạo ra thông tin thích hợp cho việc ra quyết định và là nguồn gốc của kiến thức.
Thứ hai là thông tin (information), là dữ liệu đã được xử lý, tổ chức hoặc trình bày trong một bối cảnh cụ thể và trở nên có ích, trả lời được các câu hỏi “ai”, “cái gì”, “ở đây”, “khi nào”. Thông tin có thể được mã hóa thành các hình thức khác nhau để truyền đi và giải thích mà không bị mất mát về tổng thể. Kể cả khi thông tin được mã hóa để đảm bảo an toàn liên lạc thì các nguyên tắc giải mã chúng đều được biết rõ. Mỗi thông tin mang một ý nghĩa khác nhau trong những bối cảnh khác nhau. Thông tin là một loại kiến thức cụ thể rõ ràng, được truyền đi mà không bị mất mát về tổng thể; các nguyên tắc giải mã chúng đều được biết rõ.
Cuối cùng, kinh nghiệm (experience) là kiến thức thu được bằng phương pháp thực nghiệm (thực hành / sử dụng) hoặc qua quan sát sự việc khi tiếp xúc với nó (Dewey, 1929). Kinh nghiệm thường được hiểu như là bí quyết, kiến thức về cách làm chứ không phải các kiến thức trên sách vở. Kinh nghiệm được tích lũy trong một khoảng thời gian mặc dù có thể trải nghiệm chỉ từ một sự kiện cụ thể duy nhất. Việc học hỏi kinh nghiệm tạo ra tiền đề cho những kiến thức áp dụng trong doanh nghiệp và từ đó lại tạo ra các kiến thức mới. Kinh nghiệm hàm chứa phần lớn kiến thức tiềm ẩn hơn là cụ thể.
Kiến thức có một số đặc điểm chính như liên quan đến con người bởi con người là chủ thể tạo ra kiến thức và sử dụng kiến thức đó trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Kiến thức và hành động có liên quan đến nhau: kiến thức có được nhờ hành động và kiến thức được chứng minh bằng hành động. Kiến thức được thể hiện dưới nhiều hình thức và trên nhiều cấp độ: nó nằm trong tâm trí của các cá nhân, ảnh hưởng đến những thói quen, hành động, tổ chức cũng như được hệ thống hóa trong cơ sở dữ liệu và sách. Một số kiến thức có thể được biểu hiện ra ngoài với hình thức rõ ràng trong khi một số lại luôn ngầm. Kiến thức không thể được quản lý hoàn toàn theo cách tương tự như các loại tài nguyên; nó năng động, liên tục được tái diễn dịch và sửa đổi, liên quan đến việc học hỏi và thay đổi.
2. Kiến thức và lợi thế cạnh tranh
Doanh nghiệp theo quan điểm tiếp cận tri thức là cộng đồng xã hội tại đó kiến thức chuyên môn của các thành viên cá nhân và của tập thể được chuyển đổi thành sản phẩm/dịch vụ hữu ích về mặt kinh tế thông qua áp dụng các nguyên lý tổ chức quản lý hiệu quả hơn các mệnh lệnh. Trong nền kinh tế tri thức, sự tồn tại của doanh nghiệp dựa trên việc trao đổi các kiến thức chuyên môn và sử dụng nó. Sản xuất đòi hỏi việc phối hợp các kiến thức khác nhau nhưng thực tế thị trường khó có thể thực hiện được do khả năng chuyển giao của kiến thức ngầm cũng như rủi ro từ quyền sở hữu của các kiến thức cụ thể. Doanh nghiệp tồn tại vì vận hành hiệu quả hơn thị trường trong hoạt động này. Khả năng của doanh nghiệp nằm ở các nguyên tắc tổ chức cấu trúc hóa các quan hệ giữa các cá nhân, các nhóm hoặc giữa các tổ chức trong và ngoài doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sở hữu thông tin và kiến thức chuyên môn khác nhau, và sự khác biệt tác dụng dài hạn đến hiệu quả của các doanh nghiệp, khiến chúng khác nhau. Vận dụng kiến thức tốt sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững và đột phá, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Theo học thuyết kiến thức KBV (Knowledge-based view), kiến thức là nguồn lực quan trọng nhất của doanh nghiệp. Kiến thức tạo nên nền tảng vững chắc để doanh nghiệp có thể tạo ra và duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Nó góp phần vào việc nhận định cũng như triển khai thực hiện các chiến lược. Tất cả các hoạt động xảy ra trong doanh nghiệp đều đòi hỏi kiến thức, nó chính là kim chỉ nam dẫn đường cho mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ tổ chức (Kogut và Zander, 1992).
Kiến thức có thể cho phép doanh nghiệp đạt lợi thế cạnh tranh bền vững vì nó là nguồn lực rất khó có thể bắt chước và rất phức tạp. Không giống như các nguồn lực khác trong doanh nghiệp, kiến thức là nguồn lực luôn có sự thay đổi cũng như cách nhận thức kiến thức và áp dụng kiến thức vào thực tế hoạt động cũng khác nhau nên khó có thể bắt chước và được nhận định là khá phức tạp. Xuất phát từ đặc điểm của kiến thức, đó là được biểu hiện ra bởi nhiều hình thức và nhiều cấp độ khác nhau. Đồng thời, sự khác biệt về kiến thức và khả năng sử dụng, kết hợp chúng của doanh nghiệp là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Có được kiến thức những điều quan trọng là việc sử dụng nó như thế nào, kết hợp với các nguồn lực khác ra sao thì mới có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 387-389.
14 Th11 2019