Định nghĩa, vai trò và nguồn gốc của thông lệ vận hành (routines) trong doanh nghiệp

1. Nguồn gốc và định nghĩa thông lệ vận hành trong doanh nghiệp

Cohen và các cộng sự (1996) định nghĩa thông lệ vận hành (routines) là “khả năng thực hiện đạt được kết quả lặp lại trong bối cảnh tổ chức đã học hỏi dưới những áp lực lựa chọn trước đó” (trang 683). Thông lệ vận hành có thể được định nghĩa là những kho chứa kiến thức do kết nối các kỹ năng cá nhân dưới dạng gần như chính thức. Một thông lệ vận hành là một chuỗi các nguyên tắc điều kiện – hành động của những công việc khác nhau, được thực hiện liên tục hoặc song song với nhau. Các kiểu mẫu tiến hoá của doanh nghiệp được dựa trên ý tưởng doanh nghiệp như một bộ máy xử lý thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho năng lực doanh nghiệp thích ứng và xử lý thông tin. Hay có thể định nghĩa thông lệ vận hành là tất cả những quy định về tổ chức, quy trình sản xuất và xử lý thông tin được tiêu chuẩn hoá mô tả các hình mẫu hành vi và các kỹ thuật sản xuất của doanh nghiệp. Nelson (1994) cho rằng, “một doanh nghiệp có thể được nhìn nhận như hệ thống cấp bậc thông lệ vận hành trong thực tiễn, các kỹ năng quản trị hành chính cập bậc thấp và các thủ tục quyết định bậc cao cho lựa chọn những gì được làm với cấp độ yêu thích”. Nelson và Winter (1982) mô tả thuật ngữ thông lệ vận hành trên 2 khía cạnh: (i) liên quan đến nhận thức về học hỏi và kiến thức, và (ii) tổ chức các biện pháp khuyến khích, giám sát và kiểm soát. Do đó, thông lệ vận hành có hai đặc điểm như những kỹ năng giải quyết vấn đề và cơ chế quản trị.

Rõ ràng, có nhiều hành vi của doanh nghiệp mà theo nghĩa thông thường không thể được xem là thông lệ vận hành. Nhiều quyết định của doanh nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt, nhưng nhìn nhận theo quan điểm của doanh nghiệp và trên phương diện của xã hội không có tính thông lệ vận hành. Những người điều hành doanh nghiệp cấp cao trong thế giới hiện đại không dùng thời gian cả ngày nhàm chán áp dụng các giải pháp giống nhau đối với các vấn đề tương tự đã từng giải quyết nhiều năm trước đó. Thông thường, hầu hết những hành vi doanh nghiệp lặp lại và có thể dự đoán được được xếp vào “thông lệ vận hành”. Đặc biệt định nghĩa “thông lệ vận hành” được hiểu bao gồm những sắp đặt tương đối thường xuyên và các kinh nghiệm chiến lược đã hình thành nên cách thức tiếp cận đối với các vấn đề phi thông lệ mà doanh nghiệp đang đối mặt. Trong thực tế, tất cả các hành vi doanh nghiệp theo các hình mẫu lặp lại và có thể dự đoán không phù hợp với thuyết tiến hoá doanh nghiệp, do có những yếu tố có tính ngẫu nhiên thống kê trong xác định các quyết định và các kết quả quyết định. Trên phương diện của người tham gia đưa ra quyết định doanh nghiệp, các yếu tố ngẫu nhiên này có thể phản ánh kết quả của những cuộc họp lộn xồn, hoặc của những đối mặt với những vấn đề phức tạp trong điều kiện khủng hoảng. Nhưng trên phương diện của những người quan sát bên ngoài để hiểu về động lực của hệ thống lớn hơn, đặc điểm quan trọng của những hiện tượng này là khó có thể dự đoán. Ngược lại, nếu các hiện tượng này không khó dự đoán, những người quan sát sẽ có xu hướng lý giải những lộn xồn và cảm giác khủng hoảng như một thể loại của nghi lễ tổ chức – một phần của thông lệ vận hành.

Trong bất cứ trường hợp nào, hình mẫu tiến hoá cũng làm nổi bật lên những tương đồng giữa các loại khác nhau của thông lệ vận hành. Tại bất kỳ thời điểm nào, thông lệ vận hành của một doanh nghiệp xác định một danh sách các chức năng có vai trò quyết định những gì mà một doanh nghiệp làm như một chức năng của biến số đa dạng bên ngoài (các điều kiện thị trường) và các biến số tình trạng bên trong (dự trữ máy móc phổ biến, tỉ lệ lợi nhuận trung bình). Trong số các chức năng được xác định như vậy, một chức năng có thể liên quan đến đầu vào được đòi hỏi để sản xuất đầu ra (phản ánh kỹ thuật của doanh nghiệp), một chức năng có thể liên quan đến đầu ra được sản xuất bởi một doanh nghiệp đối với các điều kiện thị trường (đường cong cung cấp của thuyết chính thống), vàmột chức năng liên quan đến tỉ lệ đầu vào biến thiên đối với giá của nó và các biến số khác. Nhưng ngược lại trong thuyết chính thống, các kỹ thuật biến thiên là những điều đã biết không thay đổi và các nguyên tắc quyết định được cho là kết quả của tối đa. Còn ở trong thuyết tiến hoá, các kỹ thuật biến thiên được xem như phản ánh đơn giản bất kỳ thời điểm nào về mặt lịch sử các thông lệ vận hành nhất định quản trị các hành động của một doanh nghiệp.

Mặc dù các thông lệ vận hành quản trị hành vi tại bất kỳ thời điểm cụ thể nào, với thời gianlà dữ liệu định sẵn, đặc điểm các thông lệ vận hành phổ biến có thể được hiểu bằng cách tham khảo tiến trình tiến hoá đã tạo nên chúng. Đối với mục tiêu phân tích các tiến trình đó, thông lệ vận hành được phân chia thành 3 lớp.

Lớp đầu tiên liên quan đến những gì một doanh nghiệp làm vào bất kỳ thời gian nào, dựa trên dự trữ phổ biến của doanh nghiệp, trang thiết bị, và những yếu tố sản xuất khác không được gia tăng thêm trong ngắn hạn. Những thông lệ vận hành quản trị hành vi ngắn hạn có thể được gọi là “các đặc điểm vận hành”.

Nhóm thứ hai của thông lệ vận hành quyết định gia tăng hoặc giảm thiểu dự trữ vốn doanh nghiệp theo từng giai đoạn (các yếu tố sản xuất này được cố định trong ngắn hạn). Mức độ mà vi hành vi đầu tư thực sự theo sau các kiểu mẫu có thể dự đoán có thể khác nhau trong từng hoàn cảnh. Những kiểu mẫu nào vẫn được sử đụng có lẽ phụ thuộc vào quy mô dự án đầu tư liên quan đến hoạt động đang tồn tại của doanh nghiệp. Phạm vi của những triển vọng thực tế này tương tự như trong thuyết tiến hoá với một loạt các vai trò khác nhau của các yếu tố có tính thống kê ngẫu nhiên trong mô tả quá trình đưa ra quyết định đầu tư. Trong những mô hình cụ thể, các quy định đầu tư được các doanh nghiệp sử dụng sẽ là yếu tố quyết định đến lợi nhuận của doanh nghiệp, có thể đối với cả những biến số khác. Như vậy, các doanh nghiệp có lợi nhuận sẽ tăng trưởng và những doanh nghiệp không lợi nhuận sẽ thu hẹp lại, và các đặc điểm vận hành của những doanh nghiệp có lợi nhuận hơn sẽ giải thích cho phần tăng trưởng trong hoạt động của ngành kinh doanh.

Cơ chế lựa chọn trong thông lệ vận hành doanh nghiệp cũng tương tự với lựa chọn gien của tự nhiên với những tỉ lệ tái sản xuất thuần khác nhau trong thuyết tiến hoá sinh học. Như trong thuyết tiến hoá sinh học, trong thuyết tiến hoá kinh tế, tính nhạy cảm của tỉ lệ tăng trưởng của doanh nghiệp đối với thành công và thất bại bản thân nó là một sự phản ánh chính gien của nó.

Cuối cùng, các doanh nghiệp được xem là những đối tượng sở hữu các thông lệ vận hành để điều chỉnh theo thời gian các khía cạnh của các đặc điểm vận hành của mình. Ở một khía cạnh nào đó, các doanh nghiệp kiểu mẫu của thuyết tiến hoá có thể được xem như sở hữu các bộ phận phân tích thị trường, các phân xưởng nghiên cứu vận hành, và các phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển. Hoặc có thể không một trang thiết bị nào trong số này được xây dựng trong một doanh nghiệp, nhưng ít nhất thỉnh thoảng một số người trong doanh nghiệp có thể tham gia vào xem xét những gì doanh nghiệp đang làm và tại sao lại đang làm như vậy, cùng với tư tưởng sửa chữa lại hoặc thậm chí thay đổi toàn diện. Các tiến trình này, cũng như các tiến trình khác cần thiếết được hướng dẫn bởi quy định. Đó là một hệ thống cấp bậc của các nguyên tắc quyết định với các thủ tục cấp cao, thỉnh thoảng hoạt động để điều chỉnh các thủ tục cấp thấp. Thậm chí, có thể có những thủ tục của cấp bậc cao hơn cao như cân nhắc không thường xuyên về mức độ phù hợp của chính sách nghiên cứu và phát triển hiện tại hoặc về tính đúng đắn về phương pháp luận của các nghiên cứu tiếp thị, đang được sử dụng để hướng dẫn chính sách quảng cáo.

2. Vai trò của thông lệ vận hành trong doanh nghiệp

Nelson và Winter (1982) sử dụng thuật ngữ “thông lệ vận hành” để chỉ về đặc điểm của doanh nghiệp, bao gồm các thông lệ vận hành kỹ thuật cụ thể phục vụ sản xuất, các thủ tục thuê và sa thải, lệnh đặt hàng mới, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có nhu cầu cao, các chính sách đầu tư, nghiên cứu và phát triển, các chiến lược kinh doanh và quảng cáo về đa dạng hoá sản phẩm và đầu tư nước ngoài. Trong thuyết tiến hoá doanh nghiệp, thông lệ vận hành đóng vai trò như các gien của thuyết tiến hoá sinh học. Tương tự như gien trong cơ thể sinh vật, thông lệ vận hành là một đặc điểm lâu bền của cơ thể, quyết định hành vi có thể và có thể kế thừa nhiều đặc điểm tương tự của thế hệ trước. Các thông lệ vận hành cũng có thể chọn được ở khía cạnh có những thông lệ vận hành nhất định của doanh nghiệp thực hiện tốt hơn những thông lệ vận hành khác. Do đó, tầm quan trọng tương đối của thông lệ vận hành trong ngành kinh doanh tăng lên theo thời gian.

Mối quan tâm chính của thuyết tiến hoá là cùng với tiến trình động lực, theo một cách nào đó các kiểu mẫu hành vi doanh nghiệp và các kết quả thị trường được quyết định cùng với nhau theo thời gian. Lập luận điển hình của các tiến trình tiến hoá này cho rằng, tại mỗi thời điểm, các đặc điểm vận hành hiện tại của doanh nghiệp và mức độ dự trữ vốn và các biến số trạng thái khác quyết định các cấp độ đầu vào và đầu ra. Cùng với cung ứng thị trường và các điều kiện nhu cầu nằm bên ngoài doanh nghiệp, những quyết định này của doanh nghiệp xác định giá trị trường của đầu vào và đầu ra. Lợi ích của mỗi doanh nghiệp riêng lẻ được quyết định như vậy. Thông qua các nguyên tắc đầu tư, lợi nhuận vận hành như một yếu tố quyết định mức độ mở rộng hoặc thu hẹp của từng doanh nghiệp. Với quy mô doanh nghiệp được thay đổi theo cách như vậy, các đặc điểm vận hành tương tự sẽ thu được các cấp độ đầu vào và đầu ra khác nhau, do đó, giá và các dấu hiệu lợi nhuận cũng khác nhau.

Cùng với quá trình chọn lọc, toàn thể đầu vào và đầu ra, các cấp độ giá cho ngành kinh doanh sẽ trải qua thay đổi sâu sắc, ngay cả khi những đặc điểm vận hành doanh nghiệp riêng lẻ không thay đổi. Nhưng các đặc diểm vận hành cũng là đối tượng để thay đổi, thông qua thực hiện các nguyên tắc tìm kiếm của doanh nghiệp. Tìm kiếm và lựa chọn là các khía cạnh tương tác đồng thờicủa tiến trình tiến hoá: các giá tương tự nhau mang lại phản hồi lựa chọn cũng ảnh hưởng đến các hướng tìm kiếm. Thông qua hành động tìm kiếm và lựa chọn chung , các doanh nghiệp tiến hoá theo thời gian, với điều kiện ngành kinh doanh trong mỗi giai đoạn mang các hạt giống điều kiện của nó trong giai đoạn tiếp theo. Điều này rất đúng với đặc điểm của quá trình chuyển đổi từ một giai đoạn này tới giai đoạn tiếp theo mà các nội dung thuyết tiến hoá đã định hướng áp dụng. Tuy nhiên, ý tưởng của những nội dung này cho rằng tiến trình không mang tính quyết định, vì các kết quả nghiên cứu nói riêng một phần có tính ngẫu nhiên thống kê. Như vậy, những gì mà điều kiện ngành kinh doanh cuả một giai đoạn cụ thể thực sự quyết định là khả năng phân phối điều kiện của nó trong giai đoạn tiếp theo.

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 147-151.