Tùy theo đặc điểm và các tiêu chí phân loại, hệ thống có thể phân thành nhiều loại khác, như sau:
1. Hệ thống có thể phân nhỏ, gần như có thể phân nhỏ và không thể phân nhỏ
Simon (1968) dựa vào đặc điểm các mối liên kết giữa các phần tử trong hệ thống để chia hệ thống thành ba loại, bao gồm: hệ thống có thể phân nhỏ (decomposable system), hệ thống gần như có thể phân nhỏ (nearly decomposable system) và hệ thống không thể phân nhỏ (nondecomposable systems).
Trong hệ thống có thể phân nhỏ (decomposable system), các tiểu hệ thống tồn tại độc lập. Kết quả của quá trình phân nhỏ là các tiểu hệ thống độc lập hoạt động như một hệ thống mới không có liên kết với các tiểu hệ thống khác hoặc có liên kết nhưng không đáng kể.
Hệ thống gần như có thể phân nhỏ (nearly decomposable system) được cấu tạo bởi các đơn vị phần tử mà quan hệ tương tác giữa các phần tử này thường yếu hơn so với mức độ tương tác với môi trường bên ngoài. Hệ thống gần như có thể phân nhỏ chịu tác động từ môi trường bên ngoài và chuyển thành hệ thống có thể phân nhỏ tự nhiên.
Hệ thống không thể phân nhỏ (nondecomposable systems) là hệ thống phụ thuộc trực tiếp vào các hệ thống khác hoặc chịu ảnh hưởng từ các hệ thống đó. Trong hệ thống không thể phân nhỏ, mối liên kết giữa các phần tử và tiểu hệ thống rất chặt chẽ, nếu không có yếu tố từ môi trường xung quanh tác động đủ mạnh thì hệ thống này sẽ cố định trong một khoảng thời gian dài.
2. Hệ thống hướng đích
Ackoff (1971) đưa ra cách phân loại khác về hệ thống dựa trên hành vi và chức năng của toàn bộ hệ thống. Theo đó, các hệ thống nỗ lực duy trì và hoàn thành các mục tiêu đã được xác định trước. Mục tiêu này chỉ thay đổi khi có điều kiện thích hợp để điều chỉnh. Cụ thể, theo cách phân loại hệ thống hướng đích (goal-maintaining systems), có ba loại hệ thống, bao gồm: hệ thống tìm kiếm mục tiêu (goal-seeking systems), hệ thống tìm kiếm đa mục tiêu (multigoal-seeking systems), và hệ thống phản ánh và thay đổi mục tiêu (reflective, goal-changing systems).
Hệ thống hướng đích được thiết lập sẵn theo một quy trình và có cơ chế hoạt động nhất định. Vì vậy, các thay đổi của phần tử hệ thống sẽ được thiết lập trước dựa trên bộ nhớ của hệ thống, các hành vi biến đổi trong hệ thống được xử lý theo những hành vi trước đây do đó không làm thay đổi kết quả của hệ thống. Hệ thống bảo trì mục tiêu thường là hệ thống điều khiển được bởi hành vi của con người.
Trong các hệ thống tìm kiếm mục tiêu (goal-seeking systems), có thể lựa chọn cách xử lý các hành vi biến đổi trong hệ thống. Các hành vi được lưu trữ trong một bộ nhớ đơn giản cho phép thay đổi dựa trên quá trình học hỏi. Bộ điều chỉnh tự động có chức năng duy trì độ cao và tốc độ đã được cài đặt trước.
Các hệ thống tìm kiếm đa mục tiêu (multigoal-seeking systems) có khả năng lựa chọn các hành động để phản ứng lại những thay đổi trong môi trường nội bộ. Việc thay đổi mục tiêu tự động như vậy đòi hỏi các phương án thay thế cụ thể. Nói chung, hệ thống có khả năng xác định phương thức hành động nhằm thu được hiệu quả cao nhất. Điều kiện tiên quyết của hệ thống tìm kiếm đa mục tiêu là cần có một bộ nhớ mở rộng có khả năng lưu trữ và truy xuất thông tin nhanh chóng.
Hệ thống phản ánh và thay đổi mục tiêu (reflective, goal-changing systems) phản ánh các quyết định được đưa ra. Thông tin thu thập và lưu trữ trong bộ nhớ được kiểm tra để đưa ra các lựa chọn thay thế cho hành động. Mục đích, quyền tự chủ, quá trình học hỏi và ý thức là các yếu tố then chốt xác định quá trình này. Hệ thống phản ánh và thay đổi mục tiêu chỉ tồn tại trong các hệ thống sống.
3. Hệ thống tĩnh và động
Một cách phân loại phổ biến khác về hệ thống là hệ thống được chia làm hai loại, bao gồm hệ thống động (dynamic systems) và hệ thống tĩnh (static systems). Việc phân loại theo tiêu chí này chỉ được thực hiện một cách tương đối, do trên thực tế việc chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác của hệ thống luôn đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định. Nếu khoảng thời gian này tương đối dài, hệ thống được xem không phụ thuộc vào thời gian, do vậy gọi là hệ thống tĩnh. Còn nếu quá trình chuyển đổi trạng thái quá ngắn, tức hệ thống thay đổi trạng thái tức thời thì được gọi là hệ thống động.
Hệ thống tĩnh là hệ thống có cấu trúc ổn định và toàn bộ hệ thống không thực hiện bất cứ hành động nào. Hệ thống tĩnh có thể bao gồm hai hay nhiều đơn vị phần tử hoặc các hệ thống con, tất cả các hệ thống đều là hệ thống đóng và cụ thể. Do vậy, đơn vị phần tử và các mối liên hệ giữa chúng có thể được xác định trước. Trong hệ thống tĩnh, cấu trúc và các mối liên hệ được đánh giá là khá chặt chẽ, thay đổi một đơn vị phần tử có thể ảnh hưởng đến cấu trúc, chức năng của toàn bộ hệ thống.
Ngược lại, hệ thống động có cấu trúc thường xuyên thay đổi do thay đổi các mối liên kết giữa các bộ phận của hệ thống, tuy nhiên cấu trúc này thay đổi theo một chu kỳ nhất định. Thành phần cấu tạo của hệ thống động có thể bao gồm các hệ thống đóng, mở và hệ thống sống, vì vậy, mối liên hệ giữa các hệ thống con là không chặt chẽ, dễ dàng thay đổi.
4. Hệ thống mô phỏng và không thể mô phỏng
Hệ thống mô phỏng (simulative systems) và hệ thống không thể mô phỏng (nonsimulative systems) được phân loại dựa trên khả năng phản ánh tác động của hệ thống lên môi trường thông qua các hiệu ứng tuyến tính và phi tuyến tính.
Hệ thống không thể mô phỏng (nonsimulative systems) là hệ thống thường xuyên biến đổi khi có sự thay đổi của các yếu tố đầu vào. Hệ thống không mô phỏng thường có quy mô tương đối lớn và phức tạp, các cấu trúc phần tử thường khó xác định trước. Khi đơn vị phần tử hay hệ thống con có một sự thay đổi nhỏ cũng có thể biến đổi toàn bộ hệ thống.
Hệ thống mô phỏng (simulative systems) là hệ thống có cấu trúc tương đối đơn giản, do có tính chất mô phỏng vì vậy hệ thống được đánh giá ổn định trong một khoảng thời gian tương đối dài. Hệ thống mô phỏng và không mô phỏng thường xuất hiện cùng với nhau chỉ khác về quy mô hệ thống như hệ thống xã hội với hệ thống pháp luật, thiên nhiên với hệ mặt trời…
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 478-480.
4 Th2 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019