1 Hệ thống lý thuyết
Hệ thống lý thuyết (conceptual system) “là hệ thống các khái niệm, bao gồm một tập hợp các ý tưởng thể hiện trong một khuôn khổ biểu mẫu nhất định” (Miller, 1973, trang 68). Đơn vị của hệ thống lý thuyết là chữ, số hoặc các ký hiệu. Conceptual system chỉ có thể tồn tại dưới một số loại hệ thống cụ thể như một chiếc máy tính, một cuốn sách, từ điển. Con người có thể điều khiển, sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản, chuyển đổi ngôn ngữ, thông tin tạo thành sản phẩm mới của hệ thống.
Hệ thống này được cấu thành bởi các đơn vị phần tử và mối liên hệ giữa chúng. Hệ thống lý thuyết có thể điều chỉnh hoạt động của hệ thống vật chất. Sự thay đổi không thích hợp với hệ thống lý thuyết vì nó không tồn tại trong không gian và thời gian Miller (1973). Đơn vị của conceptual system là các thuật ngữ, như các từ (danh từ, động từ, tính từ), các con số, hoặc các ký hiệu khác, bao gồm cả các biểu thức và chương trình máy tính.
Mối quan hệ của hệ thống lý thuyết là tập hợp các cặp đơn vị được sắp xếp tương tự nhau dựa trên các tiêu chí nhất định. Ví dụ như tập hợp các từ được chia theo danh từ, động từ, tính từ, cấu trúc khác của từ; tập hợp các con số như số chẵn, số lẻ, số nguyên, số thập phân…Ngôn ngữ, ký hiệu hay biểu tượng là tất cả các khái niệm luôn tồn tại trong một hoặc nhiều hệ thống cụ thể, hệ thống sống hoặc không sống.
Quan hệ vào ra của hệ thống lý thuyết luôn cân bằng; cụ thể, khi đầu vào là các từ, ký hiệu thì đầu ra của quá trình là các định nghĩa và ngược lại. Cấu trúc của hệ thống này tương đối chặt chẽ và ổn định theo thời gian. Các đơn vị phần tử trong hệ thống chủ yếu được cấu tạo, liên kết song song với nhau. Đồng thời, độ tin cậy của các phần tử cũng như toàn bộ hệ thống được đánh giá là tương đối cao.
2. Hệ thống cụ thể
Hệ thống cụ thể (soncrete system) là loại hệ thống phổ biến nhất trong thực tế. Miller (1973, trang 68) định nghĩa hệ thống cụ thể “được tạo thành từ quá trình tích lũy phi ngẫu nhiên năng lượng vật chất trong một khu vực và trong không gian – thời gian vật chất, được tổ chức thành các tiểu hệ thống hoặc các thành phần có tương tác với nhau”. Đơn vị cấu thành (concrete system) là các hệ thống nhỏ hơn hoặc là các bộ phận đặc trưng liên kết lại với nhau (Hall và Fagan, 1956, trang 18).
Các mối quan hệ tồn tại trong concrete system có nhiều loại khác nhau, bao gồm không gian, thời gian, quan hệ nhân quả … Các quan hệ này có thể được xác định bằng quan sát thực nghiệm của con người. Vì vậy, đối với một concrete system, con người có thể dễ dàng đánh giá, định hướng, sửa đổi cấu trúc hệ thống để phù hợp với nhiệm vụ đặt ra (Miller, 1973).
3. Hệ thống trừu tượng
Hệ thống trừu tượng (abstract system) là tập hợp tất cả các yếu tố bắt buộc là khái niệm. Đây là hệ thống trung gian, trong đó các thành phần có thể hoặc không thể quan sát được bằng thực nghiệm của con người. Đơn vị của hệ thống trừu tượng là các mối quan hệ được trừu tượng hóa và lựa chọn thông qua quan sát của một cá nhân dựa trên quan điểm hay lý thuyết của họ. Mối quan hệ giữa trừu tượng tinh thần và các lớp cấu tạo nên nó tạo thành hệ thống. Ví dụ, trong tâm lý học, các cấu trúc giải thích quá trình tâm linh được mô tả bằng một hệ thống các khái niệm trừu tượng, kết hợp với các yếu tố và kinh nghiệm thực tế. Các hệ thống trừu tượng trừu tượng hóa các yếu tố thuộc thế giới thực và sắp xếp các yếu tố này thành thành phần của mô hình hệ thống. Hệ thống trừu tượng kết hợp các yếu tố thực nghiệm và lý thuyết. Các nền văn hóa chính là một ví dụ điển hình của hệ thống trừu tượng. Trong một hệ thống không thể cảm nhận được, các thành phần và các mối quan hệ phức tạp giữa chúng che giấu đi cấu trúc thực tế của hệ thống (Miller, 1973).
Các đơn vị của hệ thống trừu tượng có thể là các mối quan hệ được trừu tượng hóa hoặc được lựa chọn bởi người quan sát dựa trên quan điểm lý thuyết và triết học của họ. Một số mối quan hệ có thể được xác định thông qua thực nghiệm (một số hoạt động do người quan sát thực hiện) hoặc chỉ đơn thuần là các khái niệm không xác định được mà tồn tại ẩn bên trong cấu trúc thực của hệ thống (Miller, 1973).
Các mối quan hệ đề cập ở trên được quan sát để tương tác trong hệ thống cụ thể (concrete system), thông thường là các hệ thống sống (living systems). Các hệ thống cụ thể này bao gồm các mối quan hệ của hệ thống trừu tượng. Các phát biểu lý thuyết bằng lời của hệ thống trừu tượng thường ngược lại so với các phát biểu của hệ thống cụ thể. Danh từ và các biến thể của nó chủ yếu đề cập đến các mối quan hệ. Trong khi đó, động từ và các biến thể của nó đề cập đến hệ thống cụ thể, trong đó các mối quan hệ này có sự tương tác lẫn nhau. Các hệ thống cụ thể này được nghiên cứu thực nghiệm thông qua các hoạt động của người quan sát.
Hệ thống trừu tượng khác với trừu tượng hóa. Trừu tượng hóa chỉ đơn thuần là một khái niệm – một thành phần tạo nên hệ thống lý thuyết (conceptual system) đại diện cho một lớp các hiện tượng có các đặc tính tương tự nhau. Các thành phần của một lớp không tương tác với nhau, cũng như các mối quan hệ trong một hệ thống trừu tượng.
Các hệ thống trừu tượng chủ yếu xuất hiện trong lý thuyết khoa học xã hội và ít được sử dụng trong lý thuyết khoa học tự nhiên. Parsons và Shils (1951) đã phát triển lý thuyết hành vi tổng thể thông qua sử dụng các hệ thống trừu tượng. Một hệ thống xã hội (social system) là hệ thống cụ thể trong không gian và thời gian, có thể quan sát được và có thể đo lường được bằng các kỹ thuật như đối với khoa học tự nhiên. Hệ thống này được trừu tượng hóa và bao gồm các mối quan hệ hình thành nên tổ chức. Trong hệ thống này, đơn vị quan trọng là các lớp của mối quan hệ đầu vào – đầu ra của tiểu hệ thống chứ không phải các tiểu hệ thống.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 467-469.
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019
14 Th11 2019