Bộ nhớ (organizational memory) và khả năng hấp thụ kiến thức (absorptive capacity) của tổ chức

Trong môi trường hoạt động của mình, tổ chức thường xuyên nhận được rất nhiều dữ liệu từ các tác nhân khác nhau và về những phản ứng của môi trường đối với hoạt động của các tác nhân đó. Đó là những kinh nghiệm gián tiếp và những kinh nghiệm trực tiếp mà tổ chức có được. Khi nhận được các dữ liệu này, tổ chức sẽ xử lý như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, phần này trình bày các nội dung về “bộ nhớ của tổ chức – organizational memory” trong các mục dưới đây.

1. Khả năng hấp thụ của tổ chức theo Cohen và Levithal (1990)

Cohen và Levinthal (1990) tiếp cận học hỏi và đổi mới theo một cách mới khác, tập trung vào khả năng tiếp thu kiến thức của tổ chức. Khả năng tiếp thu không đơn thuần là tiếp thu hay đồng hóa các thông tin mới mà còn là khả năng khai thác thông tin với các mục tiêu kinh doanh của tổ chức. Theo Cohen và Levinthal (1990), khả năng tiếp thu bao gồm 3 thành phần sau: (1) khả năng nhận biết giá trị của các thông tin mới, (2) khả năng đồng hóa thông tin và (3) khả năng áp dụng thông tin mới vào mục đích kinh doanh hay mục đích phi lợi nhuận của tổ chức. Khả năng tiếp thu của tổ chức phụ thuộc vào khả năng tiếp thu cá nhân của các thành viên, nhưng khả năng này không phải chỉ đơn thuần là tổng hợp các khả năng tiếp thu cá nhân (Cohen và Levinthal, 1990). Như minh họa trong hình trôn ốc của Nonaka (1994), khả năng tiếp thu của tổ chức phụ thuộc vào việc chuyển giao kiến thức thông qua và cùng với các thành tố mà có thể nhanh chóng tách xa điểm khởi đầu. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, chúng ta quan tâm tới các khía cạnh tổ chức của bộ nhớ tổ chức.

Các nhà nghiên cứu cũng xác định các yếu tố nội tại trong mỗi thành phần của khả năng tiếp thu. Trong số các yếu tố, “kiến thức sẵn có” đóng vai trò quan trọng, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc thừa nhận, đồng hóa và ghi nhớ, sử dụng các kiến thức mới đã được tiếp thu: “học hỏi là tích lũy và hiệu quả học hỏi sẽ cao nhất khi các đối tượng học hỏi có liên quan tới những gì đã được biết đến” (Cohen và Levinthal, 1990, trang 131). Việc ghi nhớ hay lưu trữ kiến thức được phát triển thông qua quá trình học hỏi liên kết các nội dung, trong đó các sự kiện sẽ được mã hóa và liên kết với các khái niệm tồn tại từ trước đó. Những kiến thức nền tảng cơ sở cho quá trình tiếp thu này chính là những kinh nghiệm mà tổ chức đã tích lũy trong quá khứ.

Ngoài ra, thông qua quá trình học hỏi, tổ chức học hỏi thiết lập và phát triển khả năng đặc biệt tiềm ẩn là khả năng “học cách học” (learning to learn) (Cohen và Levinthal, 1990, trang 128). Đây cũng là một hình thức học hỏi của tổ chức, mang tính đặc thù khác hẳn với tất cả những hình thức học hỏi hay tiếp thu kiến thức thông thường. Học hỏi ở đây là “cải thiện dần hiệu quả nhiệm vụ học hỏi” của tổ chức (Cohen và Levinthal, 1990, trang130). Trong quá trình học hỏi hay chuyển giao kiến thức, doanh nghiệp phải thực hiện một số nhiệm vụ nhất định như các kỹ thuật, phương pháp hay thói quen học hỏi. Những kiến thức về các hoạt động này sẽ cho phép doanh nghiệp khi tiến hành học hỏi những kiến thức mới khác hoàn toàn với những kiến thức sẵn có có thể có lợi thế so với các doanh nghiệp khác không có kinh nghiệm học hỏi này.

2. Sự vận hành của bộ nhớ theo Levitt và March (1988)

Nghiên cứu của Levitt và March (1988) dựa trên khái niệm về các “thông lệ vận hành của tổ chức – organizational routines”, bao gồm các “hình thức, quy tắc, thủ tục, chính sách, chiến lược và công nghệ mà dựa vào đó tổ chức được xây dựng và đi vào hoạt động” (trang 320). Các thông lệ vận hành này cũng “bao gồm cấu trúc niềm tin, khuôn mẫu, mã số, văn hóa và kiến thức củng cố, xây dựng và trái ngược với các thông lệ vận hành chính thức” (trang 320). Các thông lệ này được xây dựng và thích ứng với môi trường qua “các bài học kinh nghiệm về lịch sử mà các tổ chức và các thành viên tổ chức có thể dễ dàng tiếp cận dù họ không thể trải nghiệm thời kỳ lịch sử đó” (trang 320). Đặc biệt, Levitt và March (1988) cho rằng tổ chức không chỉ học từ các kinh nghiệm trực tiếp của mình mà còn từ các kinh nghiệm của các tổ chức khác bằng cách quan sát (các kinh nghiệm gián tiếp). Tất cả các kinh nghiệm này đều là cơ sở cho việc học hỏi của tổ chức, và được xử lý qua ba giai đoạn (1) ghi nhận, (2) lưu giữ hoặc bảo tồn và (3) ghi nhớ. Theo các tác giả, các giai đoạn xử lý này là hoạt động hàng ngày của bộ nhớ tổ chức.

  • Ghi nhận kinh nghiệm

Tổ chức thường xuyên tiếp nhận và có thể sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ là những bài học kinh nghiệm trực tiếp và gián tiếp; những dữ liệu này có ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực lên tổ chức nhưng tổ chức không thể đồng thời chú ý tới tất cả các yếu tố. Tổ chức phải chú ý tới chi phí chuyển đổi các kinh nghiệm thành những thông lệ vận hành và chi phí bảo lưu các thông lệ này trong bộ nhớ tổ chức. Dù có quy trình ghi lại các dạng thông lệ vận hành khác nhau trong các hoàn cảnh khác nhau, nhưng quy trình này chỉ có thể thực hiện thành công một phần nào đó. Trong thực tế, không phải tất cả mọi thứ đều được ghi lại trong bộ nhớ tổ chức (Levitt và March, 1988). Một phần lớn bài học kinh nghiệm không được ghi lại do chi phí phát sinh quá cao. Do đó, tổ chức phải quan tâm tới vấn đề này một cách có lựa chọn: tổ chức phải thường xuyên phân biệt đâu là các kinh nghiệm hữu ích, có lợi cho hành động tương lai và chỉ những kinh nghiêm liên quan tới các vấn đề được đặt ra sẽ được giữ lại và được tiếp nhận trong bộ nhớ tổ chức. Các kinh nghiệm này sẽ tiếp tục được xử lý và lưu giữ trong bộ nhớ (Levitt và March, 1988).

  • Lưu giữ kinh nghiệm

Nếu kinh nghiệm không được chuyển giao từ người trải nghiệm kinh nghiệm đó cho những người khác, kinh nghiệm đó có thể bị mất đi sau quá trình thay đổi nhân sự. Chỉ những quy tắc bằng văn bản, những nội dung truyền ngôn và hệ thống học hỏi chính thức và không chính thức mới giảng dạy những bài học kinh nghiệm lịch sử. Việc chuyển giao này được thực hiện khá trực tiếp và các kinh nghiệm của tổ chức được lưu giữ đáng kể; nhưng đôi khi những kinh nghiệm tổ chức không được giữ lại và biến mất khỏi bộ nhớ hoạt động của tổ chức vì nhiều lý do khác nhau (Levitt và March, 1988) như: thời gian hạn chế hay tính hợp thức của nhân viên truyền tải kinh nghiệm (nhóm thực hiện không đúng hoặc số lượng nhân viên mới đông); xung đột với các quy tắc chuẩn; yếu kém trong kiểm soát.

  • Nhắc lại kinh nghiệm

Có thời điểm dù tất cả các thông lệ vận hành của tổ chức được lưu giữ ổn định nhưng chỉ một phần bộ nhớ tổ chức được đem ra sử dụng hay thậm chí chỉ được sử dụng trong một đơn vị nhất định của tổ chức và cũng có những yếu tố có thể được sử dụng dễ dàng hơn những yếu tố khác. “Khả năng sử dụng này gắn với tần suất áp dụng thông lệ, thời gian sử dụng và sự gần gũi với hoạt động của tổ chức” (Levitt và March, 1988, trang 328). Khả năng có thể sử dụng này cũng liên quan một phần tới chi phí nghiên cứu và sử dụng những kinh nghiệm được lưu giữ trong bộ nhớ.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 450-452.