Bối cảnh giao dịch (transaction atmosphere) của doanh nghiệp

Bối cảnh giao dịch (transaction atmosphere) “… hàm chứa các tương tác toan tính giữa các cá nhân và kết quả kéo theo đó của hệ thống” (Williamson, 1975, p.38). Trong một bối cảnh giao dịch thiếu niềm tin, nhiều hoài nghi và không chắc chắn, các bên tham gia giao dịch sẽ có những hành động cần thiết để đảm bảo lợi ích, an toàn của bản thân khi tham gia giao dịch, và điều này sẽ làm phát sinh chi phí. Bromiley và Cummings (1995) định nghĩa lòng tin (trust) “… bởi niềm tin của một cá nhân hay niềm tin chung của một nhóm cá nhân rằng những người hay nhóm khác (1) cố gắng một cách trung thực và liêm chính để cư sử phù hợp trong mọi cam kết cụ thể hay ngầm hiểu, (2) trung thực trong mọi thương lượng liên quan đến các cam kết này, và (3) không dung các lợi thế quá mức từ bên khác ngay cả khi có cơ hội” (trang 223); và khẳng định: lòng tin tăng, chi phí giao dịch này giảm; lòng tin giảm, chi phí giao dịch này tăng.

Khác với quan điểm về lòng tin của Bromiley và Cummings (1995), Williamson (1985) cho rằng chủ nghĩa cơ hội làm mất lòng tin và các tổ chức phải xem như các cá nhân là những tác nhân không thể tin cậy được và mang tính cơ hội cao. Theo Williamson (1985), không thể xác định được sự đáng tin cậy, và để làm được điều đó phải mất rất nhiều chi phí. Tương tự đối với chủ nghĩa cơ hội, phải mất chi phí khá lớn để có thể phân biệt từ trước ai là người cơ hội và ai là người không cơ hội. Các loại hình tổ chức kinh tế có mức độ tin cậy cao và mục đích tốt sẽ trở nên “yếu ớt” vì bị những kẻ cơ hội có thể xâm nhập và lợi dụng. Vì vậy, các tổ chức cần phải chú ý xem xét và lựa chọn ai có thể hợp tác và, đồng thời, phải bảo vệ mình tránh khỏi các đối tượng hoặc các cá nhân trục tư lợi.

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 369-370.