Theo quan điểm tâm lý học, doanh nghiệp là một loại hình tổ chức, được định nghĩa là một liên minh các cá nhân hay các nhóm người (gọi chung là các tác nhân), trong đó mỗi tác nhân theo đuổi mục đích riêng của họ (Simon, 1959; Cyert và March, 1963). Mở rộng khái niệm và cấu trúc của liên minh, cũng như giới hạn nó, theo cách tiếp cận khoa học quản lý, doanh nghiệp gồm hai nhóm tham gia chính: các nhà quản lý (người đại diện – agents) và các cổ đông (principal). Trên thực tế, doanh nghiệp gồm sự hiện diện của các tác nhân sau: nhân viên (không kể lãnh đạo), các cổ đông, các nhà quản lý, và những người này không hợp thành một nhóm đồng nhất; một vài nhóm khác có thể kể đến nhưng ít quan hệ trực tiếp với doanh nghiệp hơn như: tập khách hàng, các nhà cung ứng, người tài trợ vốn … (Kœnig, 1998). Sống trong môi trường doanh nghiệp phức tạp, mỗi tác nhân ra quyết điịnh (người đại diện hay nhóm đại diện; cổ đông hay nhóm cổ đông; các bên liên quan …) đồng nhất đều theo đuổi và thể hiện hành vi, trên cơ sở khả năng tư duy của mình, theo nguyên lý thỏa mãn xuất phát từ động cơ cá nhân hay nghề nghiệp của chính họ.
Cụ thể, các tác nhân gắn liền với “hoạt động ra quyết định”; vai trò và hành động của họ cũng được xác định gắn liền với hoạt động này. Trong quyết định nhóm, thường có năm đối tượng có thể tham gia vào quá trình ra quyết định, gồm:
- Người ra quyết định (Decision Makers): là những người có thẩm quyền lựa chọn có dùng hay không kết quả của các bước trong quy trình ra quyết định;
- Người đưa ra các đề nghị (Proposers): là những người chỉ có quyền đưa ra các đề xuất, kiến nghị;
- Chuyên gia (Experts): là những người chủ yếu cung cấp đầu vào cho các vấn đề đã được mô hình hóa;
- Nhà tư vấn hoặc chuyên gia phân tích (Consultants or Decision Analysts): là những người tư vấn về phương pháp diễn tả vấn đề;
- Người hỗ trợ (Facilitators): là những người không có vại trò trực tiếp trong quy trình ra quyết định, nhưng hỗ trợ quá trình hợp tác và làm việc của các chuyên gia và truyền đạt kết quả trong và giữa các bên tham gia trực tiếp hoạt động ra quyết định.
Trong các tác nhân trên, “người ra quyết định” với “hoạt động ra quyết định” có vai trò đặc biệt quan trọng. Thực chất, trong doanh nghiệp, ra quyết định là một phần trong hoạt động quản lý. Người ra quyết định trong doanh nghiệp có vai trò quan trọng. Họ là người đưa ra tầm nhìn cho doanh nghiệp và đưa ra quyết định. Mỗi quyết định của người ra quyết định có ảnh hưởng nhất định đến mục tiêu chung của doanh nghiệp. Nếu các thành viên trong doanh nghiệp đối mặt với các lựa chọn trong bối cảnh không thể hoặc khó kiểm soát như đang tham gia vào một cuộc chiến may rủi bất bình đẳng, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tham gia hành động (March, 1988). Khi đó, “người ra quyết định” sẽ đóng vai trò tích cực, trách nhiệm và vai trò ra quyết định cũng khẳng định vị thế và quyền hạn của người ra quyết định trong doanh nghiệp.
Phân công trách nhiệm không thể tách rời khỏi xu hướng con người nhằm thiết lập quan hệ giữa hành vi và sự kiện và để giảm thiểu rủi ro. “Ra quyết định”, vì vậy, đóng vai trò quan trọng trong phân công trách nhiệm trong doanh nghiệp. Xác định người ra quyết định, hoặc người đã ra quyết định cũng chính là xác định người chịu trách nhiệm. Hoạt động ra quyết định là một việc không hề đơn giản bởi quyết định được đưa ra ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Hoạt động ra quyết định tạo ra trách nhiệm trong điều kiện quyết định được kết hợp từ ý kiến được chọn. Điều đó tạo nên kết quả quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Trên thực tế, đó cũng là cách đưa ra tầm nhìn cho “những người ra quyết định” để có thể xác định trách nhiệm một cách rõ ràng. Trong các doanh nghiệp có hệ thống ra quyết định, để phân bổ trách nhiệm, cần xác định một vài người thực sự là nguyên nhân của sự kiện hoặc hành động đặc biệt để họ có thể lựa chọn giữa các khả năng. Một số nhà quản lý đang đấu tranh cho quyền tham gia vào quá trình ra quyết định nhưng sau đó họ lại không thực hiện quyền này. Chức năng khác của hoạt động ra quyết định như một đại diện xã hội có thể đưa ra ý nghĩa hoạt động của doanh nghiệp. Ra quyết định trong trường hợp này không phải là hành động lựa chọn. Trong trường hợp này, hoạt động ra quyết định mang tính chất biểu tượng, rất nhiều khía cạnh của quá trình ra quyết định có thể được coi là nghi lễ.
Phát triển các ý tưởng dự đoán bởi Cyert và March (1963), phần lớn các hoạt động không nằm trong quá trình ra quyết định hợp lý nhưng lại là kết quả của các thủ tục tổ chức và các công việc liên quan đến tổ chức giống như hệ thống các quy tắc. Hầu hết các quyết định và hành động của doanh nghiệp không dựa trên sự lựa chọn mà dựa vào việc áp dụng các quy tắc và các cá nhân có thể làm theo quy tắc đó. Các chủ thể sẽ biết tình huống được đưa ra và làm cho nó phù hợp với một quy tắc thích hợp được lựa chọn từ một trong số các quy tắc của doanh nghiệp. Quan niệm này của doanh nghiệp giống như hệ thống các quy tắc liên quan đến hoạt động ra quyết định đối với hoạt động của doanh nghiệp. Khi phải đối mặt với tình huống không rõ ràng hoặc không chắc chắn, doanh nghiệp đó sẽ tìm kiếm các mô hình mẫu để làm theo; đặc biệt, sẽ tìm cách bắt chước các doanh nghiệp đã thành công trong việc đối phó với tình trạng này để tạo ra các quy tắc thích hợp nhất với tình hình hiện tại. Các quy tắc và thông lệ này đã được kiểm chứng bởi hiệp hội chuyên nghiệp hoặc đã được các lãnh đạo cho ý kiến (Di Maggio và Powell, 1983). Trong trường hợp này, hành động của doanh nghiệp được tạo thành từ các yếu tố nằm ngoài sự lựa chọn và ra quyết định.
Các khái niệm về hoạt động ra quyết định được tích lũy từ xưa cho đến giai đoạn hiện đại ngày nay, bao gồm các lớp chồng lên nhau trong các doanh nghiệp và trong tinh thần các cá nhân. Không một khái niệm nào có thể thay thế cho nhau mà nó cùng tồn tại đan xen. Các khái niệm được chúng tôi trình bày nhằm làm nổi bật sự phát triển, không thể tách rời sự phát triển của doanh nghiệp và bối cảnh của nó.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 234-239.
13 Th11 2019
4 Th2 2019
13 Th11 2019
13 Th11 2019
13 Th11 2019
13 Th11 2019