Mô hình quyết định theo quyền lực trong doanh nghiệp

Trường phái Michel Crozier (Crozier, 1962; Crozier et Friedberg, 1977) có đóng góp to lớn trong việc xây dựng lý thuyết tổ chức, với mô hình ra quyết định theo quyền lực trong doanh nghiệp. Khác với các lý thuyết trước, lý thuyết của Crozier đặt khái niệm hệ thống xã hội trong một tổng thể. Do tầm quan trọng và sự phát triển của các tổ chức công nghiệp và hành chính, các nhà nghiên cứu cho rằng xã hội học tổ chức có thể làm rõ những vấn đề, sự kiện xã hội chung nhất của doanh nghiệp.

Trong nghiên cứu quan trọng đầu tiên của mình, Crozier (1962) cố gắng tìm hiểu và giải thích hoạt động kém hiệu quả của hệ thống quan liêu và nguyên nhân của tình trạng này. Mức độ phát triển các quy tắc khách quan, sự tập trung các quyết định, sự đơn độc của cá nhân trong doanh nghiệp, sự gia tăng áp lực của nhóm lên cá nhân cũng như sự phát triển của quyền lực góp phần phát triển vòng luẩn quẩn quan liêu. Ví dụ, những khó khăn thích ứng dẫn đến việc tăng cường tập trung các quyết định và bản thân các quyết định này tăng cường sức chịu đựng các cá nhân trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc các cá nhân đấu tranh để cải thiện vị trí của mình lại ngăn cản doanh nghiệp thích ứng và gia tăng các vấn đề. Như vậy sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn. Theo Crozier (1970), mô hình này là hình ảnh phản ánh của mô hình văn hóa Pháp. Ở đó, sự suy thoái liên tục của hệ thống chỉ có thể thoát ra bằng một cuộc khủng hoảng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, mô hình này không phù hợp với tất cả các doanh nghiệp. Crozier và Friedberg (1977) đề xuất lý thuyết chung về tổ chức, hướng đến mục tiêu đưa các hành vi tập thể vào toàn thể tổ chức, thông qua các mối quan hệ quyền lực và các mối quan hệ chiến lược giữa các thành viên. Mô hình này đưa ra khái niệm tổ chức như một hệ thống. Theo đó, hành vi tập thể không phải là một hiện tượng tự nhiên mà là một vấn đề. Do vậy, tổ chức được định nghĩa như là một “sự kiến tạo xã hội”: một giải pháp xây dựng, nhân tạo, các vấn đề hành vi tập thể.

Thông qua định nghĩa tổ chức, Crozier và Friedberg (1977) đưa ra khái niệm quyền lực để hiểu về hành vi tập thể. Quyền lực ở đây không được hiểu theo nghĩa cổ điển của Taylor về chính quyền hợp pháp, sự trấn áp hay quyền lực “hợp lý – hợp pháp” được Weber (1948) đề cập, mà liên quan đến vị trí thứ bậc của các thành viên của tổ chức. Quyền lực là kết quả của việc huy động những nguồn không chắc chắn được các chủ thể kiểm soát, theo một cấu trúc đưa ra. Cơ chế chính quy định chiến lược của các chủ thể khác nhau, quyền lực là một khía cạnh không thể thiếu của mọi mối quan hệ xã hội kéo theo sự mặc cả “thiện chí” đối với hành vi tập thể.

Những hiện tượng này được phát triển khi doanh nghiệp hướng tới một cấu trúc khác biệt, trong đó cá nhân đều được giao mục tiêu, nhiệm vụ và ưu tiên cụ thể. Khái niệm về sự khác biệt là trung tâm của lý thuyết phụ thuộc nguồn lực (Pfeffer và Salancik, 1978). Lý thuyết này giải thích tại sao một số doanh nghiệp thống trị và kiểm soát tiếp cận với nguồn tài nguyên khan hiếm và quan trọng đối với sự tồn tại của doanh nghiệp. Một dịch vụ hoặc bộ phận có khả năng mở rộng phạm vi ảnh hưởng khi xử lý các tình huống khó khăn phải đối mặt để bảo vệ các đơn vị khác. Ví dụ, sự can thiệp về giá cả của bộ phận kinh doanh có thể giúp tránh được biến động về nhu cầu và quảng cáo có sức mạnh quan trọng trong doanh nghiệp. Những nghiên cứu trên khẳng định lý thuyết của Crozier, đó là khả năng làm chủ khu vực bất ổn gây ra “trò chơi quyền lực” giữa các chủ thể.

Hoạt động ra quyết định sẽ ra sao trong khái niệm tổ chức giống như kiến tạo xã hội, cân bằng bấp bênh do xung đột và việc ngã giá đang diễn ra giữa các chủ thể? Ra quyết định trở thành trò chơi quyền lực. Vấn đề đặt ra làm sao để lôi kéo những người liên quan và cố gắng gây ảnh hưởng đến những quyết định có lợi cho mình. Vì vậy, chủ đề ra quyết định, được đẩy vào chương trình nghị sự, xác định các ưu tiên xử lý vấn đề. Thông tin này được ẩn hoặc bỏ qua tùy thuộc vào mục tiêu của người tham gia.

Cố gắng kiềm chế các mục tiêu và loại bỏ đối thủ, quá trình ra quyết định trải qua nhiều cuộc đàm phán giữa các chủ thể, là kết quả của liên minh không ổn định luôn tìm cách áp đặt tư duy của mình.

Như vậy, các quyết định trong doanh nghiệp được đưa ra trong khuôn khổ lợi ích đặc biệt bởi những người ra quyết định thiên vị các lợi ích đó thông qua quyền lực của mình (Pettigrew, 1973). Nếu những lợi ích này không tồn tại, sẽ không cần các thiết lập các biện pháp kiểm soát xung quanh cơ cấu tổ chức (Blau et Schoenherr, 1971), chế độ ưu đãi các nhà quản lý (Berle et Means, 1932) và cơ chế quản lý khác. Ví dụ, lý thuyết đại diện được hình thành dựa trên giả định cuộc xung đột về lợi ích giữa các cổ đông và nhà quản lý, khi những người này không phải là cổ đông chính và không chịu những hậu quả về quyết định của mình (Fama, 1980). Một hệ thống kiểm soát nội bộ – mà Hội đồng quản trị đứng đầu – độc lập ra quyết định nhằm kỷ luật hành vi của các nhà lãnh đạo.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 259-260.