Quyền lực và hợp tác giữa các doanh nghiệp (inter-firm relationships)

1. Quyền lực phi thẩm quyền

Doanh nghiệp là một thực thể chính trị – xã hội được tổ chức trong mạng lưới quyền lực và phi quyền lực giữa các doanh nghiệp thành viên. Nếu việc thực thi quyền lực dường như không có sự khác biệt quá lớn giữa nội bộ doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với nhau, thì bản chất của quyền lực lại tương đối khác nét. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất hiện từ những cơ chế chính thức và phi chính thức có liên kết chặt chẽ đến thẩm quyền và quyền lực. Tuy nhiên, xét ở mức độ liên doanh, không có hợp đồng lao động nào điều chỉnh mối quan hệ phụ thuộc giữa người đặt hàng và người lập đơn hàng. Cơ sở chính thức đó không tồn tại do đó trong trường hợp này, quyền lực không tồn tại song song với thẩm quyền. Mặc dù các doanh nghiệp thành viên của mạng lưới hay chuỗi kinh doanh, nhưng thẩm quyền có được trên bản hợp đồng hợp pháp khách nhau không đồng nghĩa rằng các bên sẽ có quyền kinh tế ngang hàng nhau.

Trong mối quan hệ lao động, chuyển giao quyền lực được giải thích rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật trong khi đó mối quan hệ phụ thuộc kinh tế trong nội bộ doanh nghiệp là nguồn gốc của quyền lực lại không được đề cập đến. Khác với khoa học quản lý, hệ thống lý thuyết kinh tế không tập trung vào các cơ sở lý thuyết nền tảng của các mối quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp. Nó tập trung vào các yếu tố chính thức đánh dấu sự phát triển của cấu trúc quản trị. Tuy nhiên, các bên liên quan đến mạng lưới nội bộ doanh nghiệp lại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong các hoạt động có tính liên kết ở một hệ thống xã hội đơn lập. Mối quan hệ này có thể nhận biết được nhưng không được luật lao động, luật thương mại và luật doanh nghiệp thừa nhận. Các yếu tố không chính thức là những nhân tố thành công của các tổ chức phức hợp hiện đại. Chính vì vậy, nhiệm vụ chính của các nhà quản lý doanh nghiệp là duy trì và củng cố các yếu tố này (Baker và các cộng sự, 2002).

Quyền lực trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp được xây dựng dựa trên các nguyên tắc của pháp luật. Tuy nhiên, những mối quan hệ này mang đặc thù pháp lý khác với mối quan hệ lao động ngay cả khi điểu khoản của hợp đồng cho phép kiểm soát hoạt động của đối tác. Nếu cả hai bên tham gia giao dịch đều có quyền khởi kiện, thẩm quyền thực sự của bên doanh nghiệp trung tâm sẽ có sự khác biệt trên các phương diện nghĩa vụ, biện pháp chế tài hoặc thủ tục pháp lý.

Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp (Inter-firm relationships) tạo thành các mạng lưới tương đối phức tạp; trong đó quyền lực là yếu tố quyết định cốt lõi mối quan hệ giữa các bên liên quan bởi hợp đồng liên doanh (hợp đồng phụ, nhượng quyền thương mại, giấy phép, liên minh …) hoàn toàn khác với những hợp đồng mua – bán đơn giản. Sự khác biệt đó nằm ở khía cạnh niềm tin – kết quả của việc phân phối quyền lực – đã tạo nên các tổ chức mạng lưới liên doanh. Sự hợp tác trong các hoạt động liên mạng lưới không được quy định chặt chẽ trong hợp đồng mà phụ thuộc vào những thỏa thuận không chính thức được gây dựng dựa trên những giá trị sẽ được tạo ra của mối quan hệ trong tương lai (Baker và các cộng sự, 2002, trang 39). Sự phụ thuộc lẫn nhau của các thành viên trong mạng lưới tạo ra động lực trong việc hợp tác lâu dài và làm giảm gánh nặng của cơ quan giám sát có thẩm quyền liên quan.

Nếu như việc hoàn thành hợp đồng lao động bằng cách thiết lập ra một cơ quan quản lý là một trong những tính chất quan trọng nhất của hệ thống cấp bậc thì việc hoàn thành hợp đồng mua bán bằng cách lập ra bộ máy quản trị quan hệ phục vụ việc điều phối quyền lực là nhân tố không thể thiếu trong các vụ hơp tác liên doanh. Việc tích hợp mạng lưới kinh doanh không phụ thuộc vào hợp đồng chính thức hoặc sự phân bổ đặc biệt đối với các quyền sở hữu tài sản mà dựa trên sự phụ thuộc về mặt kinh tế.

Rajan và Zingales (2000) đưa ra lý thuyết về tổ chức kinh tế dựa trên các nguồn lực bổ sung. Lý thuyết này cho phép phân tích mạng lưới liên doanh giữa các doanh nghiệp. Được coi là bộ phận hợp nhất của mạng lưới kinh doanh, pháp nhân có quyền truy cập vào các nguồn tài nguyên quan trọng của mạng lưới.

2. Quyền lực trong các tổ chức mạng

Tổ chức mạng (network-firm) là một thực thể sản xuất hợp nhất, bao gồm các doanh nghiệp độc lập hợp pháp được tích hợp và liên kết với nhau theo chiều dọc bởi một doanh nghiệp trung tâm (doanh nghiệp trung tâm là doanh nghiệp thành lập ra mạng lưới và có trách nhiệm chủ động chăm sóc mạng lưới này) với mục tiêu sản xuất ra một sản phẩm hoặc 1 loại hàng hóa đặc biệt (Jarillo, 1988). Việc phân chia quyền lực giữa các bên là là cơ chế phối hợp chính trong mạng lưới sản xuất theo chiều dọc. Thẩm quyền không tồn tại trong tổ chức mạng trừ những quyền hạn trong hợp đồng được dùng để điều chỉnh việc thực thi các cam kết có trong thỏa thuận. Do đó, tổ chức mạng được thiết lập dựa trên quyền lực nhưng không sở hữu bất cứ một thẩm quyền nào.

Tổ chức mạng xuất hiện từ các quan hệ xã hội chặt chẽ giữa các thành viên trong mạng lưới. Quản trị quan hệ của tổ chức mạng duy trì sự gắn kết của toàn bộ mạng lưới bằng cách duy trì các mệnh lệnh bên trong và bên ngoài tổ chức có liên quan mật thiết đến sự ổn định lâu dài của bản sắc xã hội tập thể và sự bảo vệ danh tiếng. Chính vì thế, quan trị quan hệ được xem là nguồn lực chính của mạng lưới. Danh tiếng hợp pháp hóa vị trí thống trị của doanh nghiệp trung tâm so với các đối tác ngoại lai khác bằng cách cho phép doanh nghiệp này tiếp cận thị tới “thị trường được chế ngự”. Vai trò điều phối quyền lực trao cho doanh nghiệp trung tâm nguồn quyền lực đặc biệt bền vững để kiểm soát và quản lý toàn bộ tổ chức mạng.

Một tổ chức mạng chỉ có thể phát triển bền vững và lâu bởi quyền lực được phân chia thành những nhóm độc lập với nhau, kiềm chế và đối trọng nhau, không có một thành viên nào nắm giữ toàn bộ quyền lực của tổ chức mạng (power as the base of the network-firm). Quyền lực là một loại tài sản cấu thành lên các tổ chức mạng lưới. Do sự phụ thuộc giữa các thành viên trong mạng lưới, quyền lực được phân tán rộng rãi hơn và xu hướng đổ dồn về phía các thành viên chủ chốt để tạo ra những quyết định đầu tư cụ thể xoay quanh nguồn tài nguyên quan trọng của mạng lưới. Sự bổ sung các nguồn lực quan trọng làm sản sinh ra tính hiệp lực giữa các thành viên để tạo ra một hệ thống điều phối tương hỗ lẫn nhau trong tổ chức mạng. Mỗi một pháp nhân trong mạng lưới đều hoạt động phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế do đó hoạt động này đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt giữa các bên tham gia. Do đó, mặc dù doanh nghiệp trung tâm có quyền lực tối cao trong mạng lưới nhưng doanh nghiệp trung tâm không có quyền để lạm dụng loại quyền lực này bởi thiếu đi hợp đồng lao động, doanh nghiệp trung tâm không thể lấy lại mối quan hệ hợp tác cũng như lòng tin của các thành viên khác.

Các pháp nhân khác nhau (nhân viên) đóng góp các nguồn then chốt của họ cho doanh nghiệp trung tâm (chủ lao động) và tham gia vào quá trình sản xuất tri thức của tổ chức mạng (tổ chức hiểu theo nghĩa hẹp). Đầu tư vào yếu tố con người cụ thể trong tổ chức mạng được thực hiện thông qua quá trình cùng nhau học hỏi các kiến thức quý báu. Những kiến thức đặc biệt này cho phép tiếp cận các nguồn lực quan trọng của tổ chức mạng; đây cũng chính là cơ sở độc quyền của quyền lực (Rajan và Zingales, 2000). Doanh nghiệp trung tâm cung cấp cho các đối tác được lựa chọn khả năng đưa các nguồn lực của chính họ vào thực thể chung và cũng để phát triển các nguồn lực của toàn bộ mạng lưới. Doanh nghiệp trung tâm cho phép mỗi cá thể thực thi một phần quyền lực. Do đó, việc khai thác quyền lực thực tế chính là nguồn gốc phát triển của tổ chức mạng.

Các pháp nhân độc lập được tích hợp và điều phối bởi sức mạnh kiểm soát và mệnh lệnh của doanh nghiệp trung tâm. Điều lệ này không được quy định trong hợp đồng mà nằm ngay trong bản chất của chính tổ chức mạng. Nếu các mối quan hệ kinh tế xảy ra giữa những doanh nghiệp khác biệt nhau về mặt pháp lý, những doanh nghiệp trong mạng lưới sẽ thảo luận cùng nhau để tạo ra những ranh giới kinh tế đối với thực thể đơn lập. Phạm vi kinh tế của tổ chức mạng vượt ra ngoài những khuôn khổ pháp lý của doanh nghiệp được công nhận (stricto sensu) và có thể được giới hạn bởi phạm vi khai thác quyền lực. Sự xuất hiện của tổ chức mạng được xây dựng dựa trên sự thiếu kiện toàn trong pháp lý đến nỗi mà tổ chức phức hợp này đã đi quá giới hạn của luật pháp và trách nhiệm pháp lý của hợp động lao động. Trên thực tế, quan hệ lao động không áp dụng cho tổ chức mạng, nơi một số nguồn lực quan trọng có thể vượt ra ngoài các khuôn khổ của luật pháp.

Hợp đồng lao động là mối quan hệ đơn lập giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, sự phát triển của các tổ chức kinh tế phức hợp – nơi tập trung nhiều nhà sử dụng lao động, có tác động mạnh đến bản chất pháp lý và cấu thành xã hội của quan hệ lao động. Mặc dù, tổ chức mạng hình thành một hệ thống sản xuất đơn lẻ, nó đặt quan hệ lao động ra ngoài phạm vi bảo vệ của luật lao động; chính vì thế Collins (1990) cho rằng “vấn đề này dấy lên câu hỏi liệu rằng loại bỏ những quyền lợi trong bảo vệ lao động là nguyên nhân quan trọng cho sự phân tán theo chiều dọc hay là những tác động không mong muốn của các yếu tố kinh tế khác” (trang 355). Các phân tích về tổ chức mạng chỉ ra rằng, sự tách biệt rõ nét giữa người sủ dụng lao động có đầy đủ tư cách pháp nhân (doanh nghiệp ngoại vi) (peripheral firm) và người sử dụng lao động chưa đầy đủ tư cách pháp nhân (doanh nghiệp trung tâm) (hub-firm) làm cho quan hệ lao động trở nên hết sức mơ hồ. Quan hệ giữa lao động và bảo hộ cần phải được đánh giá lại. Lập luận này cho phép xem xét mối quan hệ phụ thuộc giữa trong tổ chức mạng với mục tiêu giành quyền lợi cho người lao động và thiết lập ra một trách nhiệm chung trong quan hệ lao động (Morin, 2005). Sau cùng, sự phát triển bền vững của tổ chức mạng cho thấy việc thi hành quyền lực của tổ chức mạng không cần phải được thể chế hóa trong luật lao động và luật doanh nghiệp.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 270-273.