Cơ chế thay đổi thể chế không đồng hình (Non-isomorphic institutional change)

Greenwood và cộng sự (2002) cho rằng sự thay đổi thể chế không đồng hình (Non-isomorphic institutional change) có thể xảy ra trong nội sinh, ngoại sinh hoặc đồng thời cả hai theo một mô hình nhất định. Mô hình chỉ ra rằng sự thay đổi thể chế không đồng hình có thể xảy ra thông qua các sự kiện, sự thay đổi có tác động tiêu cực tới doanh nghiệp. Thay đổi thể chế không đồng hình xảy ra khi doanh nghiệp gặp phải áp lực trong một hoặc cùng lúc ba vấn đề, gồm: (i) chức năng (functional), (ii) chính trị (political) và (iii) xã hội (social). Khi các thể chế hiện tại không thực hiện hiệu quả chức năng như dự định ban đầu, doanh nghiệp có xu hướng thay đổi và thực hiện lại quá trình thể chế hóa. Áp lực chính trị là kết quả của quá trình thay đổi quyền lợi và phân bổ quyền lực cơ bản trong doanh nghiệp. Và cuối cùng, áp lực xã hội xuất hiện khi nhu cầu, đòi hỏi xã hội thay đổi, hoặc nâng cao hơn. Trong đó, một số động lực thúc đẩy quá trình thay đổi không đồng hình nổi bật như các biến động xã hội, sự phát triển công nghệ, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt hoặc có những thay đổi trong quy định pháp luật quốc gia (Greenwood và cộng sự, 2002).

Mô hình thay đổi thể chế không đồng hình

Nguồn: Greenwood và các cộng sự (2002)

Trong giai đoạn I của quá trình thay đổi thể chế, các hạn chế, bất cập của thể chế hiện hành bắt đầu xuất hiện. Bước sang giai đoạn II, lúc này các nhà xây dựng, quán lý bắt đầu nhận thức được các hạn chế trên, từ đó sắp xếp vấn đề và bắt đầu hình thành các ý tưởng thay đổi, bổ sung cấu trúc thể chế hiện tại.

Trong giai đoạn III của mô hình thay đổi, doanh nghiệp bắt đầu nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp khả thi nhằm hạn chế các vấn đề tồn tại. Giai đoạn tiền tổ chức là giai đoạn nền tảng, cũng cấp cơ sở ban đầu cho giai đoạn lý thuyết hóa, khi doanh nghiệp phát triển và chỉ rõ các cách thức thực hiện và các kết quả có thể xảy ra. Giai đoạn đoạn này góp phần đơn giản hóa hoạt động thay đổi thể chế trên thực tiễn.

Bước tới giai đoạn tiếp theo, các lý thuyết xây dựng sẽ được ban hành, công bố rộng rãi nhằm đảm bảo sự công bằng, khách quan. Đây là kênh thông tin phản hồi quan trọng, cho phép nhà xây dựng thể chế nắm được đánh giá của các đối tượng, đồng thời nhận ra các hạn chế, bất cập, góp phần bảo đảm tính hợp lý, hợp pháp cho thể thế khi được xây dựng và ban hành chính thức. Cuối cùng, sau khi kết thúc các giai đoạn chuẩn bị, các ý tưởng mới được xây dựung và chấp thuận triển khai trong giai đoạn VI của mô hình.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 86 – 87.